Thời sự
Thứ tư, 9/10/2024, 00:43 (GMT+7)

Những cánh rừng khô héo sau bão Yagi

Quảng NinhMột tháng sau bão Yagi, khoảng 117.000 ha rừng gãy đổ đang dần khô héo, tạo thành 6 triệu tấn vật liệu dễ cháy trên địa bàn.

Bị gió bão quật đổ, tuốt gần hết lá, đồi cây ở trung tâm TP Hạ Long chuyển màu nâu và chết dần. Theo thống kê của tỉnh Quảng Ninh, khoảng 117.000 ha rừng, chiếm trên 30% diện tích rừng hiện có, bị thiệt hại 30-100%, trong đó gần 50% là rừng trồng.

Dọc tỉnh lộ 234, quốc lộ 279, quốc lộ 18 kéo dài từ TP Hạ Long đi các huyện Vân Đồn, Tiên Yên, Ba Chẽ, Bình Liêu, cây rừng hai bên đường đổ rạp xuống đất, biến thành củi khô.

Cây thông đường kính 20 cm trong khu du lịch Tuần Châu bị gió bão quật đổ ngang thân. Phần lớn diện tích rừng gãy đổ trồng các loài cây thông, keo, bạch đàn.

Quảng Ninh ước tính thiệt hại về lâm nghiệp hơn 6.400 tỷ đồng (chiếm 26% tổng thiệt hại do bão của địa phương), ảnh hưởng tới 22.000 hộ dân, gồm các hộ được giao đất, giao rừng và hộ được giao khoán trồng rừng của các Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp.

Nhân viên Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Hoàng Bồ tận thu cây keo bị bão quật đổ chiều 8/10. Lãnh đạo công ty cho biết hơn 4.000 ha rừng trồng gần đến ngày khai thác bị phá hủy 85%, thiệt hại 300 tỷ đồng.

Theo quy định của nhà nước, với rừng trồng của hộ gia đình, cá nhân bị thiệt hại trên 70% sẽ được hỗ trợ 4 triệu/ha; rừng bị thiệt hại 30-70% được hỗ trợ 2 triệu đồng/ha.

Ngoài ra, theo nghị quyết về một số chính sách đặc thù để khuyến khích phát triển lâm nghiệp bền vững trên địa bàn Quảng Ninh, những hộ dân có diện tích trồng rừng gỗ lớn từ 3 ha trở lên được hỗ trợ 20 triệu đồng/ha và 400.000 đồng/ha để thuê đơn vị tư vấn vào lập hồ sơ.

Chi cục Kiểm lâm đã đề xuất UBND tỉnh hỗ trợ người trồng rừng khắc phục thiệt hại sau bão từ nguồn vốn của Mặt trận Tổ quốc tỉnh. Mức hỗ trợ dọn vệ sinh rừng bị thiệt hại trên 30% là một triệu đồng/ha.

Công an viên ở huyện Cô Tô cưa cắt cây đổ ở rừng nguyên sinh khu Hải Đăng trên đảo để tiện dọn dẹp.

Cây bị bão tàn phá không thể hồi phục, dần trở thành củi khô, tiềm ẩn nguy cơ cháy, nhất là trong điều kiện hanh khô như hiện nay. Thực tế từ ngày 28/9 đến nay, tỉnh Quảng Ninh xảy ra 8 vụ cháy rừng (Vân Đồn 3, TP Cẩm Phả 3, huyện Ba Chẽ 1 và TP Hạ Long 1), diện tích có rừng bị cháy khoảng 57 ha.

12h ngày 4/10, đồi cây từ khu 5 đến khu 7, phường Hồng Hà, TP Hạ Long xảy ra cháy, đến 2h hôm sau mới được dập tắt. Bốn ngày sau đám cháy, ông Lê Văn Thiện, tự vệ phường Hồng Hà cùng đồng đội lên đồi kiểm tra, ngăn tàn dư lửa.

Ông Thiện đổ nước vào thân cây cháy ẩm ỉ trên ngọn đồi sau trụ sở UBND phường Hồng Hà, sáng 8/10.

Để sớm trồng lại rừng, ngăn cháy và vệ sinh môi trường, ông Cao Tường Huy, Chủ tịch tỉnh Quảng Ninh, đã giao cho các huyện, thị xã, thành phố huy động lực lượng, phương tiện hỗ trợ chủ rừng thu dọn cây gãy đổ, vệ sinh, hoàn thành công việc trước ngày 31/10/2024.

Thảm thực vật xanh tốt trên đồi thành tro sau vụ cháy rừng ngày 4/10. Cây chết do bão và cháy rừng khiến môi trường sống của các khu dân cư lân cận bị ô nhiễm vì tro bụi.

Ngay sau khi thu dọn cây đổ, việc trồng rừng được tiến hành khẩn trương. Do nhu cầu cây giống tăng cao, công nhân ở cơ sở giống cây rừng của ông Nguyễn Đức Bảo, khu 2 thị trấn Ba Chẽ, làm việc không ngơi tay.

Quảng Ninh hiện có một cơ sở sản xuất, nuôi cấy mô cây lâm nghiệp và gần 20 vườn ươm giống cây rừng, cơ bản đáp ứng nhu cầu cây giống trồng rừng phòng hộ, rừng sản xuất.

Lê Tân

VnExpress mở chiến dịch "Cùng đồng bào vượt lũ" nhằm hỗ trợ người dân vượt lên nghịch cảnh thiên tai, tái thiết cuộc sống. Mọi đóng góp của bạn xin ủng hộ tại đây.