Bệnh Glaucoma (hay dân gian vẫn gọi bệnh cườm nước) là một nhóm các bệnh về mắt được đặc trưng bởi tổn thương dây thần kinh thị giác, có thể dẫn đến mất thị lực không thể phục hồi.
ThS.BS Phạm Vũ Huy Tùng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, cho biết, tổn thương dây thần kinh thị giác có thể xảy ra khi áp lực trong mắt tăng lên. Thông thường, sự mất thị lực xảy ra rất chậm và có thể không được chú ý trong một thời gian dài.
Những người có nguy cơ nên khám mắt tổng quát, bao gồm đo nhãn áp và kiểm tra thị lực, thị trường. Người mắc Glaucoma cần được điều trị, theo dõi suốt đời bằng thuốc nhỏ mắt, có thể phải phẫu thuật.
Theo bác sĩ Tùng, những đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cườm nước, gồm: người trên 40 tuổi, có thành viên trong gia đình mắc bệnh; cận thị hoặc viễn thị; người mắc bệnh tiểu đường; người bị huyết áp cao; người sử dụng corticosteroid lâu dài; chấn thương mắt trước đây hoặc phẫu thuật.
Nguyên nhân gây bệnh
Bác sĩ Tùng giải thích, bệnh Glaucoma xảy ra khi sự mất cân bằng trong sản xuất và thoát dịch trong mắt (thủy dịch) làm tăng nhãn áp đến mức không tốt cho mắt. Bình thường, chất lỏng nuôi dưỡng mắt, được sản xuất bởi thể mi phía sau mống mắt (trong hậu phòng) và đi qua đồng tử đến phía trước của mắt (tiền phòng), nơi nó thoát ra các ống dẫn lưu giữa mống mắt và giác mạc (góc tiền phòng). Sự cân bằng giữa sản xuất và thoát thủy dịch giữ cho thủy dịch chảy tự do và ngăn chặn áp lực trong mắt tăng cao.
Với bệnh Glaucoma, các kênh thoát nước bị tắc nghẽn hoặc bít tắc. Thủy dịch không thể thoát khỏi mắt mặc dù thủy dịch mới đang được sản xuất trong hậu phòng, gây áp lực trong mắt tăng lên. Khi áp lực trở nên cao hơn mức mà dây thần kinh thị giác có thể chịu đựng, dây thần kinh thị giác sẽ bị tổn thương. Tổn thương này được gọi là bệnh Glaucoma.
Đôi khi nhãn áp tăng trong phạm vi bình thường nhưng vẫn quá cao đối với thần kinh thị giác có thể chịu đựng được (được gọi là bệnh Glaucoma nhãn áp thấp hay Glaucoma nhãn áp bình thường).
Ở hầu hết trường hợp, nguyên nhân của bệnh Glaucoma không tìm được, gọi là Glaucoma nguyên phát. Khi tìm ra nguyên nhân của bệnh, gọi là bệnh Glaucoma thứ phát. Nguyên nhân của bệnh Glaucoma thứ phát bao gồm nhiễm trùng, viêm, khối u, đục thủy tinh thể lớn, phẫu thuật đục thủy tinh thể, thuốc hoặc các bệnh lý khác. Những nguyên nhân này khiến thủy dịch không thể thoát ra, dẫn đến tăng nhãn áp và tổn thương dây thần kinh thị giác.
Triệu chứng bệnh Glaucoma
Bác sĩ Tùng cho biết, bệnh Glaucoma được chia thành hai loại: Glaucoma góc mở và Glaucoma góc đóng.
Bệnh Glaucoma góc mở không gây đau. Cả hai mắt thường bị ảnh hưởng nhưng không như nhau. Triệu chứng chính là sự phát triển của các điểm mù hoặc các mảng mất thị lực, trong nhiều tháng đến nhiều năm. Các điểm mù từ từ phát triển lớn hơn và hợp nhất với nhau. Thị lực ngoại vi thường bị mất trước.
Bệnh nhân có thể bị trượt cầu thang, nhận thấy các phần của từ bị thiếu khi đọc hoặc gặp khó khăn khi lái xe. Suy giảm thị lực xảy ra dần dần nên thường không được chú ý cho đến khi giảm nhiều. Bởi vì tầm nhìn trung tâm thường bị mất cuối cùng nên có hiện tượng "tầm nhìn đường hầm", tức là người bệnh nhìn thẳng về phía trước một cách hoàn hảo nhưng lại bị mù ở tất cả các hướng khác. Nếu không được điều trị, thị lực đường hầm sẽ bị mất và trở nên mù hoàn toàn.
Trong Glaucoma góc đóng cấp, nhãn áp tăng nhanh và người bệnh thường nhận thấy đau mắt, nhức đầu dữ dội, đỏ, mờ mắt, quầng sáng bảy sắc cầu vồng xung quanh đèn và mất thị lực đột ngột. Họ cũng có thể bị buồn nôn và nôn do phản ứng của việc tăng nhãn áp.
"Bệnh tăng nhãn áp góc đóng cấp tính được coi là một cấp cứu vì người bệnh có thể mất thị lực nhanh chóng 2-3 giờ sau khi xuất hiện các triệu chứng nếu tình trạng này không được điều trị", bác sĩ Tùng lưu ý.
Trong Glaucoma góc đóng mạn tính, nhãn áp tăng chậm và các triệu chứng thường bắt đầu như trong bệnh tăng nhãn áp góc mở. Một số người có thể bị đỏ mắt, khó chịu, mờ mắt hoặc đau đầu khi ngủ. Theo bác sĩ Tùng, những người từng bị Glaucoma góc mở hoặc Glaucoma góc đóng ở một mắt có khả năng phát triển bệnh này ở mắt còn lại.
"Mất thị lực vì Glaucoma là vĩnh viễn. Nhưng nếu Glaucoma được phát hiện, điều trị thích hợp có thể ngăn ngừa mất thị lực thêm. Điều trị Glaucoma là suốt đời. Sử dụng thuốc (thường ở dạng thuốc nhỏ mắt) và phẫu thuật là những phương pháp điều trị chính cho bệnh này. Loại và mức độ nghiêm trọng của bệnh xác định phương pháp điều trị thích hợp", bác sĩ Tùng cho biết.
Châu Vũ