Ngồi bên ngoài Kirya, trụ sở Bộ Quốc phòng Israel ở Tel Aviv, Yoav Peled miệt mài cắt những dải ruy băng màu vàng đưa cho người lạ đi ngang qua. Chúng tượng trưng cho tình đoàn kết với khoảng 240 con tin đang bị Hamas bắt ở Gaza.
Nhưng khi chiến dịch tấn công đáp trả Hamas của Israel đối mặt làn sóng phản đối ngày càng lớn trong dư luận quốc tế, tâm trí anh không ngừng đặt ra những câu hỏi.
![Các phương tiện quân sự của Israel bên trong Dải Gaza hôm 1/11. Ảnh: IDF](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2023/11/08/34HJMNIICNPGTNFSEDI53C3LD4-jpe-6958-5723-1699418197.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=TLXqTmOXcVkL4QpxDxo87w)
Các phương tiện quân sự của Israel bên trong Dải Gaza hôm 1/11. Ảnh: IDF
"Tôi từng coi mình là một phần của những người theo chủ nghĩa tự do cực đoan. Nhưng khi tôi thấy các cuộc biểu tình với những lời kêu gọi ủng hộ Hamas hay những điều tương tự như vậy, tôi nghi ngờ liệu thế giới có hiểu được tính phức tạp của vấn đề hay không", Peled nói.
"Khi không hiểu được, họ nhìn mọi thứ phiến diện và nhận thức về công lý của họ rất đơn giản. Nhưng điều đó không đơn giản. Tôi nghĩ chính phủ hiểu điều này, còn người dân thì... tôi không biết nữa", anh cho biết thêm.
Lãnh đạo nhiều nước và tổ chức quốc tế đang tiếp tục gây áp lực với Israel về số dân thường thiệt mạng do những vụ tập kích vào Dải Gaza. Nhiều cuộc biểu tình nổ ra tại các thành phố như London, Washington, Berlin, Paris, Amman hay Cairo, nhằm phản đối chiến dịch tấn công của Israel và kêu gọi nước này ngừng bắn vì lý do nhân đạo.
Trước làn sóng phản đối chiến dịch tại Gaza, nhiều người Israel đang cảm thấy bối rối và thất vọng, vì cho rằng họ đang bị đối xử thiếu công bằng và thế giới thực sự không hiểu họ.
"Thế giới chỉ yêu quý người Israel khi chúng tôi là nạn nhân. Tôi xin lỗi khi nói điều này, nhưng đúng vậy, họ cảm thương với người Do Thái khi chúng tôi là nạn nhân, khi chúng tôi bị giết hại. Nhưng khi chúng tôi làm những điều để tự bảo vệ mình thì sao? Chúng tôi không được yêu quý nữa", Sigal Itzahak, giáo viên tại một trường tôn giáo dành cho nữ sinh ở Tel Aviv, cho hay.
Itzahak đưa một số học sinh đến quảng trường nhỏ bên ngoài Kirya, nơi Peled đang trao những dải ruy băng vàng. Địa điểm này đã trở thành nơi tụ họp dành cho gia đình các nạn nhân, những người ủng hộ họ và những người tới để cầu nguyện sau cuộc đột kích hôm 7/10 của Hamas.
Những tấm ảnh về người mất tích và nạn nhân thiệt mạng được gắn lên tường bên ngoài trụ sở Bộ Quốc phòng.
Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) cho biết hơn 1.400 người đã thiệt mạng trong cuộc đột kích của Hamas hôm 7/10, cùng khoảng 240 người bị bắt làm con tin và đưa tới Dải Gaza.
"Tôi nghĩ bất kỳ quốc gia nào trên thế giới rơi vào hoàn cảnh của chúng tôi đều sẽ làm những thứ hơn như thế mà không ai nói gì cả", Itzahak cho hay. "Chỉ có người Do Thái mới bị phản đối. Bởi người Do Thái không được quyền sống ở một đất nước hòa bình. Đó là những gì chúng tôi muốn. Và tôi xin lỗi, nhưng không ai hiểu được điều này".
