Khi chỉ còn chưa đầy hai tuần nữa là đến cuộc bầu cử quốc hội giữa kỳ, khoảng 20 nhân viên Twitter đã tình nguyện hỗ trợ "Đội đặc nhiệm Bầu cử" của mạng xã hội này thực thi những chính sách và quy định do công ty đặt ra ở vào thời điểm đặc biệt nhạy cảm đối với nền chính trị Mỹ.
Trong các buổi đào tạo cấp tốc tuần qua, các tình nguyện viên được học những kiến thức cơ bản về cách phát hiện thông tin sai lệch liên quan đến bầu cử, phát hiện các chương trình tự động (bot) tuyên truyền về bầu cử hay những bài đăng có dấu hiệu vi phạm chính sách của Twitter.
Kể từ năm 2018, việc xây dựng đội ngũ tình nguyện viên như vậy là cách để Twitter huy động sức mạnh cộng đồng góp sức cho các cuộc bầu cử lớn, vì những người kiểm duyệt nội dung của công ty luôn trong tình trạng quá tải suốt một tuần trước và sau ngày bỏ phiếu, khi làn sóng tuyên truyền thông tin giả, các chiến dịch can thiệp từ nước ngoài mọc lên như "nấm sau mưa".
Nhưng trước thềm cuộc bầu cử giữa kỳ năm nay, Twitter đang đối mặt trở ngại lớn hơn bao giờ hết, làm tăng nguy cơ nền tảng này có thể bị lợi dụng để phát tán thông tin sai lệch nhằm đánh lừa cử tri hay gây tranh cãi về kết quả bầu cử.
Twitter đã trải qua một năm đầy hỗn loạn trong bộ máy quản lý khi hàng trăm nhân viên rời công ty và việc thay đổi giám đốc điều hành khiến họ mất phương hướng. Một nguồn tin nội bộ cảnh báo Twitter có thể không duy trì đủ nguồn lực để thực thi các chính sách an ninh, an toàn thông tin của riêng mình trên phạm vi toàn cầu trong mùa bầu cử giữa kỳ năm nay.
Cơn khủng hoảng càng trở nên trầm trọng khi tỷ phú công nghệ Elon Musk được cho là đã hoàn thành các bước cuối cùng trong việc tiếp quản Twitter sau thương vụ mua lại trị giá 44 tỷ USD, đồng thời sa thải hàng loạt nhân sự cao cấp.
Ông Musk từng không ít lần ngụ ý rằng sẽ hủy chính sách kiểm duyệt nội dung của Twitter, khôi phục một số tài khoản bị cáo buộc là thường xuyên tuyên truyền thông tin sai về bầu cử, đồng thời sa thải 75% nhân viên hiện tại.
Kể từ khi công bố kế hoạch mua lại Twitter, Musk liên tục chỉ trích công ty vì kiểm duyệt quá mức đối với các bài đăng trực tuyến. Musk cũng từng gợi ý rằng ông sẽ cân nhắc dỡ bỏ lệnh cấm đối với cựu tổng thống Donald Trump, người mà mọi dòng tweet ông đăng đều có khả năng làm đảo lộn chính trường Mỹ.
Không lâu sau cuộc bạo loạn ở Đồi Capitol ngày 6/1/2021, Twitter khóa vĩnh viễn tài khoản có 88 triệu người theo dõi của ông Trump, người lúc đó vẫn là tổng thống Mỹ, do nhiều lần vi phạm các quy tắc của công ty và có nguy cơ "tiếp tục kích động bạo lực". Ông Trump cáo buộc Twitter âm mưu thông đồng với phe "cấp tiến cánh tả", đồng thời nỗ lực xây dựng mạng xã hội Truth để thay thế Twitter, nhưng đến nay chưa thành công.
Vài ngày sau lệnh cấm của Twitter, các mạng xã hội khác như Facebook, Instagram, YouTube, Snapchat và Twitch cũng tiếp bước, khóa tài khoản của ông Trump. Đây được coi là loạt hành động quyết liệt chưa từng có tiền lệ với một lãnh đạo đương nhiệm của Mỹ.
Clare Duffy, bình luận viên của CNN, cho rằng nếu được Musk dỡ lệnh cấm, ông Trump sẽ có cơ hội được trao một "chiếc loa phóng thanh" để lan truyền các thông điệp của mình ngay trước khi người Mỹ đi bỏ phiếu bầu các nghị sĩ ngày 8/11. Cuộc bầu cử giữa kỳ này có thể định đoạt đảng Dân chủ hay Cộng hòa sẽ kiểm soát lưỡng viện quốc hội Mỹ, có thể thay đổi đáng kể định hướng chính sách của Washington trong tương lai.
Quyết định của Twitter cũng có thể thúc đẩy các mạng xã hội đối thủ dỡ lệnh cấm với ông Trump nhằm lôi kéo người dùng, khiến những tranh cãi và chia rẽ chính trị ở Mỹ càng thêm sâu sắc.
Dù bầu cử giữa kỳ chưa bắt đầu, hơn 100 đơn kiện đã được nộp lên các tòa án ở khắp các bang Mỹ. Những đơn kiện này chủ yếu cho phe Cộng hòa đệ trình, nhắm vào hệ thống bầu cử qua thư, bầu cử sớm, máy bỏ phiếu hay cách đăng ký cử tri. Họ cũng đưa ra nhiều khiếu nại về cách kiểm đếm phiếu bầu và giám sát bầu cử.
