inh ra trong một gia đình nhiều đời làm gốm, Đạt trông già dặn hơn cái tuổi 35 bởi bộ râu nghệ sĩ và phong cách ăn mặc chẳng khác nhiều những người thợ xung quanh. Chiếc áo trắng cổ tàu nhăn nhúm còn lấm vết bùn, gặp anh lần đầu ít ai nghĩ rằng đây là ông chủ của xưởng gốm mỹ nghệ hơn 600m2, xưởng sản xuất hơn 1 héc-ta và kho nguyên liệu hơn 1.000 m2 lớn nhất tại làng Bát Tràng.

Chẳng riêng Đạt, ở làng Bát Tràng này, muốn giàu bằng gốm thì người chủ cũng phải lăn lộn, ăn ngủ cùng những người thợ. “Có khi chỉ sao nhãng không phát hiện ra vết gợn nhỏ trên lô hàng chuẩn bị vào lò là sáng hôm sau mất ngay 50 triệu, nên muốn thành công cái nghề này phải thực sự ăn cùng gốm, ngủ cùng gốm”, Đạt cho hay.

Phạm Ngũ Chi nhà Đạt là một trong những dòng họ có công lập và gây dựng làng nghề Bát Tràng từ thế kỷ 14-15. Ông nội là nghệ nhân gốm sứ tài danh với nhiều tác phẩm được gia đình lưu giữ đặc biệt. Ngoài đắp nặn giỏi, ông được người dân biết đến nhiều nhờ tài biểu diễn đàn Tam thập lục, đàn Nguyệt, đàn Bầu… hay các loại nhạc cụ dân tộc những khi hội hè.

Như bao dòng họ khác, chiến tranh tạo ra những đứt đoạn trong lò gốm của gia đình.

Trở về từ quân ngũ, bố mẹ Đạt đi mót từng viên gạch vỡ bên bờ sông về dựng lò, khôi phục cơ nghiệp. “Ngày đó, mẹ đi dạy học, bố đi làm hợp tác xã đến tối mới về tập trung sản xuất đến đêm. Hôm nào nhà ‘trồng lò’ vất vả lắm mới có bữa cải thiện, được ăn rau muống xào”, Đạt kể lại.

Nay ngồi ngẫm, Đạt nhận thấy chính cái nghề thủ công vất vả lại có tác dụng bồi đắp cho ý chí. Khi được hỏi tại sao tự thân anh vực dậy được lò gốm dòng họ, xây được thành công như ngày hôm nay, Đạt tự nhận mình có tính kiên trì và quyết tâm hơn người.

Ý chí đó giúp bản thân anh vượt qua những cơn bạo bệnh, ốm đau thuở nhỏ. Rồi những ngày tháng khởi nghiệp thời sinh viên đi ship từng đơn hàng thu tiền lẻ, bao đêm thức trắng nghiên cứu về thương mại điện tử, và cả thất bại ê chề, cay đắng mất tiền tỷ tưởng chừng không thể vượt qua…

rưởng thành bên lò gốm của gia đình, từ bé Đạt và anh trai đã mê những hòn đất sét muôn hình vạn trạng, biết phụ bố mẹ nặn gốm, đổ khuôn, rót tạo hình rồi làm men sản phẩm. Lò thường đun lúc chiều tối, đến mấy ngày sau mới dỡ.

“Cảm giác chờ đợi hàng ra rất hồi hộp, cả đêm háo hức mong trời sáng để chạy ra lò xem kết quả. Cảm xúc ấy chắc chỉ những người làm nghề mới thấm thía”, Đạt kể. Tình yêu với hòn đất, với gốm sứ và làng nghề truyền thống Bát Tràng đã đi vào tâm trí Đạt từ ngày đó. Do vậy, không ngạc nhiên khi hai vị thân sinh đặt kỳ vọng các con sẽ nối nghiệp gia đình.

Nhưng Đạt lại khao khát thoả chí vùng vẫy như bao lớp trẻ sinh ra từ làng.

