world cup 2022

Nhật Bản thua Croatia như thế nào

Cuộc đấu luân lưu chóng vánh khép lại hành trình của Nhật Bản tại World Cup 2022, nhưng trước đó thầy trò Hajime Moriyasu đã có 120 phút đấu trí bền bỉ với Croatia ở vòng 1/8.

Kaoru Mitoma (số 9) đi bóng trong trận Nhật Bản - Croatia ở vòng 1/8 World Cup 2022 trên sân al Janoub.

"Hajime" trong tiếng Nhật Bản có nghĩa là "sự khởi đầu". Nếu bàn về thành tích, khó có thể nói World Cup 2022 là dấu mốc mở ra điều gì đó cho bóng đá Nhật Bản. Bởi, thêm một lần nữa, họ dừng bước ở vòng 1/8, chính xác đã là lần thứ tư trong lịch sử.

Nhưng như chính người thuyền trưởng đội tuyển Nhật Bản, Hajime Moriyasu, đã nói sau trận đấu với Croatia, các học trò của ông đã chứng minh rằng "họ có thể chơi bóng ở sân chơi đẳng cấp thế giới và có thể thắng ở sân chơi đẳng cấp thế giới". Vì vậy, đó là "một kỷ nguyên mới của cả nền bóng đá", ngay cả khi không thể có lần đầu tiên vào đến tứ kết.

Trải qua bốn trận đấu tại Qatar 2022, Nhật Bản thua Costa Rica, nhưng đã thắng những tên tuổi sừng sỏ nhất là Đức và Tây Ban Nha – những thứ từng chỉ là ước mơ được vẽ trong những bộ truyện tranh manga.

Gặp á quân Croatia, họ thậm chí đã dẫn trước, từ pha dứt điểm trúng đích đầu tiên trong một hiệp một. Moriyasu nói rằng nếu là những tập thể Nhật Bản trước đây, có lẽ họ đã sớm bị thủng lưới trước Croatia và cũng không thể cầm cự với tỷ số 1-1 lâu đến vậy.

Cuối cùng, Nhật Bản gục ngã ở loạt sút luân lưu, nơi mà Croatia rõ ràng có thừa kinh nghiệm. Kể từ Euro 2008, đội bóng châu Âu đã có bảy trong tám lần tính từ vòng knock-out trải qua hiệp phụ hoặc loạt sút luân lưu. Còn Nhật Bản cần thêm thời gian để quen với những hoàn cảnh như thế (lần gần nhất là World Cup 2010 trước Paraguay), cũng như có được sự chuẩn bị tốt hơn thay vì để các học trò tự xung phong thứ tự đá luân lưu.

Nhưng dẫu thế nào, niềm tự hào của Nhật Bản không chỉ là một cảm giác!

Trước một Croatia triển khai hệ thống 4-3-3, Nhật Bản lựa chọn cấu trúc 3-4-3 từng giúp họ lật ngược thế cờ trước Đức trong hiệp hai và giành chiến thắng trước Tây Ban Nha ở lượt trận cuối vòng bảng. Takefusa Kubo gặp chấn thương, nên dự bị chiến lược Ritsu Doan được trao cơ hội đá chính.

Lật lại quá khứ, trước Đức và Tây Ban Nha, Nhật Bản đã lựa chọn thời điểm để tăng tốc và tổ chức gây áp lực, cụ thể là đầu hiệp hai. Đơn cử như ở lượt cuối vòng bảng, dù chỉ tổ chức gây áp lực tầm cao (trong cự ly 40 m đổ lên khung thành đối phương) khiến Tây Ban Nha mất bóng sáu lần cả trận, Nhật lại có được hai pha dứt điểm từ những tình huống đó, và một trong số ấy là bàn quân bình tỷ số. Trong cả hai trận này, Nhật Bản lần lượt chỉ kiểm soát bóng 26% và 18%.

Tuy nhiên, đối đầu Croatia, tâm thế, cách nhập cuộc và khả năng duy trì thế trận của Nhật hoàn toàn khác. Họ không hề chịu trận và phản ứng, minh chứng qua tỷ lệ kiểm soát bóng gần 42% trong 120 phút chính thức và hiệp phụ. Trước một đối thủ được xây dựng lối chơi dựa trên bộ ba tiền vệ Marcelo Brozovic – Luka Modric – Mateo Kovacic, con số ấy rất đáng nể.

