"Ngân hàng nói họ có USD nên tôi lập tức đến", Alexei Presnyakov, 32 tuổi, chỉ tay vào ứng dụng trên điện thoại của ngân hàng Nga Tinkoff và nói mình muốn rút ngoại tệ. "Tỷ giá hôm qua là 80 ruble đổi một USD, nhưng hôm nay đã lên 100, thậm chí có thể đến 150".
Sau lưng Presnyakov còn khoảng 20 người khác đang đứng chờ. Anh nói không tính trước chuyện rút tiền, chỉ vừa quyết định xin nghỉ làm để dành cả ngày chạy khắp các ngân hàng trong thành phố, đến khi rút hết toàn bộ số tiền mình đang có.
Chỉ sau vài phút, mọi người truyền tai nhau thông tin ngân hàng nơi họ đang xếp hàng đã không còn USD. Gần một nửa số người đang đợi vội bỏ đi.
Điện Kremlin mô tả đất nước đang bước vào "tình hình kinh tế mới" sau hàng loạt lệnh trừng phạt từ phương Tây nhắm đến Ngân hàng Trung ương Nga và một số cơ quan tài chính khác. Sàn giao dịch chứng khoán lớn nhất của Nga tại Moskva cũng tuyên bố tạm ngưng mọi phiên giao dịch đến ngày 5/3, tạo ra bầu không khí mơ hồ về tương lai đối với người tiêu dùng và giới đầu tư ở nước này.
Illarion, một lập trình viên tại Moskva, lo ngại tiền tiết kiệm bằng USD sẽ bị quy đổi sang đồng ruble và chính phủ sẽ tăng cường huy động USD trong dân, khi bị cắt nguồn ngoại tệ từ nước ngoài.
Mỹ, Ủy ban châu Âu, Pháp, Đức, Italy, Anh và Canada ngày 26/2 ra tuyên bố chung, cho biết đã loại một số ngân hàng Nga khỏi Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng Toàn cầu (SWIFT). Quyết định loại ngân hàng Nga khỏi hệ thống tài chính toàn cầu SWIFT được cho là một đòn giáng mạnh với nền kinh tế lớn thứ 12 thế giới.
Bộ Tài chính Mỹ ngày 28/2 leo thang trừng phạt kinh tế Nga vì chiến dịch quân sự của nước này tại Ukraine. Tài sản của Ngân hàng Trung ương Nga tại Mỹ bị đóng băng, còn Quỹ Đầu tư Trực tiếp Nga bị đưa vào danh sách cấm vận. Washington áp dụng biện pháp chưa từng có tiền lệ này nhằm giảm khả năng Nga đối phó tác động từ các lệnh trừng phạt trước đó từ phương Tây.
Ngân hàng Trung ương Nga phải nâng lãi suất lên 20%, mức cao nhất từ đầu thế kỷ đến nay, và buộc những công ty xuất khẩu lớn như Gazprom hay Roseft bán lại 80% nguồn thu ngoại tệ của mình nhằm kéo tỷ giá đồng tiền quốc gia.
Một số ngân hàng Nga bị đưa vào danh sách trừng phạt cũng không thể tiếp tục liên kết với các dịch vụ Visa và Mastercard, ứng dụng thanh toán điện tử Apple Pay và Google Pay. Tình trạng này khiến cuộc sống của người dân các khu đô thị đảo lộn. Daria, một quản lý dự án 35 tuổi ở Moskva, kể rằng anh không thể trả tiền vé tàu điện ngầm bằng điện thoại như trước. Mua sắm ở cửa hàng cũng trở nên khó khăn hơn.
Chủ một công ty quảng cáo với 100 nhân viên tại Nga cho biết triển vọng kinh doanh lao dốc chỉ sau một đêm khiến ông đi đến quyết định sẽ trở về Armenia cùng gia đình. "Tôi sẽ nói nhân viên rằng chúng tôi đang rơi vào một cuộc khủng hoảng chưa từng có tiền lệ, như thể chúng tôi đang ở trên một chiếc máy bay hỏng động cơ", ông nói.
Mới đầu năm nay, công ty của ông còn ghi nhận tháng doanh thu tăng trưởng kỷ lục với hàng loạt hợp đồng được ký kết với những nhãn hàng quốc tế, từ Pepsi đến Volkswagen. Sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố mở "chiến dịch quân sự đặc biệt" ở Ukraine với mục tiêu "phi quân sự hóa, phi phát xít hóa" nước láng giềng và bảo vệ vùng ly khai ở Donbass, hàng loạt công ty phương Tây đã rút khỏi thị trường Nga.
"Trong cộng đồng doanh nhân, chẳng ai biết được tương lai sẽ ra sao. Mọi người đều tuyệt vọng. Tôi đã trải qua nhiều cuộc khủng hoảng kinh tế ở Nga, gần nhất là đại dịch Covid-19, nhưng lần này tôi không thấy chút ánh sáng nào phía cuối đường hầm", một chủ doanh nghiệp dịch vụ ăn uống với hàng trăm nhân viên chia sẻ.
Không chỉ rút tiền mặt, người dân tại nhiều thành phố Nga còn đổ xô đi mua sắm trong vài ngày qua, với hy vọng mua được hàng hóa giá trị cao trước khi đồng ruble rớt giá sâu hơn. Tại các trung tâm mua sắm, người tiêu dùng thường lùng mua đồ điện tử như điện thoại iPhone và tivi.
"Chúng tôi cảm thấy những ngày gần đây như mùa Giáng sinh. Mọi người sẵn sàng mua mọi thứ, dù chúng tôi cứ vài giờ lại nâng giá vì tỷ giá ngoại tệ thay đổi", một người bán hàng điện tử chia sẻ.
Nga và Ukraine hôm 28/2 chấp nhận cùng ngồi vào bàn đàm phán sau năm ngày giao tranh căng thẳng. Sau cuộc đối thoại dài gần 5 tiếng ở biên giới Belarus, phái đoàn hai nước thống nhất trở về báo cáo cho lãnh đạo mỗi bên và lên kế hoạch cho vòng đàm phán tiếp theo, dự kiến diễn ra hôm nay, thắp lên hy vọng hòa bình sẽ được tái lập.
Tuy nhiên, giao tranh vẫn tiếp diễn ở nhiều thành phố lớn của Ukraine, khi chiến sự đã kéo dài sang ngày thứ 7. Nga đang tăng cường bao vây, oanh tạc nhiều thành phố lớn của Ukraine, trong khi lực lượng ly khai miền đông tiến quân bao vây Mariupol nhằm mở rộng vùng kiểm soát ở Donbass.
Marat, 35 tuổi, cũng đi rút tiền hôm 28/2 nhưng không gặp quá nhiều rắc rối, bởi anh chỉ rút tiền ruble để phòng thân. Illya, một cư dân hơn 30 tuổi ở Moskva, không dự tính rời khỏi Nga trong tương lai gần. Anh vừa trả dứt nợ ngân hàng cho căn nhà nên cũng không quá lo lắng. Ngay khi Nga mở chiến dịch quân sự ngày 24/2, Ilya đã rút một phần tiền tiết kiệm bằng USD từ ngân hàng Sberbank.
"Tôi vẫn để phần tiết kiệm còn lại trong một vài ngân hàng, một nửa bằng USD và phần còn lại bằng ruble. Nếu tình hình diễn biến xấu đi, tôi sẽ rút hết số còn lại", anh chia sẻ.
Trung Nhân (Theo Guardian, Finacial Times, BBC)