"Làm sao tôi có thể đi sơ tán được?" Natalia Shevchenko, 75 tuổi, nói hôm 1/2, bày tỏ lo ngại chi phí quá tốn kém để rời khỏi thành phố Bakhmut ở tỉnh Donetsk, nơi đang chứng kiến giao tranh ác liệt nhất tại Ukraine.
Shevchenko ẩn náu trong tầng hầm lâu tới nỗi cảm thấy mình "như con chuột chũi" khi bước ra ngoài trời và phải nheo mắt lại. "Đừng lo", bà nói với phóng viên AFP khi tiếng đạn pháo rền vang. "Họ đang ở rất xa. Tôi biết họ đang di chuyển theo hướng nào".
Lực lượng Nga đang tìm cách khép vòng vây để chiếm Bakhmut, khiến nơi đây trở thành chiến trường đẫm máu nhất và kéo dài nhất từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine hồi tháng 2/2022.
Bất chấp phương Tây không ngừng viện trợ vũ khí cho Ukraine, Nga gần đây tuyên bố giành một số bước tiến trong khu vực. Dưới sức ép liên tục của Nga, quân đội Ukraine đã phải rút khỏi thành phố Soledar lân cận và mất kiểm soát một số làng ở ngoại ô Bakhmut.
Cuộc chiến giành Bakhmut đã biến thành phố với dân số khoảng 75.000 người trước cuộc chiến này thành một "đô thị ma" với đầy hệ thống phòng thủ chống tăng và ôtô cháy hỏng.
Khoảng 7.000 dân thường, đa số là người cao tuổi, vẫn sống trong thành phố trong tình cảnh không khí đốt, không điện, không nước máy, trong khi đạn pháo liên tục trút xuống và máy bay không người lái không ngừng quần thảo trên đầu. Một cậu bé và một ông cụ đã thiệt mạng trong trận tập kích của Nga vào thành phố hôm 31/1.
Bên ngoài thành phố, các binh sĩ Ukraine đang khẩn trương củng cố chiến hào. Con sông chia đôi Bakhmut trở thành giới tuyến quan trọng trong cuộc giao tranh.
Shevchenko sống ở bờ đông, hàng ngày mạo hiểm qua cầu lấy nước. Những người có thể sơ tán đã rời đi, trong khi những người như Shevchenko dường như cam chịu số phận.
"Chưa cần khí đốt, chỉ cần có điện, cuộc sống sẽ dễ thở hơn, bởi lúc đó chúng tôi có thể sưởi ấm và nấu nướng", bà nói. "Điều tệ nhất là mạng điện thoại thường xuyên bị sập, khiến tôi không thể gọi điện cho người nhà. Tôi có hai đứa con, một ở Kiev, một ở Odessa. Con cái còn nhỏ nên chúng phải đưa gia đình sơ tán từ trước".
Nadiya Burdinska, 66 tuổi, cho biết đã sống ở Bakhmut cả đời và không định rời đi.
"Chỉ kẻ ngốc mới không biết sợ", bà nói khi kéo bao đựng gỗ bên ngoài tòa nhà tập thể cũ kỹ. "Chuyện gì cũng có thể xảy ra. Nếu Chúa thương tình, tôi sẽ sống sót".
Để giữ ấm, Burdinska phải chi 95 USD mua bếp lò và nhờ chính quyền cung cấp củi để đốt. "Đó là cách chúng tôi đang sống trong thế kỷ 21", bà nói.
Hồng Hạnh (Theo AFP)