Chia sẻ bài viết tại đây
Tròn hai tuần kể từ tối tôi biết tin mình "2 vạch". Khoảng thời gian thật nhiều cảm xúc thăng trầm. Tôi đã kết thúc đợt trị liệu và được về nhà từ tối thứ 7 tuần rồi và đang tự cách ly tiếp tại gia.
Sức khỏe của tôi ổn, từ đầu tới giờ hầu như chỉ giống các đợt cảm lạnh thông thường, ngoại trừ việc mất khứu giác và vì thế, tôi cũng chưa dùng tới bất kỳ loại thuốc nào. Tôi chỉ súc miệng, họng nước muối hằng ngày, mấy ngày trước thì uống thêm cao ho An Phế và xịt rửa mũi thông xoang do cô em thân thương gửi cho để giảm đờm và giảm sổ mũi.
Thời gian qua, ngoài việc phải vào khu cách ly tập trung và xa gia đình, nơi làm việc thì mọi nếp sinh hoạt của tôi vẫn diễn ra như cũ: từ nhịp ăn ngủ tới làm việc. Có một điều duy nhất tôi chú ý hơn là tập thở mỗi ngày, khi vừa thức dậy, lúc trước khi ngủ hay bất cứ lúc nào cảm thấy mệt, nản - mỗi lần chỉ khoảng vài phút. Tôi nghĩ Covid-19 cũng chỉ là bệnh do virus nên với những người trẻ khỏe và đã được tiêm phòng, nếu tình trạng nhẹ thì để cho cơ thể có cơ hội tự chiến đấu, có triệu chứng gì thì chữa triệu chứng đó, không có gì đáng sợ hay phải xoay sở thuốc thang.
Tới giờ phút này, trở thành F0 là một trải nghiệm đặc biệt và khiến tôi cảm thấy bản thân thật may mắn khi được nhiều người yêu thương, quan tâm, hỗ trợ, từ gia đình tới công ty, bạn bè, đồng nghiệp... Đó thật sự là một liều thuốc "siêu siêu tốt". Một điều may mắn nữa là tôi đã không lây bệnh cho ai, các F của tôi tới giờ này đều đã an toàn.
Tôi muốn ghi lại những trải nghiệm ấy để lưu giữ cho chính mình và có thể hữu ích cho ai đó khi dịp này mỗi ngày số F0 lại tăng lên... Tất nhiên, tình hình dịch 2 tuần trước và bây giờ đã khác nhiều lắm rồi.
Ngày đầu tiên (6/12): Tôi chào ngày mới bằng một tràng hắt xì và thầm nghĩ: "Chả có nhẽ mình dị ứng Hà Nội, về một cái là tái diễn điệp khúc hắt hơi sổ mũi, ở Nha Trang mấy ngày có sao đâu". Tôi đến chỗ làm, trong ruột cứ thấy có cảm giác bồn chồn mà không biết vì sao. Cả buổi tôi đeo khẩu trang, không bỏ ra, trưa xin phép về để chiều đưa con đi tiêm.
Trong thang máy, nghĩ thế nào, tôi bắt đầu google điểm "test Covid" gần nhà. Trưa đó, tôi bảo bọn trẻ: "Các con ăn cơm đi, đơm cho mẹ một bát, mẹ ăn riêng trong này nhé". Xong xuôi, tôi đưa con đi tiêm, trong lúc ngồi đợi, tôi gọi cho anh bác sĩ quen: "Em mới đi máy bay về, có cần test Covid không anh?". Anh bác sĩ hỏi lại: "Em có triệu chứng gì không, có tiếp xúc với ai khả nghi không?" - "Không. Nhưng em có cảm giác sao đó. Em không muốn cứ phải lo lắng, đeo khẩu trang suốt ngày khi tiếp xúc với người thân" - "Vậy em test nhanh ngày 3, ngày 7 đi" - "Dạ".
Nhưng tôi đã không đợi, khi đưa con về nhà, tôi lập tức đi xét nghiệm. Trên đường về, ghé qua hàng thuốc mua thuốc kháng histamin, loại ít gây buồn ngủ. Tối đến, tôi vẫn hí hửng ăn lẩu với gia đình nhưng thấy người cứ lả dần và sau đó, tôi lên sofa nằm mê mệt. Gần 22h, điện thoại réo, kết quả dương tính. Tai từ đó cứ ù đi và tôi tự nhốt mình trong phòng, nhắn tin cho chồng thông báo, dặn dò. Bước tiếp theo, tôi nhắn tin cho sếp báo tình hình, lòng đầy áy náy. Lo nhất em Dương ngồi bên cạnh đang bầu bì... Sau đó như nào, tôi không nhớ nữa.