Thi vào Đại học Kinh tế Quốc dân với mong ước của bố mẹ mai này về làm kinh tế cho làng nghề nhưng sau khi ra trường năm 2006, Đạt thử sức với ngành ngân hàng và chứng khoán, đúng thời điểm kinh tế tăng trưởng và thị trường tài chính phát triển.

Thành công, Đạt thừa thắng lập công ty riêng cùng bạn bè, đầu tư đa ngành, cuốn theo dòng chảy bất tận và lạnh lùng của thị trường tài chính “Non kinh nghiệm và sự hiếu thắng của tuổi trẻ khiến mình phải trả giá đắt khi thị trường đi xuống. Công ty thua lỗ, buộc phải đóng cửa”, Đạt ngậm ngùi.

Thất bại đến vào lúc chàng trai Bát Tràng nhiều hoài bão và khát vọng nhất của tuổi trẻ. “Từ đó, mình nhận ra phải thay đổi tư duy, phải chắc chắn thì mới làm”, Đạt nói. “Nhưng may mắn vì là con nhà nòi, mình còn có nơi để trở về”.

Với mối quan hệ trong những năm làm tài chính ở Hà Nội, Đạt nhận ra nhu cầu về gốm sứ xây dựng nên quyết định trở về làng làm gốm. Hải Long, công ty với ước mơ “rồng Việt ra biển lớn” được Đạt và em họ thành lập năm 2012 từ xưởng gốm nhỏ của gia đình. Ngói mũi hài, ngói âm dương và gạch cổ Bát Tràng lần lượt ra đời từ lò gốm. Xưởng dần lớn mạnh, sản phẩm được tham gia vào những công trình đền chùa lớn trên cả nước, các khu nghỉ dưỡng sinh thái, resort cao cấp…

Từ lò gốm gia đình quy mô 600m2, đến nay công ty đã có thêm kho chứa vật liệu hơn 1.000m2 và xưởng sản xuất rộng hơn 1 héc-ta. Đạt cũng xây dựng thành công dây chuyền nung đốt liên hoàn hiện đại bậc nhất làng nghề. Sản lượng năm sau lớn hơn năm trước 20 đến 30% mà cung vẫn không đủ cầu.

“Mọi người trong ngành gọi mình là “vua gốm sứ mỹ nghệ xây dựng”, nhưng mình chưa dám nhận”, Đạt cười. “Trong ngành nhiều các chú, các bác đi trước. Mình chỉ dám đánh chiếm phân khúc gốm sứ trang trí, phục chế các công trình cổ hoặc các khu nghỉ dưỡng. Hải Long vẫn đang trong quá trình vươn ra biển lớn”.

Trong thời gian vận hành mảng gốm xây dựng, Đạt được bố truyền dạy các sản phẩm gốm sứ mỹ nghệ gia dụng để có thêm hiểu biết và kinh doanh trên thị trường. “Mình cứ ra sản phẩm tốt, bán chạy là ngay lập tức có các đơn vị khác sản xuất y hệt, từ mẫu mã, kiểu dáng cho đến hoa văn hoạ tiết để tham gia thị trường”, Đạt kể.

Đến một ngày, chàng trai Bát Tràng nhận ra đang sản xuất những sản phẩm “same to you” – tức, những thứ mà cả làng cũng đang làm. “Mãi như vậy thì không thể bứt phá được. Mình phải tìm hướng đi mới, phải khác biệt, độc đáo và không giống ai”, Đạt quả quyết.

Các công ty hàng đầu thế giới, luôn có cách khởi đầu như vậy.

ăm 2016, nhận thấy nhu cầu lớn từ thị trường gốm dùng trong nấu ăn, tốt cho sức khoẻ nên Đạt đặt mục tiêu phải làm cho bằng được. Mày mò tài liệu từ nước ngoài, tự lùng mua nguyên liệu, tạo ra nhiều bài đất, bài men riêng… Phải đập bỏ nhiều đến nỗi không nhớ nổi bao nhiêu mẫu thử nhưng ý chí chưa bao giờ khiến anh nản lòng hay dừng lại.

