Tối 25/3, 24 giờ sau khi Nhật Bản và Ủy ban Olympic Quốc tế thống nhất hoãn tổ chức Thế vận hội Mùa hè Tokyo 2020 vì Covid-19, Thống đốc Tokyo Yuriko Koike cảnh báo người dân rằng thủ đô "đang trong giai đoạn quan trọng trước khi một đợt lây lan có thể bùng phát".
Tốc độ xét nghiệm của Nhật Bản hiện còn thấp làm dấy lên lo ngại rằng còn nhiều người nhiễm bệnh có khả năng chưa được phát hiện.
Thống đốc Koike kêu gọi người dân Tokyo làm việc từ xa, tránh ra ngoài khi không cần thiết và ở yên trong nhà vào cuối tuần. Hôm qua, các thống đốc từ 4 tỉnh lân cận cũng yêu cầu người dân hạn chế ra ngoài vào cuối tuần trừ trường hợp khẩn cấp.
"Nếu bây giờ chúng ta không làm gì, tình hình sẽ xấu đi. Tôi kêu gọi tất cả mọi người hợp tác", Koike nhấn mạnh.
Công chúng Nhật Bản đến nay vẫn coi nhẹ những cảnh báo từ chính quyền. Dù trường học đã đóng cửa một tháng qua và chính phủ đã ra lệnh hủy hoặc hoãn các sự kiện văn hóa, thể thao lớn, cuộc sống vẫn diễn ra bình thường.
Người dân vẫn chen chân trên các toa tàu điện ngầm đông đúc, tụ tập trong công viên ngắm hoa anh đào, đi mua sắm, ăn tối và uống rượu tại nhà hàng, không lo âu vì số ca nhiễm và tử vong vì nCoV của Nhật hiện vẫn ở mức tương đối thấp.
Thậm chí tại một câu lạc bộ đêm ở Osaka, nơi dịch bệnh bùng phát hồi đầu tháng, 40 cô gái trẻ vẫn tham gia buổi biểu diễn của một ban nhạc nam vào tối 25/3, nhảy nhót và vẫy tay hưởng ứng trong không gian nhỏ hẹp suốt hai tiếng.
Trong khi những nơi khác trên thế giới rơi vào vòng xoáy lây nhiễm, bệnh viện quá tải và số người chết tăng với tốc độ chóng mặt, Nhật Bản, quốc gia với gần 127 triệu dân, đến nay chỉ ghi nhận hơn 1.300 ca nhiễm và 47 ca tử vong. Nhật là một trong những quốc gia có tỷ lệ tử vong tăng chậm nhất dù dân số già.
"Có thể họ đã làm điều gì đó đúng đắn, hoặc không, chúng ta đơn giản là chưa thể biết rõ ràng", giáo sư Peter Rabinowitz, giám đốc Trung tâm Chuẩn bị ứng phó Dịch bệnh và An ninh Y tế Toàn cầu thuộc Đại học Washington, nhận xét.
Nhật Bản dường như đã tạo ra một kỳ tích trong nỗ lực ngăn chặn virus lây lan, nhưng họ lại thể hiện một sự tương phản so với các quốc gia châu Á khác. Họ không phong tỏa các thành phố như Trung Quốc. Họ không triển khai những công nghệ theo dõi hiện đại như Singapore. Họ cũng không tiến hành xét nghiệm trên diện rộng nhằm cách ly và điều trị bệnh nhân như Hàn Quốc.
Trong khi Hàn Quốc, với dân số chưa bằng một nửa Nhật Bản, đã thực hiện xét nghiệm trên gần 365.000 người, Nhật mới tiến hành khoảng 25.000 xét nghiệm. Nhật hiện tại có khả năng thực hiện 7.500 xét nghiệm mỗi ngày nhưng số xét nghiệm trung bình một ngày của họ chỉ là 1.200 đến 1.300.
Bác sĩ Tomoya Saito, giám đốc ban quản lý khủng hoảng y tế tại Viện Y tế Công cộng Quốc gia Nhật, cho hay họ hạn chế xét nghiệm là có chủ ý. Các bác sĩ thường chỉ định làm xét nghiệm khi bệnh nhân bị sốt hoặc xuất hiện những triệu chứng khác trong 2 đến 4 ngày. Chính sách hiện tại của Nhật là cho bất kỳ ai dương tính nCoV nhập viện, vậy nên giới chức muốn tránh làm cạn kiệt tài nguyên y tế với những ca ít nghiêm trọng.
