Ngoài tăng huyết áp, 15% người cao tuổi mắc đái tháo đường, gần 3% hen phế quản và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, Sở Y tế nêu hôm 12/9.
Tăng huyết áp được xem là kẻ giết người thầm lặng, là nguyên nhân gây tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, suy tim, suy thận... Nếu không được điều trị và kiểm soát lâu dài theo hướng dẫn của bác sĩ, bệnh có thể để lại biến chứng nặng nề, gây tàn phế, tử vong.
Lần khám sức khỏe này, ngành y tế phát hiện 360 người có dấu hiệu nghi ngờ ung thư, giới thiệu đến bệnh viện tuyến trên để chẩn đoán xác định. Ngoài ra, 420 người được phát hiện có dấu hiệu trầm cảm từ nhẹ đến nặng, 295 người có dấu hiệu lo âu từ nhẹ đến nặng. Nhiều người có các dấu hiệu suy yếu thể lực, có nguy cơ té ngã.
Trong tháng 8, 49 phường xã TP HCM tham gia thí điểm khám sức khỏe miễn phí (mỗi quận huyện chọn ít nhất một phường xã), gồm xét nghiệm cận lâm sàng, siêu âm tổng quát, xét nghiệm máu, cho người từ 60 tuổi. Sau đó, Sở Y tế TP HCM họp rút kinh nghiệm, xây dựng kế hoạch và dự toán kinh phí triển khai chính thức khám sức khỏe toàn bộ người cao tuổi (không phân biệt thường trú hay tạm trú) trên toàn thành phố từ năm 2024.
Dự kiến, mỗi năm ngân sách thành phố chỉ khoảng 150 tỷ đồng để khám định kỳ hơn một triệu người cao tuổi nhằm kịp thời phát hiện và quản lý điều trị các bệnh không lây nhiễm.
Sau khám sức khỏe, người dân mắc bệnh không lây nhiễm được tổ chức quản lý điều trị theo chương trình tích hợp gắn với trạm y tế. Kết quả khám được số hóa để liên thông vào hồ sơ sức khỏe điện tử, giúp người dân tự quản lý thông tin sức khỏe cá nhân, đồng thời cung cấp đầy đủ thông tin cho các cơ sở khám chữa bệnh khi người dân đến khám.
Từ dữ liệu này, ngành y tế xác định được mô hình sức khỏe và bệnh tật của người cao tuổi đang sinh sống trên địa bàn, chủ động can thiệp sớm giúp tăng hiệu quả, giảm chi phí điều trị, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.
Lê Phương