"Diễn biến mới nhất là kết quả từ việc Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine, và việc Moskva tìm cách chuyển hướng vấn đề sang quan hệ Nhật - Nga là cực kỳ phi lý và hoàn toàn không thể chấp nhận được", Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida phát biểu tại quốc hội hôm nay.
Ông Kishida nói thêm rằng Nhật "phản đối mạnh mẽ" quyết định rút khỏi đàm phán về hiệp ước hòa bình Thế chiến II của Nga, đồng thời lên án các hành động "đơn phương thay đổi hiện trạng bằng vũ lực".
![Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida trong chuyến thăm New Delhi, Ấn Độ hôm 19/3. Ảnh: AFP.](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2022/03/22/000-326H34V-jpeg-3137-1647917805.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=_mRQ9xomynWzD-aWoebe_Q)
Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida phát biểu trong chuyến thăm New Delhi, Ấn Độ hôm 19/3. Ảnh: AFP.
Tuyên bố của Thủ tướng Nhật được đưa ra sau khi Bộ Ngoại giao Nga thông báo không có ý định tiếp tục đàm phán hiệp ước hòa bình với Nhật với cáo buộc Tokyo "công khai thể hiện thái độ thiếu thiện chí và tìm cách gây tổn hại lợi ích của đất nước chúng tôi".
Nga cũng đình chỉ những cuộc đàm phán về các dự án hợp tác kinh tế với Nhật tại quần đảo Kuril/Lãnh thổ phương Bắc, đồng thời chấm dứt quy chế đi lại không cần visa với công dân Nhật. Bộ Ngoại giao Nga khẳng định quyết định được đưa ra bởi "những hạn chế đơn phương Nhật Bản áp đặt với Nga, liên quan tình hình ở Ukraine".
Cựu thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã nỗ lực thúc đẩy tiến độ đàm phán hòa bình với Nga nhiều năm qua, nhưng mới đạt được rất ít thỏa thuận về lãnh thổ tranh chấp, mà Nga gọi quần đảo Kuril và Nhật gọi là Lãnh thổ phương Bắc.
"Quan điểm của Nhật Bản trong việc giải quyết vấn đề Lãnh thổ phương Bắc để ký hiệp ước hòa bình là không thay đổi", ông Kishida nói, song nhấn mạnh chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine khiến vấn đề này không có triển vọng.
Ông cũng cho biết không thể hình dung hợp tác kinh tế mới với Nga trong hoàn cảnh hiện nay, dù Nhật Bản vẫn chưa rút khỏi các dự án năng lượng chung quan trọng, vốn được coi là cần thiết đối với quốc gia nghèo tài nguyên này.
Nga và Nhật vẫn chưa ký hiệp ước hòa bình để chấm dứt Thế chiến II do tranh chấp tại quần đảo Kuril/Lãnh thổ phương Bắc. Tổng thống Putin năm ngoái nói rằng Moskva và Tokyo đều muốn xây dựng quan hệ hữu nghị, cho rằng thật khó hiểu khi hai bên chưa ký hiệp ước hòa bình.
Sau khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine ngày 24/2, Thủ tướng Kishida tuyên bố loạt biện pháp cấm vận Moskva, gồm cấm phát hành trái phiếu của Nga tại Nhật, đóng băng tài khoản ngân hàng của một số cá nhân Nga và hạn chế đi lại tới Nhật Bản. Giới tinh hoa và các ngân hàng Nga cũng bị nhắm mục tiêu.
Nhật Bản tuần trước cũng công bố kế hoạch bãi bỏ quy chế tối huệ quốc với Nga. Đối xử tối huệ quốc là nguyên tắc cơ bản trong thương mại quốc tế của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), theo đó một nước thành viên phải dành sự đối xử như nhau cho mọi thành viên WTO khác, không phân biệt nước phát triển, đang phát triển hay kém phát triển. Bỏ quy chế tối huệ quốc sẽ mở đường cho Nhật Bản áp đặt thuế quan với nhiều loại hàng hóa của Nga.
Huyền Lê (Theo AFP)