Cuộc bầu cử giữa kỳ năm nay có thể thay đổi cấu trúc quyền lực trong lưỡng viện quốc hội Mỹ, thay đổi đáng kể định hướng chính sách của Washington trong tương lai và thu hút sự chú ý lớn của dư luận Mỹ, trong đó có những người Việt đang sinh sống ở nước này.
"Cộng đồng người nhập cư gốc Á nói chung và người Việt tại Mỹ nói riêng đều rất quan tâm đến tình hình chính trị và cuộc bầu cử giữa kỳ lần này", Lê Thanh Mai, 36 tuổi, luật sư tại bang Michigan, nói với VnExpress.
Trong cuộc bầu cử, người Mỹ sẽ bầu lại toàn bộ 435 ghế tại Hạ viện, 35 trong tổng số 100 ghế tại Thượng viện và 36 thống đốc bang, chọn hàng loạt thị trưởng thành phố và các quan chức địa phương. Ngoài lưỡng viện quốc hội, cử tri còn bỏ phiếu về 129 luật, quy định cấp địa phương.
Theo chị Mai, kết quả cuộc bầu cử sẽ liên quan trực tiếp đến các vấn đề và quyền lợi sát sườn của cộng đồng gốc Á, bao gồm quyền phá thai, tình trạng lạm phát, thất nghiệp, suy thoái kinh tế và giá xăng dầu tăng. "Vai trò của cuộc bầu cử giữa kỳ này rất quan trọng, quyết định thắng thua cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa", chị nói.
Bên chiến thắng trong các cuộc đua ở lưỡng viện quốc hội cũng như ghế thống đốc, tổng thư ký bang hay thị trưởng các địa phương có thể tạo ra những thay đổi lớn liên quan đến các vấn đề cử tri quan tâm, hoặc thách thức tính hợp pháp trong cuộc bầu cử tổng thống sắp tới.
"Những người xung quanh tôi hiện đều bàn luận về chính trị và bầu cử giữa kỳ, bởi nước Mỹ đang chia rẽ trong nhiều vấn đề, nên nhiều người mong muốn được lên tiếng bằng lá phiếu của họ", Long Nguyễn, 29 tuổi, nói về mức độ quan tâm của người Mỹ lẫn người Việt ở thủ đô Washington, nơi anh đang sống, với cuộc bầu cử.
Các cuộc thăm dò hiện cho thấy cử tri Mỹ quan tâm nhất đến kinh tế, thay vì các vấn đề chính trị hay chia rẽ lưỡng đảng. Hơn 50% người được hỏi cho rằng giá xăng và hàng tiêu dùng là vấn đề khiến họ lo lắng nhất, theo cuộc thăm dò mới của Đại học Quinnipiac ở bang Connecticut, Mỹ.
"Vật giá ở Mỹ năm nay tăng chóng mặt, Cục Dự trữ Liên bang đã nỗ lực kiểm soát tình hình nhưng chưa hiệu quả, hy vọng lạm phát sẽ được kiểm soát tốt hơn", Long cho biết.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ vừa thực hiện đợt tăng lãi suất mạnh khác, nâng lãi suất vay chuẩn lên 0,75%, đánh dấu lần tăng thứ tư liên tiếp ở mức này và lần tăng thứ sáu trong năm nay.
Đảng Dân chủ của Tổng thống Biden đang chịu nhiều áp lực trong bối cảnh nước Mỹ hứng chịu lạm phát và nguy cơ suy thoái kinh tế nghiêm trọng. Dù đây là vấn đề mang tính toàn cầu, phe Cộng hòa cho rằng lỗi thuộc về đảng Dân chủ do triển khai các gói chi tiêu khổng lồ, khiến tình hình thêm tồi tệ.
Theo khảo sát do Trung tâm Nghiên cứu Chính trị Mỹ (CAP) Harvard và công ty nghiên cứu thị trường Harris thực hiện với khoảng 2.000 cử tri đã đăng ký bỏ phiếu, 48% nói lạm phát khả năng cao khiến họ bỏ phiếu cho phe Cộng hòa, trong khi 36% chọn phe Dân chủ.
