Từ nửa đêm 8/7, Melbourne, thành phố lớn thứ hai Australia, thủ phủ bang Victoria, sẽ áp lệnh phong tỏa trở lại dài 6 tuần. Các nhà hàng và quán cafe sẽ chỉ được bán đồ ăn mang đi, trong khi các phòng gym, salon làm đẹp, rạp chiếu phim sẽ bị đóng cửa trở lại. Gần 5 triệu dân được yêu cầu ở trong nhà, chỉ ra ngoài để đi làm, tập thể dục, chăm sóc sức khỏe hoặc mua đồ thiết yếu. Những người có điều kiện làm việc từ xa thì phải thực hiện theo hình thức này.
"Cứ như một giấc mơ", anh Nam Bùi, người đã sống ở Melbourne hơn chục năm nay, chia sẻ với VnExpress vào ngày đầu tái áp đặt lệnh phong tỏa. "Cả công ty sững sờ, nhân viên tưởng được đi làm trở lại, ổn định kinh tế và xã hội thì mọi thứ một lần nữa xáo trộn".
Hồi tháng 3, Melbourne lần đầu sống dưới lệnh phong tỏa của toàn bang Victoria. Những người làm trong ngành dịch vụ nhà hàng - khách sạn như anh Nam bị ảnh hưởng nặng nề khi lượng khách giảm, kéo theo thu nhập giảm. Các nhà hàng đóng cửa hoặc hoạt động cầm chừng, cố gắng bám trụ nhờ khách mua hàng online và mang đi.
Gần giữa tháng 5, anh khấp khởi khi lệnh phong tỏa được chính quyền nới lỏng, các nhà hàng được mở cửa lại với tối đa 20 khách mỗi lần, đường sá trở nên tấp nập hơn, số giờ làm việc của anh cũng tăng lên.
Tuy nhiên, cuối tháng 6, số ca nhiễm mới ở Australia có chiều hướng tăng trở lại với hơn 100 ca mỗi ngày. Tại Melbourne, tình hình tồi tệ hơn khi các cụm dịch mới nổi lên ở một khu chung cư đông đúc với 159 người nhiễm nCoV tính đến nay, buộc chính quyền quyết định tái áp đặt những biện pháp hạn chế.
"Các nhà hàng một lần nữa thay đổi phương thức làm việc, giờ làm của nhân viên trước đây được lên kế hoạch theo tuần, nhưng bây giờ thay đổi theo ngày", anh nói. "May mắn là tôi đi làm ca ở nhiều nơi nên vẫn có thu nhập dù hơi chật vật".
Trong khi đó, Nhung Lê Farrell, quản lý một nhà hàng ở sân bay Melbourne, từ hôm 23/4 đến nay vẫn chưa thể đi làm trở lại. Sân bay Melbourne đã lên kế hoạch nối lại các chuyến bay vào 17/7 tới thì bất ngờ có lệnh phong tỏa lần hai. Bang Victoria đóng biên giới với bang New South Wales lân cận, tự cô lập với phần còn lại của Australia nhằm kiềm chế dịch bệnh lan rộng.
"Cả bang chỉ mỗi Melbourne bị tái phong toả, mình buồn lắm", Nhung, người sống ở Melbourne từ năm 2012, cho biết. "95% chuyến bay bị cắt, sân bay vắng hoe, các nhà hàng đóng cửa vì không có khách, thu nhập giảm 90%".
Là thường trú nhân, Nhung may mắn được nhận gói hỗ trợ của chính phủ dành cho những người bị ảnh hưởng trong Covid-19. Chỉ những lao động làm toàn thời gian, bán thời gian, là thường trú nhân hoặc công dân Australia mới nằm trong diện được chính phủ hỗ trợ.
Trường mẫu giáo không đóng cửa nhưng do học phí tốn kém nên Nhung tranh thủ dịp này dành hầu hết thời gian ở nhà với con trai gần 3 tuổi. Chồng cô, một giáo viên trung học, vẫn đi dạy do học sinh cuối cấp phải đảm bảo chương trình.
