Google vừa công bố số liệu tìm kiếm tại Việt Nam trong tháng 3. Theo đó, Việt Nam đang hình thành nhóm người được gọi là "du khách phục thù". Đây là những người muốn đi du lịch trở lại sau dịch, sẵn sàng trả tiền cho các lựa chọn cao cấp, háo hức xê dịch để bù đắp cho khoảng thời gian giãn cách vì Covid-19.
Lượt tìm kiếm "khách sạn sang trọng tốt nhất" tăng 71% tại Việt Nam. Theo bà Hermione Joye, Giám đốc phụ trách mảng Du lịch và Tìm kiếm theo chuyên đề của Google châu Á - Thái Bình Dương, đây là xu hướng không chỉ riêng ở Việt Nam mà còn ở các nước Đông Nam Á khác. "Con số của Malaysia là 120% và Singapore là 1.962% - thật đáng kinh ngạc", bà cho biết.
Người Việt đang dần thoải mái hơn với việc du lịch nước ngoài. Vào tháng một, ý định ra nước ngoài của người Việt chỉ bằng 25% so với cùng kỳ 2019. Nhưng con số này đã tăng lên 50% vào tháng 3, khi du lịch mở cửa. Theo thống kê, người Việt thích tới các thành phố lớn như Bangkok, Dubai, Paris, Osaka, New Delhi. Trong đó, lượt tìm kiếm Singapore dẫn đầu.
Nhu cầu đi lại trong nước vẫn ở mức cao, trong đó, khách có xu hướng thuê xe ôtô và dịch vụ xe bus trung chuyển tăng đều đặn. Điều này cho thấy người Việt Nam có nhu cầu di chuyển đến nhiều địa điểm khác nhau và vẫn có ý thức phòng dịch. Về điểm đến nội địa, xu hướng nghỉ dưỡng được ưa chuộng, với các bãi biển và đảo được tìm nhiều như Phú Quốc, Nha Trang, Phú Quý, Quy Nhơn, Vũng Tàu, Đà Nẵng... Đà Lạt cũng nằm trong nhóm được tìm kiếm phổ biến.
Nhu cầu đến Việt Nam của khách quốc tế đã cải thiện đáng kể trong quý một. Hết tháng 3, các du khách Mỹ, Australia, Pháp, Singapore, Nhật Bản mong muốn du lịch Việt Nam cao. Theo đó, TP HCM và Hà Nội là những điểm đến hàng đầu. Mỹ Tho và Bắc Ninh là hai tỉnh có sự tăng trưởng đáng kể về kết quả tìm kiếm, với con số 75%. Tuy nhiên, vì du khách đến từ Trung Quốc thường đóng góp một phần đáng kể vào du lịch Việt Nam, nên việc phục hồi hoàn toàn vẫn là một thách thức, bà Hermione Joye kết luận.
Trung Nghĩa (Theo Google)