Cuộc thăm dò của ABC News/Ipsos tuần trước chỉ ra 49% người Mỹ xem nền kinh tế và lạm phát là vấn đề quan trọng nhất khi tham gia bầu cử giữa kỳ, trong khi chỉ có 14% nghiêng về quyền phá thai.
Tuy nhiên, luật sư Mai ở Michigan cho hay cô đặc biệt quan tâm đến vấn đề quyền phá thai, với tư cách là "một phụ nữ và người đấu tranh cho quyền lợi của phụ nữ".
Long cũng cho biết nhiều cử tri ở Washington cũng thường đề cập tới quyền phá thai của phụ nữ. Trong cuộc bầu cử giữa kỳ năm nay, cử tri sẽ bỏ phiếu về luật này tại California, Kentucky, Michigan, Montana và Vermont, tức chính người dân sẽ quyết định, nên họ "càng quan tâm đến quyền phá thai nhiều hơn".
Trên mặt trận truyền thông thu hút sự ủng hộ của cử tri, hai đảng đã thể hiện chiến lược khác nhau. Trong khi đảng Cộng hòa nhắm thẳng vào các vấn đề tội phạm và kinh tế, đảng Dân chủ tập trung vào quyền phá thai và bảo vệ nền dân chủ, sau khi Tòa án Tối cao hồi tháng 6 đảo ngược phán quyết công nhận quyền phá thai của phụ nữ.
"Lần bỏ phiếu lần này rất quan trọng để quyết định xem quyền phá thai được thực thi như thế nào", luật sư Mai nói. "Kết quả bỏ phiếu ở California, Michigan và Vermont có thể đem lại nhiều quyền lợi hơn cho phụ nữ, song Kentucky hay Montana có thể loại bỏ hoàn toàn quyền phá thai", cô nói.
Tình trạng chia rẽ lưỡng đảng sâu sắc trong cuộc bầu cử giữa kỳ cũng khiến nhiều người chú ý. Nếu đảng Cộng hòa thắng ở Hạ viện hoặc Thượng viện, hoặc giành quyền kiểm soát lưỡng viện, họ sẽ có thể chặn hầu hết chương trình nghị sự của ông Biden, tìm cách biến ông thành một "tổng thống bất lực".
Lo ngại về nguy cơ hỗn loạn hậu bầu cử giữa kỳ cũng xuất hiện. Gần hai năm sau khi ông Donald Trump tiến hành nỗ lực lật ngược kết quả bầu cử chưa từng có ở Mỹ, với đỉnh điểm là cuộc bạo loạn Đồi Capitol, cáo buộc "gian lận bầu cử" mà ông đưa ra vẫn tiếp tục được lan truyền.
Cuộc thăm dò mới từ NBC News cho thấy 65% cử tri đảng Cộng hòa vẫn coi nhiệm kỳ của ông Biden là "bất hợp pháp". Anh Long cho rằng nếu phe Cộng hòa kiểm soát lưỡng viện, những nghị sĩ ủng hộ ông Trump có thể sẽ thúc đẩy những động thái về hạn chế quyền bỏ phiếu, gây ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2024.
"Nếu những thành viên Cộng hòa 'ẩn mình chờ thời' ở nhiều bang suốt hai năm qua thắng trong đợt bầu giữa kỳ này, họ có thể gây khó dễ và thách thức kết quả bầu cử tổng thống năm 2024 nếu ứng viên đảng của họ thua cuộc", anh Long dự đoán. "Nước Mỹ sẽ tiếp tục chia rẽ".
Trong khi đó, chị Mai mong muốn cả hai đảng vượt qua bất đồng chính trị để lèo lái nước Mỹ giữa khủng hoảng. "Dù phe nào thắng, hy vọng họ đủ khả năng đưa đất nước vượt thời kỳ suy thoái hậu Covid-19 và phát triển kinh tế bền vững", chị bày tỏ.
Đức Trung