Ngày thứ hai (7/12): Mở mắt ra là tôi nghĩ ngay, cần nhớ lại xem mình đã gặp những ai để báo cho mọi người chuẩn bị, hạn chế tiếp xúc... Tôi nhắn tin lần lượt cho từng người rồi nhắn với ban quản lý tòa nhà. Đợi mãi rồi bên Y tế cũng gọi tôi và chồng con ra xét nghiệm. Tôi báo với chồng, nhìn hai đứa trẻ con rồi bảo: "Em đi trước, ba bố con chở nhau nhé", tự dưng nước mắt ứa ra. Sẽ thế nào?
Đầu tiên, họ test nhanh cho cả nhà, một mình tôi dương tính, chồng và các con âm tính. Tôi nhắn tin cho cô em đi cùng mình trong suốt chuyến công tác, bảo em đi test rồi báo với mọi người trong đoàn cũng nên test và chú ý cách ly. Tôi thấy tâm trạng mình rối bời vì nỗi lo sợ lây cho mọi người, vô số câu hỏi xuất hiện trong đầu...
Ngày thứ 3 (8/12): Tôi nhận kết quả test PCR dương tính và xin cách ly tại nhà nhưng không được chấp thuận. 16h, tôi nhận cuộc điện thoại chuẩn bị sẵn đồ đạc để đi cách ly. Đi cách ly cũng tốt, chồng con ở nhà giảm bớt nguy cơ bị lây. Hàng xóm đỡ lo ngay ngáy. Vào kia một mình cũng yên trí trị bệnh. Sẵn sàng thôi! Tôi đi gội đầu, tắm táp sạch sẽ, chuẩn bị hành lý xong xuôi. "Sao giống hồi đi đẻ nhờ. Nhưng sẽ không có những cơn đau như thế. Và thay vì sẽ gặp con là sẽ xa con!", tôi chợt nghĩ. Một loạt tin nhắn của người thân, bạn bè... gửi tới hỏi thăm, nhắn nhủ nếu cần gì hỗ trợ, cứ gọi họ khiến tôi rất cảm động.
23h23 xe tới, tôi lếch thếch kéo vali ra khỏi phòng, thấy túi đồ chồng chuẩn bị cho nào sữa, trái cây, cháo ăn liền... Bọn trẻ tưởng mẹ đi tiếng trước, đeo khẩu trang ra chào nhưng lâu quá nên ngủ rồi. Nước mắt lại ứa ra. Xuống sảnh, chiếc xe nháy đèn cấp cứu vừa ập tới, cửa kéo ra, tôi vội trèo lên, chiếc cửa đóng sầm lại. Trên xe, mỗi người ngồi một góc, khẩu trang và khăn kéo kín, đôi mắt mệt mỏi, không ai nhìn ai. Ba người ngồi cách đều nhau trên chiếc ghế dài, bên cạnh là cáng cứu thương, vali, chăn bông, túi đồ lỉnh kỉnh.
Ngày thứ tư (9/12): Sáng tỉnh dậy, tôi thấy mắt cay xè, vơ điện thoại nhìn mới hơn 6h, nhắm mắt tiếp nhưng không ngủ được nữa, nấn ná tới 7h. Lúc này mới rảnh ngồi viết cảm ơn, xin lỗi các anh chị em cùng khu chung cư, xong ngồi đọc comment mọi người mà rưng rưng nước mắt. Thương gì đâu!
Ngày thứ năm (10/12): Tôi xách chậu, mang quần áo vượt qua khoảng sân rộng và một khu nhà là tới chỗ tắm. Khu này ngăn thành cả chục phòng, giống như chỗ tắm tráng, thay đồ ở bãi biển. Bên cạnh là một khoảng trống lớn giăng dây để mọi người có thể phơi đồ. Tắm giặt xong xuôi, tôi cao chí nhặt rác xung quanh rồi bê chậu về. Đi ngang sân, thấy hai chiếc thùng rác, định ra bỏ vào thì tiếng loa gọi giật giọng: "Này chị kia, đi đâu?". Ngẩng lên cả sân không ai ngoài mình: "Em bỏ rác ạ?" - "Đó là khu sạch, các chị không được vào nhá". Hôm sau tôi mới biết, sân chia ra làm 3 luồng chính. F0 chỉ được đi luồng nhỏ ở giữa. Phía trong là nơi cán bộ, nhân viên khu cách ly đi lại, bỏ rác thải, còn khu ngoài là lối để vận chuyển đồ ăn, nước uống... từ cổng vào.