Dẫu vậy, có một thứ vẫn được bảo lưu nơi cách tổ chức hệ thống phòng ngự của Nhật Bản. Tương tự trước Tây Ban Nha, đội bóng châu Á luôn duy trì khối 5-4-1 khi không bóng, với khuynh hướng phòng ngự tầm trung.

Mấu chốt trong khối 5-4-1 này nằm ở vị trí và vai trò của tiền đạo mũi nhọn Daizen Maeda cùng dàn bốn cầu thủ chơi phía sau (từ trái sang phải là Daichi Kamada – Hidemasa Morita – Wataru Endo – Doan). Nhiệm vụ của Maeda là giữ cự ly chặn hướng chuyền bóng đến tiền vệ thường xuyên chơi thấp nhất của Croatia là Brozovic. Đồng thời, anh chọn vị trí để chia cắt cặp trung vệ của Croatia là Dejan Lovren và Josko Gvardiol, thường là tìm cách gây áp lực lên Gvardiol.

Sau lưng Maeda, tiền vệ trung tâm Morita được cắt cử theo kèm chính Brozovic, tiền vệ trung tâm còn lại là Endo thì theo kèm Kovacic. Tiền đạo cánh trái Kamada giữ vị trí vừa chặn hướng chuyền bóng đến Modric ở khu vực hành lang trong, vừa sẵn sàng dâng lên gây áp lực với trung vệ Lovren. Trong khi tiền đạo cánh phải Doan vừa bịt hành lang trong cánh này, vừa trực chờ tiến đến áp sát hậu vệ cánh trái của Croatia là Borna Barisic.

Sau lưng tiền đạo Maeda (đứng ở vòng tròn giữa sân) là nhóm bốn tiền vệ giữ những nhiệm vụ khắc chế tuyến giữa của Croatia.

Bất cứ khi nào Gvardiol cầm bóng tiến về phía trước, điểm phối hợp tiềm năng của anh chỉ là hậu vệ cánh Barisic. Nhưng nếu bóng ra biên, Barisic sẽ bị Doan áp sát. Tương tự, nếu bóng được luân chuyển sang trung vệ Lovren, Kamada sẽ nhận tín hiệu để gây áp lực. Bấy giờ, tuyến dưới của Croatia phải dùng đến bóng bổng dài.

Khi mắt xích luân chuyển bóng Brozovic thường xuyên bị khóa chặt hoặc khó khăn xoay trở để phối hợp bóng lên phía trên, Modric sẽ phải lùi về chơi gần cặp trung vệ và làm bóng lùi sâu. Thống kê từ FIFA cho thấy, Modric cả trận có 23 tình huống xuyên phá thành công các tuyến của Nhật Bản, cao nhất trận đấu. Xuyên phá các tuyến đối thủ có thể là dùng đường chuyền hoặc tự mình đi bóng, vượt qua tuyến tiền đạo, tiền vệ hoặc hậu vệ của đối phương. Việc Modric lùi sâu, cộng với bộ kỹ năng vừa giỏi ở chuyền bóng lẫn kéo bóng, giúp anh càng có nhiều pha xuyên phá các tuyến đối phương.

Một giải pháp khác của Croatia là đưa Kovacic, một người mạnh ở khả năng kéo bóng, lùi về để đưa quả bóng lên trên phần sân Nhật Bản.

Croatia luôn có cách, bởi hàng tiền vệ của họ quá chất lượng, nhưng trong phần lớn hiệp một, Nhật Bản thực sự khiến bộ ba Modric – Brozovic – Kovacic không có được sự kết nối liền mạch lẫn nhau và với tuyến trên.

Khối đội hình chỉ là một phần, các cá nhân trong sự liên kết tập thể phải luôn năng nổ với các hành động phòng ngự. Điều này, Nhật Bản chưa bao giờ thiếu trong các trận đấu của họ. Trước Croatia, cũng theo thống kê của FIFA, Nhật Bản thực hiện tổng cộng 405 hành động gây áp lực lên đối thủ (so với 308 lần của Croatia). So sánh thêm, Nhật Bản từng thực hiện 487 và 637 hành động gây áp lực lần lượt lên Đức và Tây Ban Nha.

