Triều Tiên được đánh giá là nước có nguy cơ chịu thiệt hại nặng nề nếu phải đương đầu với dịch bệnh và hệ thống y tế của nước này hiện tại không đủ để đối phó.
Đến nay, Triều Tiên tuyên bố chưa ghi nhận ca nhiễm nCoV nào nhưng giới quan sát hoài nghi về tính chính xác của thông tin này. Chuyên gia nhận định dịch bệnh bùng phát sẽ gây hệ quả khủng khiếp đối với đại bộ phận người dân Triều Tiên, vốn có sức khỏe yếu và nhiều người còn lâm vào tình trạng suy dinh dưỡng.
Trước dịch Covid-19, Triều Tiên đã cho thấy thái độ cương quyết một cách bất thường về yêu cầu phải ngăn virus lây lan, gọi đây là nhiệm vụ "sống còn của quốc gia", đồng thời kêu gọi thực hiện các biện pháp "mang tính cách mạng".
Truyền thông nhà nước và các quan chức liên tục nhấn mạnh Triều Tiên chưa xác nhận ca nhiễm bệnh nào song cảnh báo không ai được phép lơ là cảnh giác.
Thông tin về những biện pháp "cường độ cao" nhằm ngăn chặn virus cũng như yêu cầu phải giữ gìn vệ sinh có trách nhiệm được tuyên truyền gần như mỗi ngày.
Hình ảnh nhân viên y tế trong trang phục bảo hộ thực hiện nhiệm vụ tẩy trùng không gian công cộng và giáo dục người dân về các triệu chứng bệnh xuất hiện dày đặc trên phương tiện truyền thông.
Triều Tiên khẳng định hệ thống y tế công cộng của họ ở đẳng cấp thế giới. Nhưng các chuyên gia quốc tế cho rằng thực tế không như những gì họ nói khi mà một số bệnh viện hiện nay thậm chí còn thiếu cả điện và nước.
Điều kiện vật chất tại những cơ sở y tế bên ngoài thủ đô Bình Nhưỡng đa phần không đạt tiêu chuẩn. Không ít chuyên gia lo ngại các ca nhiễm bệnh, nếu có, cũng khó được phát hiện ở những vùng nông thôn.
Về lý thuyết, Triều Tiên cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe toàn diện miễn phí đến mọi người dân tại các trung tâm y tế do chính phủ điều hành, tuy nhiên, hệ thống này được cho là chỉ phục vụ giới tinh hoa.
Trong bài viết với tiêu đề "Hỏi một người Triều Tiên" đăng trên trang tin NK News, Tae-il Shim, một người đào tẩu khỏi Triều Tiên, cho biết người dân vào những năm 1970, 1980, dưới thời cố chủ tịch Kim Nhật Thành, còn được điều trị tốt hơn hiện nay.
"Việc thiếu sự chuẩn bị đối phó với dịch bệnh có thể làm suy yếu bộ máy cầm quyền ở Triều Tiên và gây bất ổn trong nội bộ quốc gia", Kevin Shepard, nhà phân tích chính sách quốc phòng, nhận định.
Năm 2019, Triều Tiên được liệt vào một trong những quốc gia yếu nhất thế giới về mức độ sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh, theo Chỉ số An ninh Sức khỏe Toàn cầu do Đại học Johns Hopkins, Mỹ, công bố.
Hoài nghi cũng đang gia tăng về khả năng xét nghiệm phát hiện virus của Triều Tiên, dù truyền thông nhà nước không ngừng đưa tin về hiệu quả hoạt động của các nhà máy sản xuất bộ dụng cụ xét nghiệm, khẩu trang hay chất khử trùng.
Mặt khác, các biện pháp trừng phạt còn giới hạn khả năng thu mua, nhập khẩu những thiết bị y tế tiên tiến. Lãnh đạo Kim Jong-un năm ngoái phải thừa nhận Triều Tiên đang "thiếu trầm trọng" trang bị y tế chất lượng cao.
Bình Nhưỡng đã tuyên bố mối đe dọa từ dịch Covid-19 là "tình trạng khẩn cấp quốc gia" và thực hiện một số bước đi quyết liệt.
Triều Tiên là một trong những nước đầu tiên đóng cửa biên giới với Trung Quốc, nơi khởi nguồn dịch bệnh, đồng thời cấm tất cả du khách nước ngoài. Họ cũng hoãn các chuyến bay và tàu hỏa đến và đi khỏi Trung Quốc, Nga.
Triều Tiên còn nới rộng thời gian cách ly đối với người nước ngoài từ 15 lên 30 ngày, thậm chí áp đặt các hạn chế với những nhân viên cứu trợ và cơ quan y tế quốc tế. Mới đây, Bình Nhưỡng đã từ chối yêu cầu của Anh đưa các công dân nước này đang bị cách ly tại Triều Tiên hồi hương. Tất cả hàng hóa cập cảng Triều Tiên hiện đều bị giữ trong các khu vực cách ly 10 ngày.
Triều Tiên được cho là còn ra lệnh hỏa táng bắt buộc đối với người qua đời trong thời gian dịch bệnh, cấm tụ tập đông người và đóng cửa trường học trên cả nước một tháng.
Trong quá khứ, cách Triều Tiên phản ứng với dịch Ebola hồi năm 2014 và dịch SARS năm 2003 ít quyết liệt hơn nhiều so với dịch Covid-19 hiện nay.
Triều Tiên đưa ra thông báo về dịch Ebola chậm hơn nhiều so với thế giới, khoảng 8 tháng sau khi dịch bệnh lây lan ở Tây Phi. Họ cấm du khách nước ngoài vào Triều Tiên, cấm người Triều Tiên xuất ngoại và theo dõi y tế những người mang quốc tịch nước ngoài trong 21 ngày.
Năm 2003, Triều Tiên không đóng cửa toàn bộ biên giới trong dịch SARS cũng như chỉ cấm nhập cảnh đối với người dân đến từ một số khu vực nhất định bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Các chuyến bay tới Bắc Kinh bị đình chỉ trong vòng một tháng và người nước ngoài muốn nhập cảnh vào Triều Tiên phải có giấy chấp thuận đặc biệt. Người đến từ các quốc gia có dịch bị cách ly trong 10 ngày.
Hồi năm 2009, Triều Tiên ban đầu không công bố bất kỳ ca nhiễm cúm A H1N1 nào nhưng nhiều tháng sau, nước này ghi nhận 9 trường hợp mắc bệnh.
"Cách Triều Tiên xử lý dịch Covid-19 chặt chẽ một cách bất thường so với những dịch bệnh trong quá khứ, phản ánh mối lo ngại sâu sắc của chính quyền đối với vấn đề" Minyoung Lee, nhà phân tích cấp cao tại trang tin NK News, bình luận.
Vũ Hoàng (Theo BBC)