Sau một tháng mở cửa du lịch, khách Trung Quốc vẫn chưa thể đến Việt Nam vì chiến lược Zero-Covid. Sự thiếu hụt khách từ thị trường lớn nhất này là nỗi lo đè nặng chủ doanh nghiệp du lịch ở Hạ Long, Quảng Ninh hay Nha Trang, Khánh Hòa...
Doanh nghiệp lo phá sản
Những ngày này, vịnh Hạ Long chưa thể trở lại với sự nhộn nhịp vì thiếu khách Trung Quốc. Theo thống kê của Chi hội Tàu du lịch Hạ Long, hiện có khoảng 70% trên tổng số 500 tàu vẫn "án binh bất động".
"Vắng khách Trung Quốc, chúng tôi mất tới 60-70% nguồn thu, lo rằng không thể cầm cự được thêm", ông Ngô Vân Nam, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Quảng Nam, chia sẻ. Ông kinh doanh 10 tàu tham quan Hạ Long, song tới nay chỉ mở lại 4.
Ông Nam cho biết trước Covid-19, khách Trung Quốc chiếm 60% lượng người đi tàu. Đặc biệt họ luôn lấp đầy tàu vào thời gian từ tháng 8 đến tháng 4 khi khách nội địa ít đến Hạ Long. Một ngày hơn chục đoàn giờ chỉ còn là ký ức của ông Nam. Đối mặt với thực tại, mỗi tháng ông chi trả hơn 70 triệu đồng cho một con tàu để duy tu, bảo dưỡng, trả lương nhân viên, bến bãi, lãi ngân hàng... Trong khi khách nội địa chỉ đến vào thứ 7, chủ nhật nên chưa biết khi nào đủ lấp đầy những con tàu 72-99 chỗ.
Ông Ngô Thanh Tùng, Giám đốc Công ty TNHH Tùng Vân, cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Ông vừa bán một khách sạn 2 sao để cứu những con tàu. Hiện ông có 11 chiếc tàu song mới chỉ hoạt động lại 4. Những ngày trong tuần, công suất là 40% còn cuối tuần cao nhất chỉ được 80%.
Ông Tùng chia sẻ luôn mong ngóng khách Trung Quốc, chiếm tới 80-90% tổng số khách đi tàu của ông. Trước đây mỗi chiếc tàu phục vụ hai đoàn mỗi ngày, công suất đạt tới 200%, đông đúc nhất là vào dịp Quốc khánh Trung Quốc 1/10 và nghỉ Tết Nguyên đán.
"Một tháng trước, tôi phải buộc lựa chọn cứu tàu vì khách sạn 2 sao cũng chủ yếu đón khách Trung Quốc, mở ra cũng như không. Tới nay mỗi tháng tôi phải chi trả 70 triệu đồng để duy trì tàu, nếu khách quốc tế không trở lại, nguy cơ phá sản rất cao", ông Tùng nói.
Không chỉ tàu, các khách sạn 2-3 sao ở Hạ Long, Quảng Ninh cũng gặp những khó khăn tương tự. Năm 2019, thị trường khách Trung Quốc tới Quảng Ninh là hơn một triệu lượt. Bà Nguyễn Thị Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Ninh, cho biết ngoài những dịch vụ lưu trú, chi trả cao thì người Trung Quốc có đặc điểm là đoàn đông, giải quyết tốt cả việc lấp phòng ở khách sạn 2-3 sao và sử dụng dịch vụ tầm trung. Vì vậy dự kiến năm nay khi họ chưa thể trở lại, doanh nghiệp du lịch nhà hàng, khách sạn ở phân khúc tầm trung này sẽ có những ảnh hưởng lớn.
Ở Nha Trang, Khánh Hòa, bất kỳ ai cũng có thể nhận thấy nơi đây không có cảnh tắc đường vì những chiếc xe du lịch lớn chở khách Trung Quốc chưa trở lại. Năm 2019, tỉnh đón 3,5 triệu khách quốc tế lưu trú, trong đó Trung Quốc chiếm 70%, số còn lại là khách Nga và các nước khác, theo ông Hoàng Văn Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Nha Trang - Khánh Hòa.
Khang Thái và Vietnamtourist là hai công ty lữ hành lớn nhất đón khách từ thị trường này đến Khánh Hòa hiện chưa hoạt động. Một số tuyến đường được mệnh danh là phố Tây như Hùng Vương, Trần Quang Khải, Nguyễn Thiện Thuật... không còn cảnh dòng người tản bộ, mua sắm. Nhiều nhà hàng trước đây có biển tiếng Trung Quốc song song với tiếng Việt, tiếng Nga nay đã tháo dỡ, mặt bằng chưa được cho thuê lại. Bên cạnh nhà hàng, quán ăn, thì khách sạn chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi việc thiếu vắng khách Trung Quốc, đặc biệt là những cơ sở 2-3 sao hoặc không có vị trí gần biển.
