VnExpress Thời sự Thứ ba, 8/4/2025, 07:00 (GMT+7)

Nếu ví nền kinh tế Việt Nam như một con tàu lớn, TP HCM chính là "đầu tàu" - nơi kéo cả nước đi lên. Theo số liệu thống kê 50 năm qua, "đầu tàu" này từng ì ạch trong thập niên đầu sau thống nhất đất nước (1975-1985). Tốc độ tăng trưởng thấp hơn mức trung bình của cả nước, và chỉ đóng góp khoảng 10% cho nền kinh tế quốc dân.

Nhưng "cú hích" mang tên Đổi Mới năm 1986 đã mở ra chương mới. TP HCM nhanh chóng bắt nhịp cải cách, trở thành địa phương đầu tiên đón luồng gió mới của cơ chế thị trường. Từ năm 1992 đến 2011, tăng trưởng kinh tế của thành phố bền bỉ ở mức hai con số - thành tích ít địa phương theo kịp.

Bước sang giai đoạn sau, thành phố tăng trưởng chậm lại và ổn định dưới 10%, nhưng vẫn luôn dẫn trước bình quân cả nước, trừ "cú sốc" năm 2021 do đại dịch Covid-19. Hiện, thành phố đặt mục tiêu: trở lại thời kỳ tăng trưởng hai con số vào năm 2025.

Nhìn vào quy mô kinh tế, TP HCM cũng có bước nhảy vọt. Đến năm 2024, GRDP của thành phố cán mốc gần 1,8 triệu tỷ đồng - gấp hơn 27.000 lần so với năm đầu Đổi Mới. Từ chỗ chỉ chiếm khoảng 10% quy mô kinh tế Việt Nam, TP HCM từng có giai đoạn chiếm tới 25%, trước khi dần giảm xuống mức hơn 15% như hiện nay. Dù vậy, nơi đây vẫn giữ vai trò "xương sống" của nền kinh tế quốc gia.

Nền kinh tế "mở"

Ngay sau Đổi Mới, Việt Nam ban hành Luật Đầu tư nước ngoài năm 1987. TP HCM nhanh chóng tận dụng thời cơ, tiên phong đón làn sóng FDI đầu tiên vào Việt Nam. Trải qua gần bốn thập niên, TP HCM vẫn dẫn đầu cả nước về tổng vốn đầu tư nước ngoài lũy kế với con số lên đến 58,45 tỷ USD.

Tuy nhiên, nguồn vốn FDI vào thành phố không còn mạnh mẽ như trước. Những năm gần đây, TP HCM "hụt hơi" khi nhiều tỉnh, thành khác - với lợi thế quỹ đất rộng, hạ tầng mới và chính sách linh hoạt - vươn lên mạnh mẽ. Trong khi đó, quỹ đất công nghiệp hạn chế đang trở thành điểm nghẽn hút làn sóng đầu tư mới vào đây.

Song hành với FDI, xuất khẩu cũng là trụ cột thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giúp gia tăng thu nhập ngoại tệ, mở rộng thị trường tiêu thụ và phản ánh năng lực hội nhập kinh tế quốc tế của thành phố. Nhờ thu hút đầu tư nước ngoài từ sớm và sự hồi sinh cũng như ra đời của nhiều doanh nghiệp nội địa, TP HCM thường xuyên duy trì vị thế dẫn đầu cả nước về kim ngạch xuất khẩu.

Năm 2000, "đầu tàu kinh tế" từng đóng góp tới một nửa kim ngạch xuất khẩu cả nước. Tuy nhiên, tỷ trọng đóng góp giảm dần, hiện chỉ còn hơn 10%. Nguyên nhân do sự vươn lên của nhiều địa phương khác. Các tỉnh thành như Bình Dương, Bắc Ninh, Hải Phòng... phát triển nhanh các khu công nghiệp, thu hút mạnh dòng vốn FDI vào các dự án sản xuất lớn, qua đó đóng góp ngày càng lớn vào tổng kim ngạch xuất khẩu quốc gia.

Trong nửa thế kỷ, kinh tế TP HCM cũng có sự chuyển dịch cơ cấu rõ rệt. Trước năm 1990, đây là một đô thị mang đậm dấu ấn công nghiệp. Khi đó, gần 70% giá trị kinh tế đến từ khu vực sản xuất. Nhưng bức tranh ấy đã dần thay đổi.

Từ đầu những năm 2000, dịch vụ dần nổi lên, chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong cơ cấu GRDP. Hai thập niên trở lại đây, khu vực này tăng tốc vượt bậc và hiện chiếm gần 65% - đưa TP HCM tiệm cận mô hình các đại đô thị toàn cầu. Trong khi đó, khu vực công nghiệp - xây dựng giờ chỉ đóng góp dưới một phần tư.

Từ nơi sản xuất hàng hóa, thành phố đang chuyển mình thành nơi cung cấp dịch vụ tài chính, công nghệ, thương mại điện tử, logistics...

Một trong những nguyên nhân chính giúp TP HCM trở thành điểm đến hấp dẫn của nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp là nhờ giá trị kinh tế cao.

Năm 2024, mỗi km² tại thành phố tạo ra gần 850 tỷ đồng, gấp 35 lần mức trung bình cả nước. Chỉ số mật độ kinh tế cao là chỉ dấu rõ rệt về năng suất cao, đô thị hóa mạnh và hiệu quả sử dụng đất vượt trội.