Bình luận viên Colleen Long của AP cho rằng đây là làn sóng kiện tụng chưa từng thấy trước thềm một cuộc bầu cử và có thể là tiền đề cho những tranh chấp pháp lý gây sóng gió cho sự kiện này. Chiến thuật kiện tụng của phe Cộng hòa bắt nguồn từ nỗ lực lật ngược kết quả bầu cử tổng thống của ông Trump năm 2020, được coi là một phần nguyên nhân gây ra bạo loạn Đồi Capitol.
Colleen Long cho hay nỗ lực kiện tụng của ông Trump hai năm trước được tiến hành vội vàng, với những luật sư thiếu kinh nghiệm như Rudy Giuliani, nhưng đảng Cộng hòa trong bầu cử giữa kỳ năm nay đã chuẩn bị rất công phu.
Ủy ban Quốc gia đảng Cộng hòa tuyên bố đã sẵn sàng cho các cuộc kiểm lại phiếu bầu, khiếu nại kết quả bầu cử và các tranh chấp khác. Hàng nghìn tình nguyện viên đảng Cộng hòa cũng sẵn sàng tham gia vào nỗ lực khiếu nại phiếu bầu và "truy tìm bằng chứng gian lận".
Giới quan sát cảnh báo rằng quyết định dỡ lệnh cấm với Trump của tỷ phú Musk nhiều khả năng sẽ khuấy động thêm làn sóng đó, khi thông điệp của ông Trump được truyền trực tiếp đến hàng triệu người ủng hộ.
Ông Musk và cựu tổng thống Trump chưa bình luận về các thông tin này.
Các cuộc bầu cử giữa kỳ luôn đặc biệt khó khăn đối với những nền tảng mạng xã hội như Twitter, một phần vì hàng trăm ứng viên đảng Cộng hòa đã chấp nhận tuyên bố của ông Trump rằng cuộc bầu cử năm 2020 đã "bị đánh cắp". Những ứng viên này và hàng triệu người ủng hộ họ đã tận dụng mạng xã hội để lan truyền vô số thuyết âm mưu về gian lận bầu cử.
Theo giới chuyên gia, các thông tin sai lệch như vậy trên mạng xã hội có thể làm xói mòn niềm tin của công chúng Mỹ vào quy trình bầu cử. Các công ty mạng xã hội phải đưa ra những quyết định khó khăn về việc nội dung nào sẽ được giữ lại hay xóa bỏ trong một mùa tranh cử mà ở đó, cơ hội giành quyền kiểm soát cả Hạ viện lẫn Thượng viện đều cân bằng cho cả đôi bên.
Sau những hỗn loạn trong nhiệm kỳ tổng thống Trump hay tranh cãi về phong trào #MeToo và Black Lives Matter, Twitter đã đóng vai trò quan trọng trong nền chính trị toàn cầu, dù công ty có quy mô tương đối nhỏ so với các đối thủ như Meta với Facebook hay Alphabet với Google.
Giống như các đối thủ, Twitter bắt đầu đầu tư nhiều hơn vào quy trình kiểm duyệt nội dung sau những tiết lộ vào năm 2017 về các chiến dịch gây ảnh hưởng được cho là của Nga trên mạng xã hội nhằm thổi bùng xung đột xã hội ở Mỹ trước cuộc bầu cử tổng thống năm 2016.
Người phát ngôn Twitter Katie Rosborough xác nhận họ đã kêu gọi tình nguyện viên hỗ trợ công ty đối phó thông tin sai lệch trước cuộc bầu cử giữa kỳ, thêm rằng họ cũng đã làm điều tương tự trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020.
"Mọi người sử dụng Twitter để tìm thông tin theo thời gian thực, đáng tin cậy về các cuộc bầu cử và việc đầu tư công sức vào công việc này cho thấy chúng tôi nghiêm túc như thế nào đối với trọng trách đó", Rosborough nói.
Rosborough cho hay "Đội đặc nhiệm Bầu cử" gồm các lãnh đạo từ nhiều bộ phận khác nhau tại công ty. Họ đã thường xuyên nhóm họp trong hơn một năm qua để chuẩn bị cho cuộc bầu cử quốc hội Mỹ giữa kỳ.
Dù vậy, nhiều nhân viên Twitter tham gia vào việc chuẩn bị cho cuộc bầu cử giữa kỳ vẫn bày tỏ lo lắng rằng chủ nhân mới, Elon Musk, có thể sớm hủy bỏ một số công việc họ đang làm.
"Tôi nghĩ ông ấy sẽ xé bỏ những chính sách liên quan đến tính liêm chính dân sự và ngừng thực thi chúng ngay lập tức", một nhân viên Twitter nói. "Hãy tưởng tượng chúng ta sẽ nhìn thấy rất nhiều video đe dọa người đi bỏ phiếu, hay những thông tin sai lệch xuất hiện tràn lan mà không thể làm gì để ngăn chặn".
Vũ Hoàng (Theo Washington Post)