Ngày thứ 6 tới 11 (11/12 - 16/12): Ngày 3 bữa ăn được giao rất đúng giờ (8h20 - 11h30 - 17h30). Đồ ăn của mỗi phòng được để chung trong một túi nilon lớn, đặt ở giữa hành lang tầng 1, rồi mỗi phòng một người đến lấy mang về. Tôi biết ơn người nấu. Đồ ăn đa dạng, đổi món liên tục, sáng nào bún mọc, trứng vịt lộn, xôi chả, bánh mỳ pate, phở bò, bánh tẻ và sữa; trưa - tối thì cơm dẻo với rau, canh và 2 món mặn, hết thịt lợn rang, luộc, tới gà rang, dưa xào bò, chả lá lốt, trứng đúc thịt...
Phòng tôi ban đầu có 5 người, hai ngày sau thêm 4, đủ cả người già (60 tuổi) tới trung niên, thanh niên, nam nữ đồng đều. Chị em thì thay nhau lau quét nhà, cọ toilet, anh em thì bê nước uống, xách đồ ăn... Tôi hay nhận chân đổ rác những hôm bận làm khi mọi người dọn dẹp.
Ai nấy than vắn thở dài mãi không hết ngày nhưng tôi lại thấy thời gian cứ trôi vèo vèo. Ăn xong, ngồi làm việc một lúc đã đến bữa trưa. Chiều cũng thế. Tối đẩy tin Covid, nói chuyện với mẹ, con, em ún, cài bài xong xuôi, xem một tập phim lại tới giờ ngủ. Cứ thế trôi nhanh cho tới khi phòng 9 người thì 6 người lần lượt đi xét nghiệm rồi về, còn tôi trong số "chả ai thèm gọi".
Ngày thứ 12 (17/12): Cuối cùng, tôi cũng được gọi đi test. 17h30 nghe tiếng loa thông báo những người được ra viện, trong đó có tên mình. Tôi cảm giác như hồi lớp một được nhận giấy khen, muốn mang khoe khắp nơi. Tôi gọi về cho chồng con, cho mẹ... Ai được gọi tên sẽ ra khu nhận đồ lúc đến để lấy giấy ra viện. Mấy chị em lúc này mới í ới: "Hay chụp cái ảnh kỷ niệm nhở". Đứng ưỡn ngực, giơ cái giấy ra viện, y như hồi nhận bằng đại học.
19h30, chúng tôi ngấp ngóng lắm rồi. Cả đội bắt đầu sử dụng ứng dụng gọi xe về nhưng đều bị từ chối. Gọi một hồi thì được cấp cho số tổng đài taxi, chắc bên này họ quen đón F0 (-) rồi nên đồng ý tới ngay. Ra tới cổng, tôi và một cô em cùng phòng đặt hai chiếc giấy ra viện xuống nền sân gạch, đợi cán bộ xem rồi chụp lại, xong mới được ra bên ngoài.
Đợi một lúc xe tới, bác tài tươi cười giúp hai chị em cất gọn hành lý rồi mở cửa xe. Ngồi vừa ấm chỗ, bác vui miệng kể: "Các cô biết sao lâu tới không, nãy đi tít ra cái trường cũ, rồi cổng ủy ban, hỏi đường ra đây, người ta bảo: 'Bác đi đón khách F0 à? Có dở hơi mà đi đón F0" - "Thế chỗ khu cách ly các cô là cũng có cả F0 hả" - "Vâng ạ", vừa nói vừa nhìn sang cô em bên cạnh. Chết dở, giữa đồng không mông quạnh này mà bác xế đuổi xuống thì biết làm sao?
May quá, bác chở về tận nhà. Lại may nữa, nơi chờ thang máy không có ai. Kéo vali lên tới tầng, thấy cửa nhà mình mở bung. Bước vào nhà, cu bé từ góc trong xông ra bá cổ, cu lớn từ phía sau túm chặt lưng. "Vẫn cách ly tiếp, vẫn cách ly tiếp, tránh tránh". Mồm nói thế nhưng trong lòng như có đám mây bồng bềnh, nhẹ bẫng. Hạnh phúc quá!
Nguyễn Thùy