"Hiến chương Liên Hợp Quốc cho phép một đất nước được tấn công các mục tiêu quân sự khi bảo vệ nền độc lập của mình. Vì vậy, tôi cho rằng những cuộc tấn công như vậy của Ukraine là hợp pháp", Ngoại trưởng Phần Lan Elina Valtonen ngày 3/4 nói bên lề hội nghị ngoại trưởng NATO ở Brussels, Bỉ.
Bộ trưởng Quốc phòng Phần Lan Antti Hakkanen hồi cuối tháng 2 cũng nói rằng Ukraine hoàn toàn có thể sử dụng vũ khí do nước này cung cấp để tập kích các mục tiêu trên lãnh thổ Nga.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tháng trước khiến nhiều người kinh ngạc khi nói không loại trừ khả năng triển khai quân tới Ukraine. Ngoại trưởng Phần Lan Valtonen khi đó thừa nhận việc phương Tây điều quân tới Ukraine có khả năng xảy ra "trong dài hạn".
Tại Brussels, khi được hỏi liệu Phần Lan có đưa quân đến Ukraine hay không, Ngoại trưởng Valtonen nói điều đó rất khó xảy ra trong tương lai gần.
Từ khi chiến sự bùng phát, Ukraine thường xuyên sử dụng máy bay không người lái tấn công hạ tầng năng lượng Nga, gồm nhà máy lọc dầu, cơ sở lưu trữ nhiên liệu và các địa điểm khác.
Ukraine hôm 2/4 tấn công nhà máy lọc dầu và nhà máy lắp ráp máy bay không người lái ở Cộng hòa Tatarstan thuộc Nga, cách biên giới hơn 1.000 km. Đây là cuộc tấn công xa nhất bên trong lãnh thổ Nga mà Ukraine thực hiện trong hơn hai năm qua.
Các thành viên NATO có quan điểm không đồng nhất về những cuộc tấn công của Ukraine vào lãnh thổ Nga. Một số nước cảnh báo động thái như vậy có nguy cơ leo thang căng thẳng và gây bất ổn thị trường năng lượng toàn cầu, trong khi những nước khác nhấn mạnh Ukraine nên được tự do thực hiện quyền tự vệ.
Phát biểu tại Paris đầu tuần này, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết Washington "không ủng hộ cũng như không hỗ trợ" các cuộc tấn công của Ukraine bên ngoài biên giới được quốc tế công nhận. Trong khi đó, Ngoại trưởng Pháp Stephane Sejournet nói Kiev đang hành động "trong khuôn khổ phòng vệ chính đáng".
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg hồi tháng 2 khẳng định Ukraine có quyền tấn công mục tiêu quân sự Nga bên ngoài lãnh thổ, kể cả bằng các loại vũ khí do phương Tây cung cấp. Đây là lần đầu tiên ông Stoltenberg công khai ủng hộ Ukraine tấn công lãnh thổ Nga bằng khí tài phương Tây.
Phần Lan đã chấm dứt hàng thập kỷ không liên kết khi gia nhập NATO đầu năm ngoái, để phản ứng với chiến dịch của Nga ở Ukraine. Phát biểu bên lề hội nghị đánh dấu 75 năm thành lập NATO, Ngoại trưởng Valtonen cho biết Phần Lan hiện cảm thấy an toàn hơn với tư cách thành viên của khối.
Nga tuyên bố không cảm thấy bị đe dọa khi Phần Lan gia nhập NATO. Tổng thống Vladimir Putin hồi tháng 12/2023 cho biết Moskva và Helsinki có "mối quan hệ thân thiết nhất" trước khi Phần Lan gia nhập NATO.
Ngay sau đó, Phần Lan chứng kiến làn sóng người xin tị nạn từ Trung Đông, châu Phi và các khu vực khác gia tăng, tất cả đều xuất phát từ biên giới Nga. Phần Lan đã đóng cửa biên giới đất liền với Nga để đáp trả, đồng thời cáo buộc Moskva sử dụng người tị nạn nhằm gây bất ổn, song Nga phủ nhận.
Phần Lan và Nga có chung đường biên giới dài hơn 1.300 km trên bộ, nhưng trước đây có rất ít hoạt động của con người. Phần biên giới hai nước từng được ngăn cách bằng một hàng rào thấp, chủ yếu nhằm ngăn gia súc và vật nuôi đi lạc.
Phần Lan từ tháng 4/2023 bắt đầu dựng hàng rào an ninh bằng lưới thép, có trang bị hệ thống giám sát ở biên giới với Nga. Dự kiến tới cuối năm 2026, khoảng 200 km hàng rào sẽ được xây dựng tại những đoạn quan trọng nhất dọc biên giới hai nước.
Huyền Lê (Theo Moscow Times, Reuters)