Sáng sớm 23/9, Ali Mahanna, sống ở thị trấn Jbal El Botm, Lebanon, thức giấc bởi tiếng chiến đấu cơ Israel oanh tạc.
Jbal El Botm thỉnh thoảng hứng chịu vài vụ không kích của Israel ở ngoại ô trong năm qua, nhưng trận tập kích ngày 23/9 nhắm thẳng vào trung tâm thị trấn, san phẳng một số tòa nhà, khiến hàng chục người thiệt mạng.
Sau khi giúp kéo các thi thể khỏi đống đổ nát, Mahana đưa cả gia đình lên xe, tức tốc chạy về phía bắc Lebanon, tránh xa vùng biên giới. "Toàn bộ dân trong thị trấn rời đi cùng lúc. Không ai ở lại", ông nói.
Chiến dịch không kích Hezbollah của Quân đội Israel (IDF) tuần qua mở đầu cho cuộc khủng hoảng di dân lớn nhất lịch sử Lebanon, quốc gia vốn bị chiến sự, biến động chính trị tàn phá trong những thập kỷ gần đây.
Thủ tướng Lebanon Najib Mikati ước tính chiến dịch không kích của Israel buộc hơn một triệu người phải rời bỏ nhà cửa, trong khi dân số nước này chưa đến 6 triệu, với một triệu người tị nạn Syria.
Tình hình càng trở nên tồi tệ hơn khi IDF ngày 1/10 tuyên bố mở chiến dịch trên bộ vào miền nam Lebanon để đối phó lực lượng Hezbollah. Hàng chục nghìn người Syria gần đây đã tìm cách vượt biên về nước, khi Lebanon không còn là nơi ẩn náu an toàn với họ.
Hezbollah và Israel đấu pháo gần như hàng ngày kể từ khi chiến sự bùng phát ở Dải Gaza hồi tháng 10/2023. Sau vụ máy nhắn tin, bộ đàm của các thành viên Hezbollah bị kích nổ đồng loạt, xung đột giữa lực lượng này và Israel leo thang nghiêm trọng.
Sáng 23/9, IDF mở đợt tập kích nhắm vào hơn 1.300 mục tiêu của Hezbollah ở Lebanon, khiến ít nhất 1.000 người thiệt mạng và khiến phần lớn dân thường ở miền nam nước này đổ xô di tản.
Trước khi Israel tập kích, một số người đã nhận được tin nhắn, cuộc gọi của IDF, yêu cầu tránh xa các công trình mà Hezbollah sử dụng cho mục đích quân sự, nhưng không nêu địa điểm cụ thể.
Nhiều người cũng cho biết không nhận được cảnh báo nào trước khi bom bắt đầu rơi, chỉ có thể vội vã rời khỏi nhà để đảm bảo tính mạng. Các bà mẹ chạy loạn bỏ lại bỉm, sữa. Người bệnh, người cao tuổi di tản mà không có thuốc men thiết yếu.
Tại thị trấn Nabatieh, y tá Alia Ayyash đang làm việc thì bệnh viện cho toàn bộ nhân viên nghỉ làm về nhà. Gia đình sau đó đến viện đón và đưa cô thẳng đến Beirut mà không thể quay về nhà để lấy đồ đạc.
Những vụ nổ đầu tiên ở Nabatieh xảy ra lúc Nejmeh Hassan Faris đang chuẩn bị bữa sáng cho các con. Khi cửa sổ ngôi nhà bị thổi bay, Farris và ba con đã phải đi nhờ xe rời khỏi thị trấn, rồi từ đó cuốc bộ hàng giờ trước bắt được chuyến xe đến thủ đô Beirut.
Hành trình thường chỉ mất khoảng 90 phút nay tốn gần 24 giờ trong tình trạng giao thông hỗn loạn và nguy cơ bị Israel không kích bất cứ lúc nào. "Chúng tôi không có thức ăn, chỉ uống nước cầm hơi", Faris nói tại nơi trú ẩn trong trường Sobhi Saleh ở phía tây Beirut, sau chuyến đi dài cả ngày.
Giao thông tắc nghẽn khiến nhiều gia đình di tản phải ngủ trong ôtô. Các thị trấn ven đường cũng hứng không kích, làm người dân sơ tán hoảng sợ. Một phụ nữ đã chết vì đau tim trên đường đi.
Beirut và các vùng khác của Lebanon cũng chưa được chuẩn bị đầy đủ để tiếp nhận dòng người di tản khổng lồ. Chính phủ đã cải tạo hàng trăm trường học thành nơi trú ẩn, nhưng các nhóm cứu trợ phải rất vất vả để mua đệm, nhu yếu phẩm cơ bản cho người chạy loạn.
Tại trường Sobhi Saleh, Mohammed Khalil Sultan đang chờ đoàn tụ với con gái. Ông Sultan đến điểm trú ẩn này sau 19 giờ di chuyển, còn con gái vẫn trên đường. Họ quyết định di tản sau khi 4 thường dân, trong đó có anh họ ông Sultan, thiệt mạng trong các cuộc không kích ở thị trấn Marjayoun.
"Chúng tôi được báo rằng những gì còn lại của anh ấy chỉ là hơn hai kg xương thịt", ông Sultan, 74 tuổi, nói.
Samia Ayyash, giáo viên về hưu ngoài 60 tuổi, mất hơn 17 giờ để tìm được nơi trú ẩn cho gia đình sau khi di tản khỏi làng Harouf ở miền nam Lebanon ngày 24/9.
Một quả tên lửa đã rơi xuống vườn nhà hàng xóm của bà nhưng không phát nổ. Vợ chồng bà chỉ kịp dồn 6 người con và cháu gái lên xe, rời đi mà không thể mang theo những vật dụng cần thiết. Chồng bà bị tiểu đường, tăng huyết áp, cần thuốc men.
"Chúng tôi liên tục cầu nguyện bình an trong suốt chuyến đi", bà Ayyash nói tại điểm trú ẩn là một trường học trên núi Aley, cách Beirut khoảng 16 km, nơi tổ chức từ thiện Anera của Mỹ đang phân phát đệm và nhu yếu phẩm.
Ayyash cho biết cuộc sống ở Lebanon đã rất khó khăn giữa cuộc khủng hoảng tài chính. Sau khi nghỉ hưu, bà làm y tá, nhưng lương hưu của vợ chồng bà không đủ trang trải các chi phí cơ bản.
"Lebanon không cần thêm chiến tranh nữa. Người dân chúng tôi đã nếm đủ rắc rối rồi", bà nói.
Đức Trung (Theo WSJ, Times of Israel, Al Jazeera)