![Yoav Peled phát ruy băng vàng trước khu phức hợp Kirya ở thủ đô Tel Aviv, Israel, hôm 2/11. Ảnh: CNN](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2023/11/08/231106102041-02-gaza-war-israe-8158-8580-1699418197.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=aoc-fkF_WeFWfIUfKih_AQ)
Yoav Peled phát ruy băng vàng trước khu phức hợp Kirya ở thủ đô Tel Aviv, Israel, hôm 2/11. Ảnh: CNN
Có thể nhìn thấy rõ tình yêu trong đám đông bên ngoài khu phức hợp Kirya. Một số người cầu nguyện, an ủi nhau bằng những cái ôm hay dành thời gian tâm sự, chuyện trò. Nhóm học sinh của Itzahak mang theo hàng chục ổ bánh mì mới nướng đến để chia sẻ, một nghĩa cử được đánh giá rất cao trong đạo Do Thái.
Nhưng cũng có rất nhiều người tức giận và buồn bã. Hầu hết bất mãn với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu.
Benny Zweig, giáo sư xã hội học và khoa học chính trị đã nghỉ hưu, cho biết ông đã đến quảng trường để phản đối Thủ tướng Netanyahu kể từ ngày đầu tiên khi giao tranh nổ ra.
"Hai ca một ngày. Từ 10h đến 113h và từ 17h đến 20h", ông nói.
Giống như nhiều người Israel khác, Zweig đổ lỗi cho Thủ tướng Netanyahu vì không ngăn được cuộc tấn công của Hamas.
"Lẽ ra chúng ta nên tiêu diệt Hamas từ lâu, nhưng thay vào đó, ông Netanyahu lại cho phép Qatar rót tiền cho họ", Zweig nói, đề cập đến quyết định từ chính quyền Netanyahu, đồng ý để Qatar chuyển hàng triệu USD vào Gaza, nơi Hamas nắm quyền điều hành, hồi năm 2018.
"Bạn không thể thay đổi họ bằng tiền. Giờ đây, cái giá phải trả để tiêu diệt Hamas lớn hơn rất nhiều", ông cho biết thêm.
Đã một tháng sau vụ đột kích và Ruby Chen vẫn chưa có tin tức gì về con trai mình, Itay, người bị Hamas bắt cóc vào ngày 7/10.
Giống như nhiều gia đình có người thân bị giam ở Gaza, Chen đang thúc đẩy chính phủ Israel làm mọi việc trong khả năng để đưa các con tin về nhà. "Đưa con tin trở về không nên là mục tiêu thứ hai mà phải là ưu tiên cao nhất", bà nói.
Tối 4/11, Chen và hàng trăm người khác tụ tập bên ngoài Kirya, yêu cầu chính phủ "có những hành động mạnh mẽ hơn" để giải cứu con tin. Họ dựng lều ở quảng trường, tuyên bố sẽ bám trụ cho đến khi con cái, anh chị em, cha mẹ, ông bà và những người thân yêu của họ được thả.
Những người tổ chức sự kiện cho biết đây không phải "một cuộc biểu tình chống chính phủ", nhưng nỗi thất vọng của họ là rõ ràng.
Trong những ngày đầu sau vụ tấn công của Hamas, nhiều gia đình con tin không muốn chỉ trích chính quyền Thủ tướng Netanyahu. Nhưng nay điều đó đã thay đổi.
Một tuyên bố mạnh mẽ do Diễn đàn Con tin và Gia đình có Người mất tích đưa ra tuần trước đã bày tỏ giận dữ khi chính phủ không tham vấn với họ về hoạt động quân sự ở Gaza.