Theo bác sĩ Saito, một phần nguyên nhân giúp Nhật chống lây lan hiệu quả có thể bắt nguồn từ văn hóa, trong đó có thói quen rửa tay thường xuyên và cúi đầu chào thay vì bắt tay hay ôm hôn. Người dân cũng thường xuyên đeo khẩu trang trên tàu điện và ở nơi công cộng, kể cả trước khi dịch bùng phát. "Đây là một kiểu cách biệt cộng đồng", Saito nói.
Nhưng Jeffrey Shaman, nhà dịch tễ học tại Đại học Columbia, cho rằng phương pháp tiếp cận của Nhật Bản là một "canh bạc". "Nguy cơ đặt ra là dịch bệnh đang âm thầm lây lan và khi bạn nhận ra thì đã quá muộn", ông bình luận.
Tại Osaka, một báo cáo trình lên Bộ Y tế tháng này dự đoán vào đầu tháng 4, thành phố có thể ghi nhận gần 3.400 ca nhiễm, trong đó có 227 ca nghiêm trọng. "Việc điều trị y tế cho các bệnh nhân nặng có thể trở nên khó khăn", báo cáo cho hay.
Hôm 25/3, Thống đốc Osaka Hirofumi Yoshimura cho biết ông đang cố gắng bổ sung 600 giường bệnh cho các khu cách ly, giúp chữa trị những bệnh nhân nặng nhất.
Bác sĩ Masaya Yamato, trưởng khoa bệnh truyền nhiễm tại Trung tâm Y tế Đa khoa Rinku ở Osaka, nói khu vực đang hướng tới mô hình mà bệnh nhân nhiễm nCoV với các triệu chứng nhẹ có thể ở nhà để nhường giường cho người bệnh nặng.
Tokyo hiện chỉ có 100 giường chỉ định cho những bệnh nhân nhiễm nCoV nặng. Hai ngày trước, chính quyền thành phố tuyên bố sẽ thu xếp thêm 600 giường bệnh nữa.
Theo bác sĩ Yamato, yêu cầu người dân ở nhà vào cuối tuần này từ Thống đốc Tokyo Yuriko Koike, có thể là chưa đủ để ngăn một cuộc khủng hoảng xảy ra.
"Thủ tướng Shinzo Abe nên ban bố phong tỏa toàn Tokyo thì tốt hơn", bác sĩ Yamato nói. "Không nên coi tác động kinh tế là ưu tiên. Tokyo nên phong tỏa từ hai đến ba tuần, nếu không, hệ thống y tế có nguy cơ sụp đổ".
Chính quyền Thủ tướng Abe đã chỉ định một đội chuyên trách nhằm xác định xem liệu ông có nên ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia hay không. Đây là biện pháp mà ông hồi đầu tháng nói rằng không cần thiết.
Hiện tại, cuộc sống tại Nhật không có nhiều thay đổi. Dù các kệ hàng tạp hóa được người dân "quét" sạch vào tối 25/3, mọi hoạt động vào ngày 26/3 vẫn diễn ra bình thường.
Gần ga Shinbashi ở trung tâm Tokyo, khách hàng vẫn ngồi sát nhau trên quầy tại một nhà hàng phục vụ bữa trưa mỳ xào đặc biệt với giá 4,5 USD. Bên ngoài cửa hàng thức ăn nhanh McDonald's, dòng người vẫn xếp hàng dài.
Tại công viên Shinjuku Gyoen ở phía tây Tokyo, nơi hoa anh đào đang nở rộ, một tấm biển đặt tại cửa vào thông báo với khách tham quan rằng việc trải thảm ngắm hoa và uống rượu đã bị cấm nhằm chống Covid-19. Nhân viên an ninh liên tục đi qua những nhóm người đang vui vẻ chụp ảnh với hoa, khuyên họ thường xuyên rửa tay.
Tại một cửa hàng không xa công viên, Kazuhisa Haraguchi, 36 tuổi, nhẫn nại xếp hàng chờ mua giày. Anh cho biết bản thân cảm thấy lo lắng về tình trạng dịch bùng phát ở Mỹ và châu Âu nhưng không quá lo về tình hình hiện nay tại Nhật.
"Dịch bệnh thật đáng sợ, nhưng có vẻ mọi chuyện ở đây không quá nghiêm trọng", Haraguchi nói. "Nếu tôi chết, ít nhất tôi sẽ chết bên đôi giày thể thao yêu thích của mình".
Vũ Hoàng (Theo New York Times)