Lo lắng cũng là tâm trạng của chị Lan Hương Tierney, chủ một cửa hàng thiết kế áo cưới ở Melbourne.
"Cửa hàng tôi đóng cửa suốt mấy tháng và mới mở lại khi có quyết định nới lỏng phong tỏa, cho phép tụ tập 5 người", chị Hương cho hay. "Tôi chắc chắn ủng hộ quyết định tái phong tỏa thành phố, vì tính mạng con người là trên hết. Những người thất nghiệp như tôi cũng được chính phủ hỗ trợ. Tuy nhiên, tôi vẫn lo lắng cho thời gian tới bởi thu nhập giảm rất nhiều".
Chồng con của chị Hương hiện đều chuyển sang học và làm việc online ở nhà. Từ trước khi có lệnh phong tỏa lần hai này, gia đình chị đã hạn chế ra ngoài, không tụ tập đông người vì lo lắng khi chính phủ Australia chưa tuyên bố kiểm soát được dịch bệnh.
"Lần đầu phong tỏa, vì lo sợ khan hiếm hàng hóa nên người dân đổ xô mua đồ tích trữ, nhưng lần này mọi người chỉ mua đủ đồ dùng trong một tuần để hạn chế ra ngoài tiếp xúc với nhiều người", chị cho biết thêm. "Các siêu thị cũng đáp ứng đầy đủ nhu cầu cho người dân nên mọi người đều yên tâm sẽ không bị thiếu nhu yếu phẩm trong thời gian phong tỏa".
Anh Nam cũng cho hay rút kinh nghiệm từ lần trước, lần này anh hầu như không tích trữ gì vì siêu thị và chợ vẫn mở. "Thực sự buồn khi Melbourne phải tái áp lệnh phong tỏa, nhưng thiết nghĩ đây là việc cần thiết để dập được dịch hoàn toàn", anh nói.
Anh cho hay việc Covid-19 tái bùng phát một phần do công tác phòng dịch còn sơ sài và người dân chưa tuân thủ triệt để các quy định. Anh nhiều lần phải nhắc nhở khách hàng đảm bảo giãn cách 1,5 mét, các tấm chắn giữa nhân viên và khách cũng mới được lắp đặt cách đây hai tuần.
Australia không bắt buộc mà chỉ khuyến khích người dân đeo khẩu trang nơi công cộng. Khẩu trang ở đây cũng khan hiếm và có giá rất đắt, tới 25- 30 USD/hộp.
Bang Victoria hôm nay báo cáo 165 ca nhiễm nCoV mới, nâng tổng số ca nhiễm toàn bang lên hơn 3.000, trong đó 22 ca tử vong. Toàn Australia ghi nhận tổng cộng gần 8.890 ca nhiễm, 106 ca tử vong.
Thủ hiến bang Victoria, ông Daniel Andrews, cảnh báo lệnh phong tỏa 6 tuần có thể kéo dài hơn nếu người dân lơ là các quy định phòng dịch.
"Chúng tôi biết và hiểu rằng việc này rất khó khăn, thách thức. Không ai muốn ở vào tình huống của chúng ta bây giờ nhưng đơn giản là không có lựa chọn nào khác", ông nói. "Nếu chúng ta không kéo giảm được các con số thì 6 tuần có thể kéo dài hơn. Nếu chúng ta không nhìn nhận vấn đề này nghiêm túc, nhiều người sẽ bị bệnh nặng".
"Tôi rất lo cho sức khỏe không những của bản thân mà còn những người thân mình tiếp xúc", anh Nam nói. "Hy vọng lần này, với sự kiểm tra gắt gao của cảnh sát, người dân sẽ tuân thủ phòng dịch và dịch bệnh sẽ chấm dứt".
Chị Hương cũng hy vọng dịch bệnh sẽ sớm qua đi, dù xác định "sống chung với lũ" đến hết năm nay.
Anh Ngọc