Bên cạnh giá trị kinh tế, năng suất lao động của TP HCM cũng cao hơn bình quân cả nước, tuy nhiên, tốc độ tăng năng suất không ổn định và có xu hướng giảm.

Thời kỳ đầu mở cửa (1991-2010), năng suất lao động của TP HCM tăng trung bình 12,26% mỗi năm - gấp đôi mức trung bình toàn quốc. Tuy nhiên, hai thập niên gần đây, đà tăng chậm lại. Thành phố thậm chí tụt hậu so với cả nước về tốc độ tăng năng suất giai đoạn 2011-2020. Dù vậy, sau đại dịch Covid-19, tín hiệu tích cực đã trở lại khi năng suất bắt đầu phục hồi.

TP HCM trong cuộc đua vị thế

Dẫn đầu về kinh tế nhưng TP HCM lại không thể duy trì thứ hạng cao trên các bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh trong nước.

Thành tích cao nhất của TP HCM trên bảng xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) - thước đo môi trường kinh doanh và thu hút đầu tư -dừng ở vị trí thứ 4 vào năm 2014. Từ năm 2018 đến nay, thành phố rời khỏi Top 10 và có xu hướng tụt hạng. Năm 2022 và 2023, địa phương này chạm mức xếp hạng thấp nhất từ trước đến nay - vị trí 27 - phản ánh những thách thức kéo dài liên quan đến thủ tục hành chính, chi phí không chính thức và hạ tầng.

Tình trạng tương tự cũng xảy ra với Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh (PAPI), phản ánh các yếu tố như minh bạch, trách nhiệm giải trình, kiểm soát tham nhũng và cung ứng dịch vụ công đang suy giảm. TP HCM từng thuộc nhóm dẫn đầu trong hai năm đầu xếp hạng từ 2011. Sau giai đoạn đầu có thứ hạng cao, TP HCM tụt hạng đáng kể, đặc biệt vào các năm 2015 và 2018. Dù cải thiện những năm gần đây, thành phố vẫn chưa lấy lại vị trí top đầu.

Xét trong khu vực Đông Nam Á, năm 2010, quy mô kinh tế TP HCM đạt 16,56 tỷ USD, khiêm tốn hơn nhiều so với các trung tâm kinh tế lớn trong khu vực như Singapore, Bangkok hay Jakarta.

Tuy nhiên, thành phố đã có bước tiến ấn tượng, mở rộng gấp 3,8 lần sau hai thập niên, lên 63,58 tỷ USD năm 2023. Tốc độ tăng trưởng này nhanh hơn Singapore (2,09 lần), Bangkok (2,68 lần) và Jakarta (3,2 lần), nhưng chậm hơn Manila (2,48 lần) và Kuala Lumpur (2,36 lần).

Bứt phá mạnh mẽ, TP HCM vẫn cách xa các đô thị hàng đầu khu vực như Singapore và Bangkok. Dù vậy, thành phố đã thu hẹp dần khoảng cách với Manila và Kuala Lumpur, cho thấy tiềm năng tăng trưởng mạnh trong tương lai.

Năm 2022, TP HCM lần đầu góp mặt trong Chỉ số Trung tâm Tài chính Toàn cầu (GFCI), xếp hạng bởi Z/Yen Partners (Anh) và Viện Phát triển Trung Quốc, với thứ hạng 102 - thấp nhất trong nhóm 5 thành phố hàng đầu Đông Nam Á. Đến kỳ xếp hạng tháng 3/2025, thành phố đã thăng hạng 7 bậc so với năm 2024, lần đầu tiên lọt vào top 100 và vượt qua Manila.

Bước tiến này diễn ra trong bối cảnh Chính phủ chính thức phê duyệt kế hoạch phát triển Trung tâm Tài chính Quốc tế TP HCM cuối năm 2024, dự kiến vận hành từ năm 2025 và hoàn thành trong 5 năm. Đây được xem là động lực quan trọng nâng tầm vị thế của thành phố và mở ra cơ hội thu hút nhà đầu tư quốc tế, gia tăng nguồn vốn FDI và thúc đẩy tăng trưởng bền vững trong tương lai.

So với khu vực, TP HCM cũng có hệ sinh thái khởi nghiệp ngày càng sôi động, thu hút nhiều doanh nghiệp và dòng vốn đầu tư. Từ khi có tên trong Xếp hạng hệ sinh thái khởi nghiệp năm 2020 của Tổ chức nghiên cứu và tư vấn quốc tế chuyên về khởi nghiệp Startup Blink (Thụy Sĩ), TP HCM có bước tiến thần tốc, vươn từ vị trí 225 lên 111 chỉ sau 4 năm. Xếp hạng này căn cứ trên nhiều tiêu chí, từ số lượng và chất lượng start-up, môi trường hỗ trợ, đến chính sách phát triển và khả năng kết nối với thị trường quốc tế.

Dù vậy, thành phố vẫn còn khoảng cách khá xa so với các trung tâm lớn trong khu vực như Singapore hay Jakarta, cho thấy sự cần thiết tiếp tục đẩy mạnh các chính sách hỗ trợ các ý tưởng đổi mới sáng tạo trong nền kinh tế.

Viễn Thông - Hoàng Khánh