“Cảm giác của đứa trẻ thả mảnh gốm vào lò ngày xưa lại trở về. Thử nghiệm bài men mới,

đưa sản phẩm vào lò rồi háo hức đến mất ngủ chờ trời sáng”, Đạt kể lại quá trình làm ra sản phẩm mới. “Mọi thứ không hề dễ dàng, mỗi lần đặt nồi lên bếp đun bị nứt là nỗi buồn lại tràn trề. Tối đến lại nghiên cứu tài liệu rồi lao vào xưởng nghiền đất, bóp lọc đất, đun lò, rồi lại chờ đợi”.

Hơn một năm, Hải Long cho ra đời NodaCook, bộ nồi gốm sứ nấu ăn chuyên dụng có khả năng chịu nhiệt lên tới 600 độ C, độ bền cao mà không lo nứt vỡ trong các thử nghiệm tự thực hiện. Anh cho biết, NodaCook là dòng sản phẩm nồi chịu nhiệt được sản xuất đầu tiên tại Bát Tràng và là duy nhất cho đến nay do người Bát Tràng nghiên cứu thực hiện.

Vấn đề lại phát sinh khi khách hàng muốn nồi đất phải nấu được trên những bếp từ hiện đại thay vì bếp ga truyền thống. Đạt lại mày mò tìm công nghệ để đưa hai lớp truyền từ dưới đáy nồi. Bài men và bài đất cũng phải ứng dụng công nghệ mới hoàn toàn bởi lớp truyền từ tăng nhiệt độ lên rất sốc, nồi đất thông thường sẽ nứt vỡ ngay.

Hơn một năm sau, NodaCook hoàn thiện sản phẩm nồi đất đun trên bếp từ. Sản phẩm mới chịu được ngưỡng sốc nhiệt lớn từ 30-600 độ c trên bếp từ mà không bị nứt, tiện lợi hơn khi sử dụng trong gian bếp.

“Nhiều nhà hàng đã ‘nghiện’ nồi đất NodaCook vì từng thử qua nhiều dòng nồi đất khác nhau, nhưng nhanh bị nứt vỡ còn NodaCook lại bền, không phải thay thế dù đầu bếp nhà hàng dùng rất bỗ bã, chứ không nâng niu như dùng ở nhà”, Đạt nói.

Nấu ăn bằng nồi đất được nhiều gia đình sử dụng bởi truyền nhiệt đều và giữ được nhiệt lâu nên thức ăn sẽ chín từ từ mà không chị cháy xém. Các món ăn hàng ngày như kho, luộc, chiên đều có thể sử dụng nồi đất.

Sử dụng nồi đất, các món ăn được truyền và giữ nhiệt đều và lâu hơn so với nồi kim loại thông thường. Các món ăn hàng ngày như kho, luộc, chiên… thức ăn sẽ chín từ từ mà không bị cháy xém. Thậm chí, nồi đất NodaCook có thể nướng khoai rất ngon, món dân dã ít còn gặp trong căn bếp hiện đại.

“Nồi đất trên thị trường vốn toàn màu đen, bởi khi đun trên bếp ga thường bị ám khói, không rửa sạch được nên rất xấu. Giờ thì nồi nhà mình nấu được trên bếp từ rồi, nên mình thích chọn màu gì cũng được”, Đạt lý giải về sự khác biệt trong sản phẩm của mình. “Chọn màu vàng hoàng thổ, NodaCook mang diện mạo mới phù hợp hơn với những căn bếp sang trọng, hiện đại”.

