Sau 3 tháng Chính phủ ban hành Nghị quyết 128 về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch Covid-19 và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành hướng dẫn tạm thời về triển khai các hoạt động du lịch trong bối cảnh mới, du lịch Việt Nam được đánh giá đã có những dấu hiệu khởi sắc. Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, Nguyễn Trùng Khánh, chia sẻ với VnExpress những hoạt động của ngành và nhận định về du lịch Việt Nam thời gian tới.
- Ông đánh giá thế nào về chuyển biến của du lịch Việt Nam sau 3 tháng "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch Covid-19"?
- Du lịch là một trong những lĩnh vực kinh tế chịu ảnh hưởng sớm và nặng nề nhất. Hiện dịch bệnh còn phức tạp, du lịch chưa biết khi nào mới có thể phục hồi bằng thời điểm trước dịch. Song nghị quyết của Chính phủ cùng hướng dẫn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã nêu rõ cả 4 cấp độ dịch thì hoạt động du lịch dựa vào đó để tổ chức, có hạn chế mức độ và quy mô. Đây là một trong những định hướng cởi mở, tạo điều kiện cho địa phương, doanh nghiệp khôi phục kinh doanh.
Nhiều địa phương đã tái thiết hoạt động du lịch từ nội tỉnh, nội địa và một số nơi tham gia thí điểm đón khách quốc tế. Trong thời gian ngắn, các địa phương, doanh nghiệp du lịch đã có sự liên kết, xây dựng nhiều sản phẩm mới chất lượng cao, giá hấp dẫn, thu hút được nhiều du khách, phù hợp bối cảnh mới. Trong đó, một số địa phương đã có sự chuyển biến tích cực về lượng khách nội địa như Phú Quốc (Kiên Giang), Nha Trang (Khánh Hòa), Lào Cai...
- Việt Nam bắt đầu vào giai đoạn hai của việc thí điểm đón khách quốc tế, ông có kỳ vọng gì?
- Tôi cho rằng có rất nhiều tín hiệu tốt để khẳng định ngành du lịch Việt Nam sẽ sớm phục hồi. Trong giai đoạn thí điểm đầu tiên, dù thời gian ngắn, Việt Nam đã đón hơn 1.000 khách quốc tế. Đặc biệt, khách quốc tế đã có phản hồi tích cực về chính sách mở cửa trở lại của Việt Nam và hài lòng với dịch vụ, sản phẩm vừa trải nghiệm. Chúng ta chưa ghi nhận ca nhiễm Covid-19 nào từ các du khách quốc tế. Đặc biệt, việc Việt Nam mở lại đường bay thương mại quốc tế sẽ là sự cộng hưởng tích cực để ngành du lịch và hàng không phục hồi.
Trong tháng 1, Việt Nam sẽ bước sang giai đoạn 2 của chương trình thí điểm đón khách quốc tế, tập trung vào các thị trường Đông Bắc Á, tiến tới châu Âu, cụ thể là Nga. Trong giai đoạn này, các chuyến bay đón khách sẽ mở rộng quy mô, các địa phương như TP HCM, Bình Định cũng đã có đề xuất tham gia.
- Vậy Việt Nam sẽ hợp tác quốc tế thế nào để phát triển khi nhiều nước đã mở cửa du lịch nước ngoài thành công?
- Chúng tôi xác định mục tiêu của thí điểm đón khách quốc tế là khai thác lại thị trường và đang nhận những tín hiệu tích cực từ các hãng lữ hành, hàng không rằng sẽ có số lượng khá lớn khách quốc tế trở lại trong thời gian tới. Hiện Việt Nam đang trao đổi với Thái Lan về việc thiết lập bong bóng du lịch. Thái Lan đã thành công trong việc thí điểm đón khách quốc tế nên việc liên kết cần có sự mở cửa tương đồng. Tôi kỳ vọng trong thời gian tới ASEAN sẽ có quy định chung về đi lại, đồng thời Việt Nam mở cửa lại đường bay quốc tế sẽ giải quyết được vấn đề này.
- Ở trong nước, liên kết du lịch giữa các địa phương có vai trò quan trọng song nhiều nơi vẫn e dè, điều này ảnh hưởng thế nào tới phục hồi du lịch?
- Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp mang tính liên ngành, liên vùng, tính xã hội hóa cao nên liên kết hợp tác là yêu cầu không thể thiếu nếu muốn phát triển, nhất là trong bối cảnh 2 năm qua Covid-19 đã làm hoạt động kinh doanh dịch vụ bị đứt gãy. Nghị quyết của Chính phủ cũng yêu cầu hài hòa giữa mục tiêu phòng, chống dịch bệnh và phát triển, khôi phục kinh tế. Vì vậy các địa phương cũng cần nắm chắc quan điểm, trong du lịch nếu quá thận trọng, chậm trễ sẽ bỏ lỡ cơ hội vàng.
Nhiều địa phương hiện vẫn thực hiện xét nghiệm nCoV đối với khách du lịch, dù không có yêu cầu điều tra dịch tễ hay đến từ vùng nguy cơ cao. Ngoài ra, quy trình khai báo di chuyển giữa các địa phương cũng chưa đồng nhất, mỗi nơi một ứng dụng. Tình trạng mở cửa nhưng không hoàn toàn như vậy sẽ khiến doanh nghiệp cạn kiệt nguồn lực, đặc biệt ảnh hưởng đến uy tín địa phương trong mắt du khách và xa hơn là uy tín của du lịch Việt Nam.
- Là hai nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong dịch Covid-19, TP HCM và Hà Nội đã có những động thái nào để việc khôi phục hoạt động du lịch?
- TP HCM và Hà Nội là hai trung tâm du lịch lớn nhất cả nước về đưa và đón khách. Sau mỗi lần dịch được khống chế, ngành du lịch hai địa phương đã nỗ lực tham mưu chính quyền mở cửa du lịch và chủ động đề xuất, xây dựng chương trình du lịch mới.
Cụ thể TP HCM đã tiến hành xúc tiến du lịch tại địa phương và các tỉnh, thành trên cả nước như vùng đồng bằng Sông Cửu Long, Đông Tây Bắc.... Lãnh đạo thành phố cùng ngành du lịch có những biện pháp xúc tiến mạnh mẽ để thu hút khách du lịch trở lại. Còn Hà Nội, UBND TP và cơ quan quản lý du lịch đã ký kết hợp tác với 11 tỉnh, thành phố vùng Đông - Tây Bắc, Trung du, miền Trung... Điều này có ý nghĩa lớn trong việc tạo động lực cho các địa phương khởi động lại du lịch. Hà Nội cũng đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo giới thiệu sản phẩm mới. Tôi cho rằng đây là động thái tích cực.
Tôi kỳ vọng các địa phương sẽ thiết lập được hành lang an toàn, tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch và Hà Nội, TP HCM sẽ sớm lấy lại đà tăng trưởng. Hoạt động du lịch sôi nổi ở hai cực sẽ lan tỏa tín hiệu vui, góp phần vào việc phục hồi thị trường trên cả nước.
Lan Hương