Ngoại trừ chứng động kinh, Teresa Franzese, 47 tuổi, vẫn rất khỏe mạnh. Nhưng đầu tuần trước, cô xuất hiện các triệu chứng nhiễm nCoV, sau đó qua đời vào tối 7/3.
Chiều hôm sau, em trai của Teresa, Luca Franzese, một diễn viên từng xuất hiện trong series truyền hình Gomorra, đăng video lên Facebook để cầu xin chính quyền giúp đỡ khi nhân viên nhà tang lễ từ chối tới tiếp nhận thi thể chị gái anh do lo ngại nhiễm nCoV.
"Tôi đăng video này vì lợi ích của Italy cũng như của thành phố Naples. Chị tôi qua đời đêm qua, có lẽ là do nhiễm nCoV, và tôi vẫn phải chờ câu trả lời từ đó đến giờ", Luca nói.
Teresa chỉ được xét nghiệm nCoV sau khi chết theo yêu cầu của em trai cô, và có kết quả dương tính với virus.
"Tôi phải ép họ đến làm xét nghiệm. Giờ tôi phải tự cách ly vì rất có thể đã nhiễm virus, sau khi tìm cách hồi sức cho chị gái bằng cách hà hơi thổi ngạt. Không ai quan tâm và không ai giúp đỡ. Chúng tôi thực sự suy sụp khi bị bỏ rơi. Nhưng chúng tôi phải truyền sức mạnh cho những người khác", Luca nói trong đoạn video.
Ngoài Luca, bố mẹ của Teresa và các thành viên khác sống trong căn nhà cũng đã được xét nghiệm nCoV và đang chờ kết quả.
"Đây là trường hợp đầu tiên nhiễm nCov chết tại nhà riêng ở Italy, nên chúng tôi có những lúng túng trong cách xử lý. Gia đình này là một tấm gương cho ý thức nỗ lực làm mọi thứ có thể để bảo vệ cộng đồng. Đổi lại, những hàng xóm xung quanh cũng giúp đỡ họ bằng cách mang đồ ăn tới cho", Francesco Emilio Borrelli, thành viên hội đồng địa phương và Ủy ban Y tế vùng Campania, nói.
"Vấn đề lớn nhất hiện giờ là gia đình đó đã bị cách ly trong nhà khoảng 4 ngày và không ai tới dọn rác cho họ. Điều này sẽ gây mất vệ sinh nhưng chúng tôi không biết phải xử lý nó thế nào. Cần có ai đó tới giúp họ", ông nói thêm.
Teresa là trường hợp tử vong thứ tư vì nCoV ở Campania, vùng miền nam Italy tới nay đã ghi nhận 122 ca nhiễm.
Sau khi đoạn video của Luca được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội, nhà tang lễ Aprea đã đồng ý cử người tới thu thập thi thể của Teresa đi mai táng.
"Công việc lần này thực sự kỳ lạ. Chúng tôi phải đeo khẩu trang, kính, găng tay, bao giày và bộ đồ bảo hộ kín mít. Luca và một người thân khác ở cạnh thi thể, trong khi những thành viên còn lại của gia đình ở trong căn phòng khác", Pasquale Pernice, nhân viên nhà tang lễ Aprea ở Naples, nói.
Thi thể của Teresa được các nhân viên nhà tang lễ đưa tới nghĩa trang và chôn cất, nhưng không thành viên nào trong gia đình được đi theo.
"Nếu tình hình dịch bệnh tiếp tục xấu đi và chúng tôi phải đương đầu với tình huống này lần nữa, tôi vẫn sẽ làm bởi đó là công việc của chúng tôi", Pernice nói.
Thủ tướng Italy Giuseppe Conte từ ngày 9/3 áp lệnh phong tỏa trên toàn quốc nhằm ngăn chặn Covid-19. Với sắc lệnh mới của ông Conte, tất cả hoạt động và dịch vụ xã hội đều bị cấm, bao gồm cả tang lễ. Italy hiện là vùng dịch lớn thứ hai thế giới, sau Trung Quốc đại lục, với hơn 10.000 ca nhiễm và 631 trường hợp tử vong.
Thanh Tâm (Theo Al Jazeera)