Gốm sứ Hải Long - Men tráng thành phẩm từ đam mê
 
 

Không dừng ở đó, trong một lần đọc báo về gốm sứ gia dụng Nhật Bản được tráng lớp men diệt vi khuẩn đặc biệt, Đạt lại tìm cách ứng dụng và tạo ra công nghệ mới cho NodaCook. Dòng men diệt vi khuẩn ứng dụng công nghệ Nano Titan Dioxide ra đời, được tráng vào sản phẩm giúp tăng khả năng diệt vi khuẩn có hại và nấm mốc. Ngoài ra, công nghệ mới còn tăng độ cứng của men nhờ hiệu ứng kết tinh Titan oxit.

“Men sứ NodaCook có độ kháng khuẩn lên đến 88% chỉ sau 6h với chủng vi khuẩn tiếp xúc với bề mặt men sứ”, Đạt cho biết khi kiểm nghiệm trên khuẩn E Coli tại Viện Pasteur, TP. HCM. “Có người hỏi nồi đun thì vi khuẩn nào chịu được, nhưng thực ra nếu dùng xong mà không được rửa sạch hoàn toàn, vẫn có khả năng vi khuẩn lưu lại trong nồi. Nhiều gia đình không chỉ sử dụng nồi để nấu, mà dùng để đựng thức ăn”.

ù được ứng dụng công nghệ mới, nhưng bộ sản phẩm NodaCook được cấu thành từ vật liệu tự nhiên quen thuộc hàng trăm năm nay của Bát Tràng như đất sét, cao lanh và tràng thạch. Xương đất được tinh luyện trong 72h, nung ở nhiệt độ 1.200 độ C giúp nồi có độ kết khối cao nhất và bền bỉ nhất. Lớp men sứ có độ cứng rất cao giúp chống dính tự nhiên khi nấu ăn và chịu chùi rửa tốt khi sử dụng hàng ngày. Ngoài ra, công nghệ Nano Titan Dioxit tăng khả năng diệt vi khuẩn và nấm mốc khi không sử dụng.

Cùng thời điểm ra mắt bộ nồi sứ Noda kháng khuẩn, nghệ nhân Phạm Tuấn Đạt ngẫu hứng chế tác dòng sản phẩm “Nồi Hoàng Cung” với các kiểu dáng cổ, họa tiết đươc vẽ vàng thủ công tinh xảo. Bộ sản phẩm này được tạo ra với cảm hứng phục vụ những món ăn cầu kỳ như: Mắt cá hồi tiềm thuốc bắc, Phật nhảy tường, cháo sâm cầm…

Ra thị trường, bộ sản phẩm NodaCook của gốm sứ Hải Long nhận được nhiều phản hồi tích cực. Đạt đã nghĩ đến những thị trường lớn như Nhật Bản, Hàn Quốc… để gốm Bát Tràng đến gần hơn với cuộc sống, hơi thở hàng ngày trong gian bếp của khắp mọi nhà. Khi được hỏi về giá của mỗi chiếc nồi NodaCook, Đạt nói giá mỗi chiếc nồi rất hợp lý. “Ý niệm của mình về sản phẩm là lan tỏa những điều tốt đẹp đến đại đa số các gia đình, được chăm sóc sức khỏe, có những món ăn ngon mà không phải lo lắng về giá tiền”.

Tuổi trẻ từng đi tìm kiếm những giá trị mới, nhưng giờ đây, thế hệ tiếp theo sinh ra từ làng như nghệ nhân Phạm Tuấn Đạt đã truyền cảm hứng cho không ít những người khởi nghiệp từ nghề truyền thống. Sống làm trai Bát Tràng, được vùng vẫy thỏa chí đam mê, được ăn những món đặc sản của làng do vợ nấu trên bộ nồi vừa mang hơi thở truyền thống vừa dùng công nghệ hiện đại. Đạt bảo hài lòng vì điều giản dị đó.

Nhưng không dừng lại, anh vẫn tiếp tục mơ về những kế hoạch mới để đưa hòn đất Bát Tràng tiếp tục đi xa, đưa Hải Long thực sự vươn ra biển lớn như nghĩa đen của cái tên nhiều kỳ vọng.