Nhiều người muốn chính phủ cân nhắc đề nghị trao đổi tù nhân lấy con tin do Hamas đưa ra hồi tuần trước. Nhóm này yêu cầu đổi tất cả người Palestine đang bị giam trong các nhà tù Israel lấy hơn 240 con tin tại Gaza. Theo một số ước tính, Israel hiện giam 6.630 tù nhân Palestine.
Điều này gây tranh cãi vì nhiều tù nhân đã bị Israel kết án. IDF bác bỏ lời đề nghị của Hamas, gọi đây là một "công cụ tâm lý nhằm thao túng dân thường Israel".
Nhưng các gia đình cũng nói rằng không nên đồng ý với bất kỳ lệnh ngừng bắn nào nếu toàn bộ con tin chưa được trao trả.
Nhạc sĩ Yonatan Rapaport, người vừa hoàn thành nghĩa vụ quân sự bắt buộc trong lực lượng hải quân Israel, cho biết anh cũng cảm thấy thất vọng với phản ứng của thế giới trước các sự kiện ở Gaza.
"Tôi 22 tuổi và đã tham dự 4 đám tang trong 4 tuần qua, thêm hai đám tang nữa trong năm qua, khi hai người bạn của tôi thiệt mạng trong các cuộc tấn công", anh nói. "Khi mọi người hỏi 'tại sao các bạn lại tấn công Gaza?', điều khiến tôi không hiểu là phải chăng chúng tôi không có quyền bảo vệ dân chúng và binh lính của mình ư? Phản ứng tương xứng là gì? Chúng tôi đã cố gắng không giết hại dân thường".
"Cuộc xung đột này không phải là cuộc chiến trắng đen rạch ròi, mà là cuộc chiến với Hamas", anh cho biết thêm. "Có những lời chỉ trích rất xác đáng đối với chính phủ Israel, nhưng có một ranh giới rất mong manh đã bị vượt qua trong rất nhiều cuộc thảo luận giữa việc chỉ trích Israel và căm ghét người Do Thái. Bạn có thể lên án việc Israel chiếm đóng Bờ Tây hoặc Gaza, nhưng bạn đừng nên nói rằng 'vì thế mà việc giết chết 1.400 dân thường là có thể chấp nhận'".
Rapaport nói anh đã chỉ trích chính quyền Thủ tướng Netanyahu trước khi giao tranh nổ ra, phản đối kế hoạch cải cách hệ thống tư pháp do ông đề xuất.
"Sau xung đột, tôi nghĩ toàn bộ chính phủ nên ra đi. Nhưng giờ đây, chúng ta đang đối mặt một cuộc chiến. Tôi không tin tưởng ông Netanyahu với tư cách cá nhân, nhưng tôi tin ông ấy trong vai trò lãnh đạo", anh cho hay.
Tối 2/11, Rapaport đã cùng một nhóm nghệ sĩ trẻ chơi guitar và hát những bản nhạc cổ điển của Israel tại quảng trường Zion ở thành phố Jerusalem.
![Nhóm nghệ sĩ ngồi hát ở quảng trường Zion, Jerusalem, hôm 2/11. Ảnh: CNN](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2023/11/08/231106102043-03-gaza-war-israe-5601-4327-1699418197.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=_yZ_jPFUQv1XdDkYF1vbPQ)
Nhóm nghệ sĩ ngồi hát ở quảng trường Zion, Jerusalem, hôm 2/11. Ảnh: CNN
Các bài hát đi từ buồn bã đến hy vọng. Trong số đó có "Lu Yehi", một ca khúc lấy cảm hứng từ bài hát "Let It Be" của ban nhạc Beatles. Bản ballad được Naomi Shemer viết vào năm 1973 trong những ngày đầu tiên của cuộc chiến tranh Arab - Israel với niềm hy vọng về chiến thắng dành cho Israel.
Lời bài hát vang vọng giữa quảng trường Zion, gần 50 năm kể từ thời điểm ra mắt, khi Israel lại phải đối mặt với một cuộc chiến.
Vũ Hoàng (Theo CNN)