Ngày 1/5, Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ thông báo chuyến bay dự kiến đưa công dân về nước ngày 2/5 tạm hoãn cho đến khi có thông báo mới, do hãng hàng không chưa xin đủ giấy phép khai thác theo quy định. Theo kế hoạch, chuyến bay khởi hành từ San Francisco, bang California, về Việt Nam. Đại sứ quán cho biết các cơ quan chức năng Việt Nam đang thúc đẩy việc hoàn tất thủ tục theo quy định của Mỹ, để chuyến bay được thực hiện trong thời gian sớm nhất.
"Nhận tin chuyến bay bị hoãn lúc 2h sáng ngày 1/5, em bật dậy mà không biết nên đi hay nên ở", Nguyễn Doanh, 18 tuổi, sinh viên tại bang Washington, nói với VnExpress.
Sau một hồi suy tính, Doanh gọi đến hãng bay và khách sạn ở San Francisco để hủy vé và hủy phòng nhưng không được, vì đầu dây bên kia bận liên tục. Cuối cùng Doanh quyết định vẫn ra sân bay, với hy vọng chuyến đi về Việt Nam chậm khoảng hai ngày so với dự kiến. Cậu đến San Francisco vào 15h, sau 10 tiếng di chuyển bằng cả đường không và đường bộ.
Ở thế bị động hơn, Trần Minh, sinh viên ở New York, biết chuyến bay về Việt Nam bị hoãn khi đang trên đường từ Houston, Texas, đến San Francisco. Minh bị "mắc kẹt" ở Texas từ đầu tháng 3/2020, không trở lại New York được vì chính quyền bang và liên bang thực hiện các biện pháp khẩn chặn Covid-19. Trong 7 tiếng di chuyển đến San Francisco, Minh vừa lo kế hoạch về Việt Nam, vừa sợ bị nhiễm bệnh ở các địa điểm công cộng.
Từ bang Indiana, Nguyễn Khánh, đang theo chương trình trung học, cũng biết tin chuyến bay về Việt Nam bị hoãn, khi đang ở Bắc Carolina. "Em rất hoang mang nhưng vẫn phải đi tiếp, không thể quay lại", Khánh nói.
Có nhiều thời gian hơn so các bạn khác, Dương Quang Vinh, học sinh trung học ở San Diego, bang California, nhận "tin xấu" một ngày trước khi đến San Francisco. Vinh dỡ đồ, chấp nhận ở lại ký túc xá của trường chờ thông báo mới.
Nói đến lý do đăng ký chuyến bay về Việt Nam, Doanh cho biết nhà trường khuyến cáo sinh viên nên rời Mỹ để tránh dịch khi trường đóng cửa từ giữa tháng ba. Chi phí thuê nhà và sinh hoạt của Doanh, đang học online và sẽ tốt nghiệp vào tháng 9 năm nay, là 1.000 USD mỗi tháng. Doanh từng mua vé thương mại nhưng dời lại ba lần vì mong tình hình sẽ được cải thiện. Sau khi gửi email đến Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ, Doanh nhận được danh sách có tên mình vào ngày 26/4. Cậu chấp nhận giá vé của hãng hàng không cao hơn bình thường, 2.000 USD một chiều so với mức giá thông thường là 1.000 -1.200 USD khứ hồi.
Với Minh, cô không muốn làm phiền người quen ở Houston lâu, trong khi không thể trở lại New York do ký túc xá của trường đóng cửa. Minh cũng thấy bất an vì số ca nhiễm nCoV và ca tử vong tăng cao. Cô có thể yên tâm học online khi về nhà với gia đình.
Khánh ở bang Indiana đăng ký về Việt Nam từ cuối tháng ba, khi nhận thông báo trường đóng cửa đến cuối năm 2020. Du học sinh các nước, trong đó có Việt Nam, đều được yêu cầu rời Mỹ.
Tại San Diego, Vinh đang học online, chờ kỳ nghỉ hè vào cuối tháng 5. Ngoài phố, người dân mang khẩu trang nhưng vẫn tập trung ở các điểm giải trí công cộng, như bãi biển.
"Em mong được về Việt Nam sớm vì ký túc xá sẽ đóng khi trường nghỉ hè", Vinh nói.
Tính đến ngày 4/5, Mỹ tiếp tục là quốc gia có số ca nhiễm và tử vong do nCoV cao nhất thế giới, với hơn 1,1 triệu người nhiễm và hơn 68.000 người chết. Từ giữa tháng trước, Việt Nam phối hợp với một số nước là Anh, Italy, Nhật Bản, Singapore, Canada tổ chức các chuyến bay đưa người Việt về nước, sau khi các quốc gia ngưng đường bay thương mại để ngăn Covid-19 lây lan.
Theo thông báo của Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ ngày 1/5, những người có tên trong danh sách về Việt Nam trên chuyến bay 2/5 và đã đến San Francisco cần liên hệ với các đầu mối đã được thông báo qua email cá nhân để được hỗ trợ. Các công dân đang chuẩn bị làm thủ tục bay nội địa tạm thời chưa thực hiện chuyến bay, chờ thông báo mới nhất từ các cơ quan ngoại giao Việt Nam tại Mỹ.
Trong nhóm khoảng hơn 30 du học sinh đã đến San Francisco, Doanh cho biết trong ngày đầu tiên, mọi người phải trả tiền khách sạn trong sân bay khá cao, 220 USD/phòng. Sau đó, đại diện của Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại San Francisco đã hỗ trợ tìm các khách sạn có chi phí thấp hơn, dao động từ hơn 60-150 USD/phòng. Các cán bộ của cơ quan ngoại giao cũng cung cấp khẩu trang, nước rửa tay, phương tiện để các du học sinh đi mua đồ thiết yếu.
"Hiện em đặt phòng khách sạn theo từng đêm. Nếu phải chờ chuyến bay về Việt Nam lâu hơn, sẽ phải tìm nơi ở khác có giá rẻ hơn nữa", Doanh nói.