Toàn thế giới hiện ghi nhận gần 200.000 người nhiễm nCoV, trong đó gần 8.000 người đã tử vong. Dù số liệu không cho biết có bao nhiêu người trong số đó sống ở các khu ổ chuột, mật độ dân cư cao và điều kiện sống tồi tàn ở những nơi này khiến nguy cơ nhiễm bệnh của họ cao hơn, Cecilia Tacoli, một nhà nghiên cứu thuộc Viện Môi trường và Phát triển Quốc tế ở London, Anh, cho hay.
"Tiếp xúc gần là một yếu tố quan trọng dẫn tới lây nhiễm, trong khi các khu dân cư thu nhập thấp tại nhiều thành phố nam bán cầu rất đông đúc", bà nói. "Khi Covid-19 nhiều khả năng tiếp tục lan nhanh tại các thành phố, những khu dân cư nghèo cần có hạ tầng đảm bảo hơn".
Thế giới có khoảng 1,8 tỷ người đang sống vô gia cư hoặc trong những căn hộ tạm bợ, theo số liệu của Liên Hợp Quốc. Trong khi rửa tay là biện pháp phòng ngừa cơ bản với nCoV, khoảng 40% dân số thế giới không có nước sạch và xà phòng tại nhà, UNICEF cho biết.
Việc cách ly tại những khu ổ chuột cũng gặp khó khăn vì không gian chật hẹp và mọi người thường ở chung phòng, bà Annie Wilkinson, nhà nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu Phát triển ở London, cho hay.
"Tình trạng tạm bợ hoặc phi pháp của các khu ổ chuột thường gây khó khăn cho cả việc thu thập dữ liệu lẫn thực thi chính sách cải thiện sức khỏe", bà nói. "Nguy cơ thật sự tác động lên người nghèo ở đô thị cao hơn đáng kể so với những nơi khác".
Tại Hong Kong, nơi hàng nghìn người từng đến Trung Quốc đại lục hoặc có khả năng tiếp xúc với bệnh nhân Covid-19 đã tự cách ly trong nhà, nguy cơ đặc biệt cao với những người sống trong các căn hộ chia nhỏ, thường được gọi là "nhà quan tài".
Những căn hộ diện tích chỉ vài mét vuông này thường có hệ thống thông gió và thoát nước tồi tàn, cư dân dễ nhiễm bệnh vì dùng chung bếp và toilet, Choyu Cheung, thành viên của tổ chức phi lợi nhuận Hiệp hội vì Tổ chức Cộng đồng, cho biết.
"Đại dịch này phản ánh tình trạng nhà ở đáng báo động tại Hong Kong", Cheung nói.
Khi chính quyền Hong Kong tuyên bố những biện pháp nhằm ngăn chặn Covid-19, một số khu nhà ở công cộng đã được chuyển thành trại cách ly, khiến nguồn cung nhà ở vốn đã ít ỏi nay lại càng hạn hẹp.
Tại Nam Á, giới chức ghi nhận số ca nhiễm nCoV ngày càng cao. Ấn Độ có ít nhất 4 triệu người vô gia cư tại các khu vực đô thị và hơn 70 triệu người sống trong các khu ổ chuột, theo tổ chức Mạng lưới Quyền Nhà ở và Đất đai (HLRN). Nước này đã ghi nhận hơn 140 ca nhiễm nCoV, trong đó 3 người tử vong.
Chính phủ Ấn Độ đang lên kế hoạch cải tạo các khu ổ chuột, nhưng Shivani Chaudhry, giám đốc điều hành HLRN, cho rằng việc phá dỡ nhà cửa trong tình cảnh hiện nay sẽ đẩy nhiều người vào tình trạng vô gia cư, làm tăng nguy cơ lây lan nCoV.
Tại New Delhi, giới chức thành phố đang khử trùng các trại vô gia cư và cung cấp lều tạm trú cho những người không nhà cửa cho đến cuối tháng.
"Chính phủ đang theo dõi sát sao nhu cầu của người vô gia cư. Sẽ không có hoạt động phá dỡ nào ở thời điểm này", Bipin Rai, thành viên của Ban Cải tiến Khu ổ chuột Đô thị Delhi, nói.
Anh Ngọc (Theo Reuters)