Covid-19 song hành cùng cúm mùa, bệnh đường hô hấp
Bác sĩ nội trú Đàm Thị Thanh Tâm (Khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội) chia sẻ, SARS-CoV-2 có thể tồn tại ở môi trường bên ngoài cơ thể người trong nhiều ngày, có thể phát triển thuận lợi ở nhiệt độ 4-20 độ C. Khi nhiệt độ môi trường càng thấp, Sars-CoV-2 dễ lây lan nhanh và nguy hiểm hơn, đặc biệt là biến thể Delta. Hiện tại, số ca mắc mới Covid-19 trong cộng đồng vẫn còn ghi nhận ở rất nhiều tỉnh thành của nước ta, nhất là ở khu vực miền Tây Nam Bộ. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), sự xuất hiện làn sóng Covid-19 ở các nước châu Âu gần đây dù nguồn vaccine dồi dào, tỷ lệ tiêm chủng khá cao là "phát súng cảnh báo thế giới".
Bác sĩ Thanh Tâm chia sẻ thêm, song hành cùng Covid-19 trong mùa đông còn có cúm mùa, các bệnh đường hô hấp khác... có thể làm cho tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp hơn, nguy cơ "dịch chồng dịch". Vào dịp này năm trước, nhiều tỉnh thành ghi nhận số ca mắc cúm A, B; virus hợp bào hô hấp (RSV)... tăng cao.
Khi "bình thường mới" trở lại, mọi người tiếp xúc nhiều hơn và thường xuyên có thể làm gia tăng nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác bên cạnh SARS CoV-2. Số ca mắc bệnh đường hô hấp do virus cúm A, cúm B, virus hợp bào hô hấp, Rhinovirus... tại bệnh viện đã nhiều hơn so với khi giãn cách.
Theo bác sĩ Tâm Anh, Rhinovirus có thể là căn nguyên của 30-50%, Sars-CoV-2 gây 10-15%, virus hợp bào đường hô hấp có thể gây 5-10% các trường hợp cảm cúm thông thường. Ngoài virus gây bệnh, các bệnh viêm phổi nhập viện khi thời tiết lạnh do vi khuẩn phế cầu - Streptococcus pneumonia, Haemophilus influenzae, Legionella pneumophila, Klebsiella pneumoniae... cũng được ghi nhận và gia tăng.
Khi mắc bệnh đường hô hấp, cơ quan này sẽ bị tổn thương, làm tăng nguy cơ nhiễm các virus và vi khuẩn gây bệnh. Có những trường hợp, bệnh nhân trong thời gian điều trị Covid-19 trong bệnh viện bị nhiễm khuẩn bệnh viện, nhiễm khuẩn huyết thậm chí sốc nhiễm khuẩn khiến thời gian phục hồi lâu hơn. Chưa kể đến những dấu hiệu mắc Covid-19 với các bệnh đường hô hấp khác rất khó phân biệt trên lâm sàng, bệnh nhân dễ nhầm lẫn nên nhập viện trễ, khiến khó khăn trong điều trị.
Bên cạnh đó, số lượng mắc sốt xuất huyết Dengue ở trẻ em, người lớn đã tăng cao, xuất hiện nhiều ca nặng, ghi nhận bắt đầu từ cuối tháng 8 cho đến nay. Bước vào mùa đông xuân, thời tiết lạnh, độ ẩm cao cũng là yếu tố thuận lợi của các bệnh truyền nhiễm lây truyền chủ yếu qua đường hô hấp như sởi, thủy đậu, ho gà... Nếu đồng nhiễm cùng lúc nhiều loại virus, vi khuẩn gây bệnh sẽ tạo gánh nặng trong điều trị, nguy cơ tử vong, nhất là với trẻ nhỏ, người cao tuổi, người có bệnh lý nền. Ngoài ra, việc sử dụng và lạm dụng kháng sinh như hiện nay cũng làm gia tăng tỉ lệ kháng kháng sinh của các vi khuẩn thông thường, gây khó khăn trong điều trị bệnh nhiễm khuẩn.
"Sau khi giãn cách xã hội, những thay đổi trong hành vi của người dân như lơ là phòng dịch, tụ tập đông người, đi lại nhiều nơi hay nghĩ tiêm đủ hai mũi vaccine Covid-19 là đã an toàn... cũng rất đáng ngại. Bài học của các nước ở châu Âu cho thấy số ca nhiễm gia tăng thời gian gần đây do tụ tập, đi lại và nới lỏng hạn chế vào mùa hè", bác sĩ Thanh Tâm nói.
Cách ứng phó với dịch bệnh trong mùa đông
Theo bác sĩ Thanh Tâm, nguy cơ người lớn, trẻ nhỏ đồng nhiễm nhiều loại virus, vi khuẩn... là rất cao nếu hệ thống miễn dịch của cơ thể kém, không được tiêm vaccine phòng bệnh, không tuân thủ nguyên tắc 5K. Đeo khẩu trang, khử khuẩn, khoảng cách, không tập trung, khai báo y tế không chỉ làm giảm khả năng mắc Covid-19 mà còn các bệnh truyền nhiễm khác. Bởi phương thức lây truyền của nhiều virus, vi khuẩn... thường thông qua các dịch tiết, giọt bắn, lây từ người bệnh sang người lành.
Bên cạnh thực hiện 5K, người dân nên sớm tiêm vaccine phòng Covid-19. Trong mùa đông này, nước ta cũng triển khai tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ em (từ 12 đến 17 tuổi). Sở Y tế TP HCM đã lên danh sách, đề xuất Bộ Y tế tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ 3-12 tuổi. Điều này giúp cho trẻ em sớm được bảo vệ trước dịch bệnh. Khi số lượng người tiêm chủng càng nhiều sẽ nhanh tạo miễn dịch cộng đồng để bảo vệ cho những đối tượng chưa thể hoặc không thể tiêm vaccine.
Không chỉ tiêm vaccine Covid-19 mà còn các loại vaccine khác phòng cúm mùa, sởi, quai bị, thủy đậu... cũng nên ưu tiên vào thời điểm này. Thời điểm tiêm phòng cúm mùa phù hợp là trước khi dịch vào cao điểm khoảng một tháng. Một số nghiên cứu cho thấy việc tiêm vaccine cúm mùa có thể giảm tỷ lệ nhập viện, biến chứng nghiêm trọng do Covid-19.
Bác sĩ Thanh Tâm chia sẻ thêm, thông thường, phụ huynh rất quan tâm đến việc tiêm chủng các vaccine như sởi, quai bị, thủy đậu... cho con, song chính bản thân lại thường lơ là bỏ qua các loại vaccine này vì nghĩ không cần thiết. Việc tạo kháng thể chủ động qua tiêm chủng giúp tăng cường hệ thống miễn dịch - "lá chắn" cho cơ thể trước nhiều mầm bệnh ngoài môi trường, có thể giảm nguy cơ mắc bệnh và giảm biến chứng nặng của bệnh.
Ngọc An