Ông Lê Xuân Thơm, Tổng giám đốc Công ty TNHH Hải Đăng, lo phải giải thể khách sạn 4 sao Galina ở TP Nha Trang. Trước đây khách Trung Quốc và khách Nga ở khách sạn chiếm tới 70% tổng lượng khách. Người Trung Quốc có ưu điểm đi đoàn đông, lưu trú dài ngày, chi tiêu ở mức khá, các công ty chốt lịch ở và thực đơn ăn uống sớm, lại ít thay đổi. Theo ông Thơm, đây là dòng khách quan trọng, ổn định và nhất là dễ phục vụ. Tới nay khi vắng bóng cả khách Nga và Trung Quốc, công suất phòng chỉ đạt cao nhất 25% cả tháng tư.
"Doanh thu không cải thiện, mỗi tháng phải bù lỗ cho khách sạn khoảng 400 triệu đồng. Chưa kể hiện nay các khách sạn 4 sao trong thành phố đang giảm giá nên các khách sạn như chúng tôi cũng phải giảm theo. Mức giá này với công suất thấp không đủ hòa vốn chứ chưa nghĩ đến có lời", ông Thơm trăn trở.
Khách nội địa chỉ là 'liều thuốc cầm cự'
Ông Thơm kỳ vọng vào sự bùng nổ của khách nội địa trong mùa hè, trước mắt là dịp 30/4-1/5 khi phòng đã được đặt kín. Chủ tàu như ông Nam, ông Tùng đều có niềm hy vọng tương tự, song chỉ xác định khách trong nước giúp họ phần nào cầm cự trước bờ vực phá sản.
Một số di tích như Tháp Bà Ponagar, Hòn Tằm... chưa đông song đã có tín hiệu khả quan, theo ông Nguyễn Tuấn Dũng, Phó Ban quản lý Di tích Khánh Hòa. Trong dịch, mỗi ngày lượng khách đến Tháp Bà Ponagar chỉ 100-200 khách, bằng 0,02% so với trước dịch, thời điểm chỉ riêng khách Trung Quốc đã 3.000-4.000 lượt. "Hiện mỗi ngày di tích đón 1.000 lượt khách nội địa, trong dịp lễ vừa qua gần 2.000 lượt", ông Dũng cho biết.
Theo ông Trần Văn Hồng, Chi hội phó Chi hội Tàu du lịch Hạ Long, "việc đông khách quốc tế chỉ còn trong giấc mơ", vì vậy khách nội địa sẽ tiếp tục là chủ lực trong hoạt động kinh doanh du lịch. Dù vậy ông cũng cho biết kỳ vọng vào mùa hè này khách Đông Nam Á, xa hơn là châu Âu sẽ bù trừ sự thiếu hụt phần nào của khách Trung Quốc. Đặc biệt trong thời gian qua, nhiều doanh nghiệp đón được các đoàn Ấn Độ, Mông Cổ, các thị trường mới, tiềm năng.
Mùa cao điểm khách quốc tế đến Việt Nam là từ tháng 9 đến tháng 3 năm sau. Cơ quan quản lý nhà nước về du lịch cũng xác định việc mở rộng cửa đón khách quốc tế thời điểm này là để kết nối lại thị trường, không kỳ vọng vào sự ồ ạt.
Tháng 3, Việt Nam đón 15.000 khách quốc tế, tăng gần 10 lần so với tháng 2 khi vẫn trong giai đoạn thí điểm. Ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ Lữ hành Tổng cục Du lịch, cho biết thị trường gửi khách lớn đến Việt Nam là Đông Bắc Á (Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản) hiện chưa thể đến vì các biện pháp phòng chống dịch. Song giai đoạn hiện nay, Việt Nam đón thêm nhiều thị trường mới, dù số lượng chưa lớn như Kazakhstan, Mông Cổ và sắp tới là Ấn Độ, thể hiện sự quan tâm của khách quốc tế với Việt Nam.
Trong chiến lược phục hồi du lịch Việt Nam, Đông Bắc Á vẫn được xác định tiếp tục là thị trường mục tiêu, bên cạnh phát triển đa dạng thị trường. Tháng 3, Bộ Ngoại giao đã phối hợp cùng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức hội nghị triển khai mở cửa du lịch, với sự tham dự của 94 Đại sứ, Trưởng cơ quan đại diện của Việt Nam tại nước ngoài. Tháng 7, hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines sẽ tiếp tục khôi phục, khai thác các chuyến bay tới Trung Quốc với tần suất 6 chuyến một tuần.
Trước đại dịch, Trung Quốc là thị trường lớn nhất trong khu vực Đông Nam Á. Trong đó Việt Nam đứng thứ hai về đón khách Trung Quốc với hơn 5,8 triệu lượt năm 2019 (chiếm 32,7% tổng khách quốc tế) và gần 5 triệu lượt trong năm 2018 (32%). Trong đó, doanh thu từ thị trường khách này năm 2018 là 94.700 tỷ đồng (24,7% tổng doanh thu).
Lan Hương