Giãn cách xã hội, rất nhiều địa phương thuộc khu vực phong tỏa khiến người bệnh ung thư bị gián đoạn trong quá trình điều trị, lúng túng trong việc chăm sóc sẽ vô tình khiến tình trạng tình trạng bệnh trở nên trầm trọng hơn. Vậy "Chăm sóc bệnh nhân ung thư trong thời gian dịch Covid-19" như thế nào? TS.BS Vũ Hữu Khiêm, Trưởng khoa Ung bướu, BVĐK Tâm Anh Hà Nội, giải đáp thắc mắc và lưu ý chăm sóc bệnh nhân.
Theo TS.BS Vũ Hữu Khiêm, "Covid-19 nguy hiểm với những người có bệnh lý nền, đặc biệt là các bệnh ung thư bởi khả năng đáp ứng miễn dịch của người bệnh kém. Tuy nhiên, người bệnh không nên lo sợ Covid-19 mà trì hoãn thăm khám vì đối với bệnh ung thư, phát hiện sớm giúp điều trị hiệu quả. Những bệnh nhân đang điều trị cũng cần điều trị liên tục đảm bảo đúng phác đồ".
Em bị u phổi, em uống thuốc được 4 toa nhưng do tình hình giãn cách nên một tháng nay em không được vô toa thứ 5. Nếu ngưng vô thuốc như vậy có ảnh hưởng đến việc điều trị và sức khỏe sau này không bác sĩ? (Dương Tuyết, 40 tuổi, Bình Định)
TS.BS Vũ Hữu Khiêm: Chào bạn, điều trị ung bướu cần điều trị liên tục, nếu nghỉ dùng thuốc vài ngày thì không sao nhưng nếu nghỉ quá dài thì các tế bào ung thư sẽ quay lại tấn công. Chính vì vậy, tôi khuyến cáo rằng, những trường hợp như của bạn thì nên tiếp tục điều trị thuốc.
Tuy nhiên, bạn cũng chưa nói rõ mình đang dùng thuốc truyền hay thuốc uống. Nếu như thuốc uống thì mình hoàn toàn có thể khám với các bác sĩ, có thể tư vấn từ xa cũng được thì các bác sĩ khi biết bạn dùng thuốc gì có thể tư vấn theo phác đồ điều trị (nếu bạn vẫn đang đáp ứng tốt thuốc đó). Trường hợp bạn dùng thuốc truyền thì bạn có thể tới các bệnh viện, những nơi có khoa ung bướu để truyền thuốc theo phác đồ điều trị.
Bố em có thói quen hút thuốc lá, thuốc lào, đã bỏ hút thuốc 6-7 năm nay. Hiện tại bố ho rất nhiều, cơn ho kéo dài khoảng 4-5 phút mỗi lần, kèm theo nhiều đờm dãi, nhiều lúc ho mạnh có kèm theo cả máu. Lượng máu lúc ho ra không nhiều, có lúc rất ít như kiểu ho mạnh quá nên bị rách niêm mạc họng vì bố em nói ho xong bị rát họng nhiều. Vì đang dịch nên em cũng chưa đưa bố đi khám, bố em cũng trấn an mọi người là không cần lo. Bác sĩ tư vấn giúp em. (Long, 27 tuổi, Hà Nội)
TS.BS Vũ Hữu Khiêm: Bố bạn có tiền sử hút thuốc và gần đây có xuất hiện ho nhiều, đặc biệt là ho ra máu thì cần hết sức cảnh giác. Ho ra máu có thể do một số nguyên nhân thường gặp như: Lao phổi, giãn phế quản và ung thư phổi, ung thư phế quản. Trong mùa dịch sẽ có khó khăn trong việc di chuyển nhưng việc thăm khám vẫn cần thiết.
Đối với bệnh ung thư càng cần khám sớm, điều trị sớm bởi hiện tại chúng ta chưa biết chính xác bao giờ dịch bệnh kết thúc. Đối với trường hợp của bố bạn, tôi khuyên nên đi khám ngay vì hiện tại công tác phòng dịch ở các bệnh viện cũng rất tốt, từ khâu sàng lọc tới thăm khám. Nếu nhà bạn ở tỉnh thì có thể đưa bố tới các bệnh viện tỉnh, nếu ở Hà Nội thì có thể tới bệnh viện tuyến trung ương hoặc Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh. Tại đây, chúng tôi thực hiện quy trình sàng lọc rất chặt chẽ để đảm bảo an toàn cho người bệnh đến khám và điều trị.
Bố tôi K dạ dày giai đoạn 3. Tôi nghe nói người bị K dễ mắc Covid-19 hơn thì tôi có nên cho bố tôi sinh hoạt riêng để đảm bảo an toàn hơn cho ông không?
TS.BS Vũ Hữu Khiêm: Với câu hỏi người bệnh K dễ mắc Covid-19 hay không thì câu trả lời là có. Do hệ miễn dịch yếu nên người bệnh cần chú trọng tuân thủ phác đồ để có thể theo dõi sức khỏe. Bên cạnh đó người bệnh cần thực hiện đúng quy định 5K của Bộ Y tế. Bệnh nhân nên dùng thêm kính chắn giọt bắn để hạn chế tối đa việc tiếp xúc với các giọt bắn của người đối diện, nên sớm tiêm vaccine khi có điều kiện.
Tuy nhiên, việc hạn chế tiếp xúc như ăn riêng thì theo quan điểm của tôi là cũng chưa cần thiết. Bởi người bệnh K đã phải chịu tổn thương về mặt thể chất và mệt mỏi về tinh thần, việc hạn chế tiếp xúc có thể khiến người bệnh dễ bị tổn thương tâm lý hơn. Vì thế, gia đình nên chủ động thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn thay vì cách ly riêng người bệnh.
Người nhà tôi điều trị K, hiện đang chuẩn bị đưa về chăm sóc tại nhà do tình hình dịch căng thẳng. Anh ấy mắc K đại tràng, điều trị K khả quan nhưng có biểu hiện nôn nhiều, nuốt khó. Bệnh viện có hướng dẫn truyền dinh dưỡng tĩnh mạch để hỗ trợ vấn đề dinh dưỡng cho người bệnh. Điều này có thực hiện tại nhà được không? nhà tôi không có ai làm y tế nên không biết cách đặt ống truyền.
TS.BS Vũ Hữu Khiêm: Với trường hợp của người nhà bạn thì nên được kiểm tra về đường tiêu hóa để xác định hiện tượng nôn nhiều khó nuốt có nguyên nhân do đâu. Nếu do tác dụng phụ của thuốc, thì có thể uống thuốc chống nôn. Nếu người bệnh có thể ăn uống được là tốt nhất nhưng nếu không thì có thể cân nhắc việc truyền chất dinh dưỡng.
Tuy nhiên, việc tự truyền dinh dưỡng tại nhà không an toàn, có nhiều rủi ro như sốc phản vệ, có thể gây nguy hiểm tới tính mạng. Do đó chúng tôi không khuyên gia đình bạn thực hiện thủ thuật này tại nhà, ngay cả khi có nhân viên y tế giám sát. Bởi lẽ nhân viên y tế có thể không chuẩn bị đủ dụng cụ cấp cứu khi có tình huống xấu xảy ra.
Lê Nguyễn