Trong cuộc phỏng vấn được công bố hôm 27/12, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba cho rằng châu Âu đang không sản xuất đủ vũ khí để đáp ứng nhu cầu nội địa và viện trợ cho Kiev, đồng thời bày tỏ lo ngại về lợi thế công nghiệp của Nga khi chiến sự tiếp tục kéo dài.
"Châu Âu không biết cách tiến hành chiến tranh. Sản xuất vũ khí không phải lĩnh vực kinh doanh phổ biến nhất. Không may là những người bạn của chúng tôi đã dành quá nhiều thời gian để thảo luận về cách thức, thời điểm tăng cường sản xuất vũ khí", ông nói.
Mỹ và các đồng minh đã viện trợ nhiều loại vũ khí hiện đại cho Ukraine như hệ thống phòng không Patriot, pháo phản lực HIMARS và tên lửa chiến thuật ATACMS, xe tăng Leopard và Abrams, giúp cải thiện đáng kể năng lực chiến đấu của Kiev so với đầu chiến sự.
Tuy nhiên, nỗ lực này đã gần như "vét cạn" kho vũ khí dự trữ của châu Âu mà không có nguồn bù đắp, trong bối cảnh các nước hàng chục năm qua liên tục cắt giảm ngân sách quốc phòng để tập trung phát triển kinh tế.
Không rõ phương Tây có thể duy trì mức độ viện trợ như vậy trong bao lâu, khi chiến sự chưa có dấu hiệu kết thúc. Quốc hội Mỹ vẫn chưa thông qua gói viện trợ 61 tỷ USD cho Ukraine, trong khi Hungary cũng chặn gói viện trợ trị giá 50 tỷ euro mà Liên minh châu Âu (EU) định chuyển cho Kiev.
Ông Kuleba nhấn mạnh châu Âu có lợi thế rõ ràng về công nghệ, nhưng rào cản lớn nhất là mở rộng dây chuyền chế tạo và tốc độ xuất xưởng khí tài. Ông cũng cho rằng chủ nghĩa bảo hộ với công nghệ nội địa đang khiến phương Tây ngày càng chia rẽ về vấn đề sản xuất vũ khí.
Ngoại trưởng Kuleba thừa nhận Nga đã thành công trong nỗ lực chuyển đổi sang nền kinh tế thời chiến, đánh giá Moskva đã xây dựng được chuỗi cung ứng rất phức tạp và tận dụng mạng lưới tình báo để bảo đảm nguồn cung linh kiện cho vũ khí.
"Ngành công nghiệp quốc phòng Nga do chính phủ sở hữu và dễ tăng tốc sản xuất hơn. Ngay cả khi trở thành quốc gia bị cấm vận nhiều nhất thế giới, Nga vẫn có thể đặt nền công nghiệp vào chế độ thời chiến và tăng sản lượng", ông cho hay.
Kể từ khi xung đột bắt đầu năm ngoái, các đồng minh phương Tây đã cam kết hỗ trợ Ukraine hơn 274 tỷ USD, trong đó gần 152 tỷ USD viện trợ tài chính, 105 tỷ USD quân sự và khoảng 17 tỷ USD nhân đạo.
Tuy nhiên, ngày càng xuất hiện nhiều dấu hiệu rạn nứt trong thành trì ủng hộ Ukraine của phương Tây, khi cuộc phản công mong đợi của Kiev không mang lại đột phá và sự chú ý của thế giới tập trung vào xung đột Israel - Hamas.
Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius tháng trước thừa nhận EU không thể đạt mục tiêu cung cấp một triệu viên đạn pháo 155 mm cho Ukraine trước tháng 3/2024 như kế hoạch. Ngoại trưởng Kuleba sau đó nói rằng EU mới chuyển 300.000 viên đạn pháo trong cam kết.
Vũ Anh (Theo Kyiv Independent, Reuters)