"Suốt 2-3 tuần, tôi không nhận được cuộc gọi hỏi mua nào", Vladimir Stetsenk, 61 tuổi, người đã sống ở Cộng hòa Czech trong hai năm qua, nói.
Căn hộ được ông rao bán vào thời điểm không thể tệ hơn, ngay sau khi Tổng thống Vladimir Putin phát lệnh động viên một phần, gọi nhập ngũ hơn 300.000 lính dự bị, thúc đẩy làn sóng bán nhà của những người Nga di cư ra nước ngoài, tạo ra nguồn cung bất động sản khổng lồ.

Nhân viên bất động sản Anastasia Chichikin tới xem một căn hộ rao bán ở Moskva ngày 7/2. Ảnh: AFP
Stetsenko buộc phải thích ứng với tình hình mới, chấp nhận giảm 20% giá chào bán. Đến tháng 12, ông bán căn hộ với giá tương đương 200.000 euro (214.000 USD), bằng số tiền bỏ ra mua 10 năm trước. "Quá trình bán căn hộ này khiến tôi rất căng thẳng", ông thừa nhận.
Trải nghiệm của Stetsenko giống nhiều người khác ở Nga, không chỉ với thị trường bất động sản, mà còn trong nền kinh tế rộng lớn hơn sau khi Nga hứng chịu hàng loạt lệnh trừng phạt chưa từng có từ phương Tây.
Tổng thống Putin khẳng định Nga đang vượt qua vòng vây trừng phạt. Nhiều lĩnh vực trong nền kinh tế cũng cho thấy sự thích ứng của người Nga.
Một thương hiệu nội địa đã thay thế McDonald's, các siêu thị cũng bày bán đồ uống do Nga sản xuất để thay thế sản phẩm nước ngoài như Coca-Cola, công ty rời thị trường Nga năm ngoái.
Hàng hóa nhập khẩu từ Liên minh châu Âu (EU) gần như biến mất ở Nga, nhưng giao thương giữa Nga với Trung Quốc tăng mạnh. Dữ liệu hải quan Bắc Kinh cho thấy thương mại song phương giữa Nga và Trung Quốc đạt kỷ lục 190 tỷ USD năm ngoái.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế tháng trước dự báo nền kinh tế Nga sẽ tăng trưởng 0,3% trong năm nay, thay vì ước tính giảm 2,3% như trước đây.
Giới chuyên gia cho rằng xu hướng biến động trong nền kinh tế Nga năm qua được thể hiện rõ ràng trong thị trường nhà ở. Giá nhà ở Moskva hồi đầu năm ngoái tăng đột biến, khi người Nga hoảng loạn với các lệnh trừng phạt của phương Tây và tìm cách rút tiền khỏi ngân hàng.
Anastasia Chichikina, nhân viên bất động sản, cho hay giá nhà ở Moskva, thành phố hơn 12 triệu dân của Nga, đạt đỉnh hồi tháng 3 và tháng 4 năm ngoái. "Ai cũng muốn bảo tồn tài sản của mình càng nhiều càng tốt", cô nói.
Nhưng rồi sau đó, cùng với làn sóng nhiều người Nga di cư ra nước ngoài, giá bất động sản giảm xuống.
"Nguồn cung đang thừa", Vadim Orekhov, đồng sáng lập Rio Lux, công ty bất động sản ở Moskva, nói. "Điều này dẫn tới cạnh tranh mạnh giữa những người bán".
Chichikina cho hay giá căn hộ ở Moskva mùa xuân năm ngoái trung bình là 270.000 ruble (3.640 USD) một mét vuông, nhưng nay giảm xuống 251.000 ruble.
Oleg Repchenko, người đứng đầu công ty phân tích Chỉ số Bất động sản, nhận thấy sự tương đồng giữa hiện nay với giai đoạn 2014-2015, khi phương Tây áp đặt lệnh trừng phạt Nga vì sáp nhập bán đảo Crimea.
"Khi đó, sau thời gian ngắn tăng đột biến, giá nhà bắt đầu giảm", ông nói.
Trong khi giới chức Nga tuyên bố nền kinh tế đã thích nghi tốt với lệnh trừng phạt sau một năm, các nhà kinh tế tỏ ra kém lạc quan hơn. Họ cho rằng nhiều vấn đề đang gia tăng khi EU đang chuẩn bị áp vòng trừng phạt thứ 10 lên Nga.
Hàng trăm công ty nước ngoài đã rời đi, khiến các trung tâm mua sắm trở nên trống vắng, trong khi lạm phát 12% làm suy yếu sức mua của người Nga.

Một người đàn ông đi ngang qua biển rao cho thuê cửa hàng ở Moskva ngày 10/2. Ảnh: AFP
Nguồn cung thiếu thốn ảnh hưởng tới hàng loạt ngành công nghiệp, trong đó có sản xuất ôtô.
Trong một báo cáo phân tích mới đây, một số nhà quan sát kinh tế Nga nhận định doanh thu năng lượng cao "bất thường" vào năm ngoái đã giúp giảm bớt tác động từ lệnh trừng phạt. Nhưng năm 2023 sẽ khó khăn hơn, khi nguồn thu từ xuất khẩu năng lượng giảm mạnh do các lệnh hạn chế, áp trần giá từ phương Tây.
"Cuộc khủng hoảng liên quan tới dòng vốn lớn chảy ra ngoài và việc nền kinh tế Nga bị cô lập với một phần quan trọng của thị trường và hệ thống tài chính quốc tế không phải đã qua, mà đang chờ đợi phía trước", báo cáo nhận định. "Nền kinh tế Nga không còn nhiều triển vọng sau ngày 24/2/2022", thời điểm Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Hồng Hạnh (Theo AFP)