Chính phủ Ai Cập ngày 1/11 thông báo lần đầu tiên mở cửa khẩu Rafah kể từ khi xung đột Israel - Hamas bùng phát, cho phép người mang hộ chiếu nước ngoài rời khỏi vùng chiến sự. Chính quyền Hamas kiểm soát Dải Gaza sau đó công bố danh sách 400 người Mỹ được chấp thuận rời đi qua cửa khẩu Rafah.
Bộ Ngoại giao Mỹ đã gửi thông báo tới các công dân đang mắc kẹt ở Dải Gaza, cho hay họ cùng các thành viên gia đình sẽ được thông báo ngày khởi hành cụ thể, để đảm bảo di chuyển có trật tự. "Người Mỹ và các thành viên trong gia đình sẽ nhận được hướng dẫn khởi hành qua email trong ba ngày tới", thông báo từ Bộ có đoạn.
Kiểm tra danh sách người Mỹ được phép qua cửa khẩu Rafah, Laila Bseisso, công dân Mỹ gốc Palestine, cảm thấy nhẹ nhõm khi đọc được tên mình, bởi sau nhiều ngày chờ đợi, cô cuối cùng cũng có thể rời khỏi vùng đất đang chìm trong đau thương và tuyệt vọng vì vòng vây hãm và không kích không ngừng của Israel.
Nhưng niềm vui của Laila nhanh chóng nhường chỗ cho nỗi hốt hoảng, khi cô không thấy tên hai con của mình trong danh sách. Người phụ nữ từ Ohio có ba con, trong đó con cả Hassan, 12 tuổi, đã được cấp quốc tịch Mỹ, còn em gái 10 tuổi Nada và em trai 7 tuổi Mohamed chưa có hộ chiếu Mỹ do sinh ra tại Gaza.
Laila sau đó quyết định mang ba con cùng một số họ hàng tới cửa khẩu Rafah, hy vọng tất cả sẽ được rời Gaza vào Ai Cập, sau đó tới Mỹ. Các quan chức Hamas cho họ qua, nhưng biên phòng Ai Cập chỉ cho phép 4 mẹ con vào khu vực làm thủ tục.
Cô cùng các con phải đợi tại biên giới với nỗi lo về tương lai vô định. "Đường đến cửa khẩu không dễ dàng và không có gì là chắc chắn. Tôi không biết phải làm gì".
"Chúng tôi có cảm giác chính những người Israel, Ai Cập và Mỹ đang dùng chúng tôi như một lá chắn sống theo một cách nào đó", Susan Bseisso, em họ Laila, người bị phía Ai Cập từ chối cho nhập cảnh, nói.
Laila đã nhiều lần gọi điện đến đại sứ quán Mỹ ở Cairo, cố gắng làm rõ việc hai con chưa có hộ chiếu Mỹ có được phép sơ tán cùng mình hay không. Đại sứ quán Mỹ nói rằng họ đã chuyển tên của Nada và Mohamed cho chính phủ Ai Cập.
"Họ nói rằng 'Muốn đợi hay không là tùy ở cô'", Laila kể. "Thật nực cười khi họ nghĩ rằng một người mẹ sẽ rời đi mà không có con mình".
Sau khi Ai Cập mở biên, ít nhất 320 người mang hộ chiếu nước ngoài đã nhập cảnh qua cửa khẩu Rafah, trong đó có 79 người mang hộ chiếu Mỹ. Nhà Trắng khẳng định đang nỗ lực đưa càng nhiều người Mỹ ra khỏi Gaza càng nhanh càng tốt.
4 mẹ con Laila cuối cùng cũng qua được cửa khẩu. Các nhân viên đại sứ quán Mỹ ở Ai Cập đã đón tiếp và giúp họ hoàn thành thủ tục giấy tờ. Họ đang trên đường tới thủ đô Cairo bằng xe bus.
Các chính phủ nước ngoài cho biết những người mang hộ chiếu từ 44 quốc gia, cũng như 28 cơ quan, trong đó có các cơ quan của Liên Hợp Quốc, đang sống ở Dải Gaza. Khoảng 2,3 triệu dân khu vực này đã phải chịu đựng hơn ba tuần ném bom không ngừng của Israel nhằm đáp trả các cuộc đột kích ngày 7/10 của Hamas.
Dải đất đang phải chịu tình trạng thiếu lương thực, nước và điện sau lệnh phong tỏa toàn diện của Israel. Theo cơ quan y tế ở Gaza, hơn 9.000 người đã thiệt mạng trong các vụ không kích của Israel, 2/3 trong số đó là phụ nữ và trẻ em.
Đức Trung (Theo CBS News, Reuters)