Trong cả ba trận đấu được kể ra, những cá nhân của Nhật Bản luôn đứng đầu ở số hành động gây áp lực. Maeda với 56 lần trước Croatia, Ao Tanaka với 87 lần trước Tây Ban Nha, và Kamada với 72 lần trước Đức.

Nếu khi không bóng là kiềm tỏa bộ ba tiền vệ của Croatia, còn khi có bóng triển khai tấn công, cách của Nhật Bản là đưa quả bóng tránh xa khỏi ba cầu thủ này. Thường thì các học trò của Moriyasu sẽ thực hiện những đường chuyền bổng chéo ra hai biên, nhất là biên phải. Ở đó, Nhật Bản có hai mũi khoan phá cực kỳ lợi hại là Junya Ito và Doan. Trong khi, bên kia chiến tuyến, việc Borna Sosa chấn thương khiến HLV Zlatko Dalic phải sử dụng Barisic. Dễ hiểu khi Barisic đã có một ngày làm việc vất vả ra sao.

Thống kê riêng trong hiệp một cho thấy, Nhật Bản lên bóng tấn công chủ yếu qua cánh phải, chiếm tới 44,9% (so với trung lộ 23,8% và cánh trái 31,3%). Cả trận, chiều hướng này thay đổi không là bao (cánh phải 43%, trung lộ 25% và cánh trái 32%).

Song song với các pha chuyền bóng bổng chéo sân ra biên, các cầu thủ Nhật Bản còn tự tin lên bóng theo trục dọc ở trung lộ bằng những tam giác phối hợp. Điểm đáng chú ý trong những pha triển khai kiểu này là những Kamada, Maeda hay nhất là Doan luôn chủ động di chuyển đứng vào khoảng trống giữa hai tuyến hậu vệ và tiền vệ để nhận bóng, xoay trở và đập nhả. Một lần nữa, thông số từ FIFA cho thấy, Doan là cầu thủ có số lần nhận bóng nhiều nhất ở những khoảng trống này (17 lần) trong trận.

Bằng cách này hay cách khác, khi quả bóng đá có mặt ở phạm vi cuối 1/3 sân đối phương, thứ vũ khí nguy hiểm nhất của Nhật Bản chính là những quả tạt. Trong hiệp một, không một cầu thủ nào trên sân tạt bóng nhiều như Junjo Ito, với bốn lần.

Nhật Bản tạt bóng theo những cách khác nhau ở cả hai cánh, từ bóng cố định cho đến bóng sống, hoặc biến bóng cố định thành bóng sống trước khi tạt. Lời cảnh báo đối với Croatia đã được đưa ra từ những phút đầu.

Tùy thuộc vào tình huống (bóng sống hay cố định), tùy thuộc vào chân thuận của những cầu thủ đánh biên, những quả tạt kiểu vòng từ trong ra ngoài (ouswinger) hoặc vòng từ ngoài vào trong (inswinger) được các tuyển thủ Nhật Bản thay phiên nhau thực hiện liên tục trong hiệp một, mở ra hàng loạt những cơ hội trước khung thành Livakovic.

Đến thời điểm phút 42, Ritsu Doan bên cánh phải với quả tạt vòng từ ngoài vào trong bằng chân trái, buộc cầu thủ Croatia phải phá bóng ra ngoài. Nhật Bản được hưởng phạt góc và thay vì đá phạt thẳng vào vùng 16m50, quả bóng được phối hợp ở ngoại vi. Bóng cuối cùng đến chân Ritsu Doan và một lần nữa, anh vẫn tạt theo kiểu vòng từ ngoài vào trong. Lần này, điểm cắt được tạo ra với Maya Yoshida kiến tạo để Maeda ghi bàn mở tỷ số.

Nếu Nhật Bản đe dọa Croatia bằng những quả tạt, thì đó cũng là vũ khí của chính Croatia. Nhật Bản ghi bàn từ một quả tạt vòng từ ngoài vào trong, thì Croatia ghi bàn từ một quả tạt vòng từ trong ra ngoài, sau đường chuyền của Lovren dành cho Ivan Perisic.

Pha đánh đầu ấy của Perisic gần như là thứ mà sức vóc của những cầu thủ châu Á nói chung hay Nhật Bản nói riêng khó lòng có thể tái hiện. Bàn thắng ấy chắc chắn cũng thuộc nhóm những pha đánh đầu ghi bàn đẹp nhất kỳ World Cup 2022.

