Anh Đỗ Minh Quân (26 tuổi, nhà ở quận Tân Bình, TP HCM) sau 2 tuần phẫu thuật cắt bao quy đầu ở một cơ sở y tế vẫn chưa lành vết thương, chảy máu rỉ rả. Lo lắng, bệnh nhân đến cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM. Anh được xử lý rửa sạch, cầm máu, khâu lại vết thương, điều trị kháng sinh chống nhiễm trùng để "khắc phục hậu quả".
Theo bác sĩ CK1 Huỳnh Văn Mười Một, Phó khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, với nam giới trưởng thành, nếu phần da che phủ bao quy đầu không thể tự tuột xuống sẽ dễ viêm nhiễm do ứ đọng nước tiểu. Việc tái nhiễm có nguy cơ gây ung thư dương vật.
Thực tế, cách điều trị hẹp bao quy đầu phổ biến ở người lớn là tiến hành tiểu phẫu cắt bao quy đầu. Thông thường, sau cắt da quy đầu từ 2-3 tuần thì mọi sinh hoạt có thể trở về bình thường. Sau khi tiểu phẫu, bệnh nhân có thể về nhà ngay, uống thuốc theo toa bác sĩ. Tuy nhiên, đây là vùng kín, nhạy cảm, dễ làm nứt vết thương, gây xuất huyết, viêm nhiễm, phù nề, chậm lành.
Trường hợp của anh Quân là do một hoặc nhiều nguyên nhân kết hợp như người bệnh vận động nặng sau phẫu thuật dẫn đến rách vết khâu, vệ sinh vết thương sai dẫn đến nhiễm trùng, vết khâu phẫu thuật không chắc chắn dẫn đến bung, đứt chỉ vết khâu. Ngoài ra, người vừa phẫu thuật cắt bao quy đầu nếu mặc đồ lót chật cũng có nguy cơ rách vết thương, chảy máu.
Theo bác sĩ Mười Một, người cắt da quy đầu nên tái khám theo lịch hẹn và tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ. Ngoài ra, người bệnh mặc quần lót phù hợp, rộng, thoáng mát để giảm thiểu ma sát và tránh làm tổn thương vết mổ, không quan hệ tình dục sớm sau phẫu thuật.
Bệnh nhân cần chú ý vệ sinh, không làm ướt vùng băng vết thương. Đồng thời, trong thời gian này, để vết thương mau hồi phục, cũng không sử dụng các chất kích thích như: rượu, bia, thuốc lá, đồ uống có cồn...
Theo bác sĩ, người cắt bao quy đầu phải đến bệnh viện tái khám, hay cấp cứu nếu có dấu hiệu như: dương vật bị đau, sưng tấy, có mùi hôi hoặc tiết dịch đục là biểu hiện bị viêm nhiễm. Sau 10 ngày tiểu phẫu, bệnh nhân vẫn xảy ra tình trạng chảy máu do vận động, bung vết mổ, khó tiểu, bí tiểu, biến chứng phẫu thuật không an toàn gây lệch, cong trục dương vật... cần đi khám, kiểm tra ngay. Trong đó, biến chứng chảy máu sau phẫu thuật cắt bao quy đầu nếu không can thiệp, chữa trị có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh về sinh sản ở nam giới như hiếm muộn hay gây viêm nhiễm đường sinh dục. Người bệnh cần đến cơ sở y tế để được chẩn đoán, điều trị sớm.
Tên nhân vật được thay đổi
Lê Nguyễn
Cắt bao quy đầu là thủ thuật đơn giản, nhưng vẫn có nhiều biến chứng, thường gặp như: chảy máu, hẹp lỗ tiểu, chấn thương hoặc biến dạng dương vật, đặc biệt không ít trường hợp bị xơ hóa, teo quy đầu sau phẫu thuật. Nam giới đến tuổi trưởng thành, nếu bao quy đầu không thể tuột xuống thuận theo tự nhiên, gây khó khăn sinh hoạt cá nhân, sinh hoạt tình dục thì cần đến bệnh viện có chuyên khoa Nam học thăm khám và tư vấn phẫu thuật theo chỉ dẫn của bác sĩ.
Khoa Khám bệnh Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh có đội ngũ bác sĩ giỏi đầu ngành của khoa tiết niệu, khoa nam học, chuyên khám, tư vấn, phẫu thuật cắt bao quy đầu với tiêu chí an toàn, phòng mổ đảm bảo vô trùng, phẫu thuật viên được đào tạo chuyên sâu.