Trời mưa to khiến công tác tổ chức xuất phát đồng hàng cá nhân nữ gặp nhiều khó khăn. Cự ly được rút từ tám vòng xuống còn sáu vòng, mỗi vòng 14,75 km. Bên cạnh trao giải cá nhân, nội dung này còn tính giải đồng đội.
Việt Nam có bốn tay đua gồm Bùi Thị Quỳnh (Bình Dương), Nguyễn Thị Kim Cương (Cần Thơ), Nguyễn Thị Thật và Nguyễn Thị Thu Mai (An Giang) tranh tài với các đội Thái Lan, Malaysia, Singapore, Indonesia, Philippines và Lào. Nguyễn Thị Thật đoạt HC vàng nội dung này ở hai kỳ SEA Games liên tiếp gần nhất, nên được đánh giá rất cao, nhưng phải cạnh tranh với Vua nước rút Jutatip của Thái Lan.
Trong bốn vòng đua đầu tiên, các tay đua chủ yếu đeo bám nhau và không có cuộc tấn công nào. Tuy nhiên, sau đó, Nguyễn Thị Thật chủ động tấn công tách tốp kéo theo Nur Aisyah (Malaysia) và Delia Ayustina (Indonesia). Khi đối thủ Jutatip không có mặt ở nhóm đầu, tay đua Việt Nam tạo tốc độ lớn để gia tăng khoảng cách, còn đồng đội phía sau chủ động giảm tốc, kìm hãm các tay đua phía sau. Khoảng cách ngày càng lớn khi ba tay đua dẫn đầu hơn nhóm sau 1 phút 30 giây.
Nhận thấy thời cơ thuận lợi, Nguyễn Thị Thật nhiều lúc còn chia sẻ nước với hai tay đua đi đầu. Cách đích 500 mét, nhà ĐKVĐ mới nhấn bàn đạp, tung nước rút sở trường để về nhất, giành HC vàng cá nhân, đây cũng là chiếc HC vàng SEA Games thứ tư liên tiếp của cô. Tay đua Nur Aisyah (Malaysia) về nhì đoạt HC bạc và Delia Ayustina (Indonesia) giành HC đồng. Thời gian của cuộc đua là 2 giờ 13 phút 15 giây, tốc độ trung bình 39,85km/h.
1 phút 13 giây sau khi Nguyễn Thị Thật về đích, nhóm hai mới kéo nhau về, và với nỗ lực tuyệt vời, hai tuyển thủ Việt Nam - Nguyễn Thị Thu Mai và Bùi Thị Quỳnh - cũng xuất sắc về thứ tư, năm, để góp vào thành tích của Nguyễn Thị Thật, qua đó giúp Việt Nam giành HC vàng đồng đội nữ.
Với hai HC vàng, xe đạp Việt Nam vượt chỉ tiêu khi đã có bốn HC vàng SEA Games 31. Trước đó, Quàng Văn Cường thắng nội dung đua vòng tròn cá nhân nam, còn Định Thị Như Quỳnh giành HC vàng băng đồng nữ.
Đức Đồng