Với riêng cá nhân Perisic, tầm ảnh hưởng và vai trò của anh ở những sân chơi quốc tế cấp đội tuyển trong gần một thập kỷ đã qua tiếp tục được in dấu. Đến nay, qua 14 trận ở World Cup, Perisic đã góp công vào 11 bàn thắng cho Croatia (sáu bàn và bốn kiến tạo). Và kể từ khi xuất hiện ở World Cup vào năm 2014, chỉ Lionel Messi (tám bàn và bốn kiến tạo) là góp công vào các bàn thắng nhiều hơn cầu thủ đang khoác áo Tottenham. Pha lập công ấy cũng giúp Perisic có bàn thứ 10 ở những sân chơi lớn (Euro và World Cup) cho Croatia, vượt qua Davor Suker (chín bàn).

Cả 10 bàn nói trên của Perisic đều được ghi ở phạm vi bên trái vùng 16m50. Tấn công vùng cấm từ hành lang trái luôn là đặc trưng di chuyển của Perisic từ xưa đến nay, và các đồng đội của anh rõ ràng đã luôn nắm rõ điều đó.

Trong phần còn lại của trận đấu, Croatia tiếp tục khai thác thế mạnh tạt bóng, ngay cả khi Perisic không còn có mặt trên sân trong hiệp phụ thứ hai. Thực tế, trong suốt 90 phút thi đấu chính thức, Croatia đã thực hiện tới 45 nỗ lực tạt bóng, chỉ có hai trận đấu ở World Cup 2022 hiện tại là chứng kiến số quả tạt nhiều hơn.

Điều đáng chú ý trong các tình huống tạt bóng của Croatia ở hiệp một và phần còn lại của trận đấu là vị trí thực hiện. Trong hiệp một, chỉ bốn lần Croatia tạt bóng ở khu vực (zone) 13 và 15 trên phạm vi sân bóng, tức những vùng không gian mà các quả tạt được gọi là tạt bóng sớm. Hiệp hai và hai hiệp phụ, Croatia tạt bóng ở zone 13 và zone 15 tới khoảng 12 lần.

Zone 13 và zone 15 là hai khu vực được đánh dấu bằng ô vuông sát hai biên như hình ở trên và dưới.

Sự thay đổi này phản ánh rằng thế trận trong hiệp hai khác với hiệp một, khi Nhật Bản chọn cách duy trì khối đội hình thấp hơn, từ đó mà Croatia khó có thể đưa bóng sâu xuống đáy biên. Nhưng nói đi cũng phải nói lại, Croatia trong hiệp hai cũng đã nắm quyền kiểm soát tốt hơn, ghì đội hình Nhật Bản xuống.

Nguyên nhân không chỉ nằm ở sự liên kết tốt hơn của bộ ba tiền vệ Modric – Brozovic – Kovacic (vốn được phản ánh trong cự ly di chuyển và phối hợp của những cầu thủ này ở tình huống ghi bàn quân bình tỷ số), mà còn nằm ở sự suy giảm cường độ gây áp lực của Nhật Bản. Bằng chứng là hiệp một, Nhật Bản thực hiện thành công cả tám pha tắc bóng để thu hồi bóng; nhưng ở hiệp hai, các học trò của Moriyasu chỉ thực hiện thành công đúng một lần.

Thế trận giằng co với phần nào là thế chống đỡ, đàn hồi của Nhật Bản được duy trì sau bàn gỡ hòa của Perisic cho đến hết hai hiệp phụ. Những gì sau đó, tất cả cũng đã tỏ tường.

Khi Hajime Moriyasu cúi đầu trước những CĐV Nhật Bản có mặt tại sân Al Janoub, ông gửi lời xin lỗi đến toàn thể người hâm mộ đội tuyển sau thất bại trước Croatia trên loạt sút luân lưu. Nhưng đó sẽ chỉ là hành động đậm đặc văn hóa giữa chính những người Nhật Bản với nhau, còn trước thế giới, họ có quyền kiêu hãnh ngẩng cao đầu chào tạm biệt Qatar.

HLV Hajime cúi đầu trước CĐV Nhật Bản, sau khi thua Croatia ở vòng 1/8 World Cup 2022. Ảnh: AFP

Hoàng Thông