"Hàng trăm lính đánh thuê nước ngoài ở Ukraine đã bị tiêu diệt bởi vũ khí chính xác tầm xa của Nga ngay sau khi họ đến Ukraine để tham gia khóa huấn luyện", Bộ Quốc phòng Nga hôm nay cho biết. "Hầu hết bị tiêu diệt trong các khu vực chiến đấu do trình độ đào tạo thấp và thiếu kinh nghiệm thực chiến".
Quân đội Nga nói rằng họ đã nỗ lực ngăn chặn sự xuất hiện của lính đánh thuê nước ngoài tại Ukraine suốt nhiều tháng qua. Theo Bộ Quốc phòng Nga, kể từ đầu tháng 5, sự xuất hiện của lính đánh thuê nước ngoài "hầu như cạn kiệt", giảm gần một nửa so với con số 6.600 ở thời điểm bắt đầu chiến sự và chỉ còn khoảng 3.500.
"Những nỗ lực khẩn cấp của Kiev nhằm đảm bảo sự bảo vệ hợp pháp cho lính đánh thuê, đưa họ vào danh sách các đơn vị Lực lượng Vũ trang Ukraine hay Vệ binh Quốc gia, hoặc cấp hộ chiếu công dân Ukraine cho họ, sẽ không cứu được bất kỳ ai", người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov nói, đồng thời cáo buộc lính đánh thuê nước ngoài muốn rời đi nhưng bị chính phủ Ukraine cản trở.
Trước đó, Bộ Quốc phòng Nga nói chính quyền Ukraine đã tuyển mộ gần 7.000 lính đánh thuê từ 63 quốc gia để tham chiến, trong đó nhiều người đã bỏ trốn, bị giết hoặc bị bắt làm tù binh. Hầu hết lực lượng này được triển khai ở Kiev, Kharkov, Odessa, Mykolaiv và Mariupol.
Đại sứ Nga tại Áo Dmitry Lyubinsky cáo buộc đại sứ quán Ukraine tại Áo tuyển mộ lính đánh thuê nước ngoài để chiến đấu chống lại quân đội Nga tại Ukraine.
Ukraine hiện chưa bình luận về thông tin trên.
Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace cho hay nước này sẽ cung cấp Tổ hợp Pháo phản lực Phóng loạt M270 (MLRS) cho Ukraine, có thể tấn công các mục tiêu cách xa tới 80 km, "tăng cường đáng kể năng lực cho các lực lượng Ukraine".
Động thái chuyển giao M270 của Anh được phối hợp chặt chẽ với Mỹ sau khi nước này quyết định cung cấp cho Ukraine Tổ hợp Pháo phản lực Cơ động cao M142 (HIMARS), Bộ Ngoại giao Anh cho biết.
"Khi chiến thuật của Nga thay đổi, chúng tôi phải hỗ trợ Ukraine. Các tổ hợp pháo phản lực phóng loạt này cho phép Ukraine tự vệ tốt hơn khi Nga pháo kích tầm xa dữ dội", Bộ trưởng Quốc phòng Anh nói.
Theo chính phủ Anh, quân đội Ukraine sẽ được đào tạo tại Anh cách sử dụng các bệ phóng này để vũ khí phát huy hiệu quả tối đa.
Thống đốc tỉnh Lugansk Serhiy Gaidai nói rằng khoảng 800 người dân đang ẩn náu trong một số hầm trú bom thời Liên Xô bên dưới nhà máy hóa chất Azot ở thành phố Severodonetsk.
"Có dân địa phương ở đó, những người được yêu cầu rời khỏi thành phố nhưng họ từ chối. Trẻ em cũng đang ở đó, nhưng không nhiều", quan chức này cho hay.
Giới chức Ukraine thông báo lực lượng Nga tiếp tục tấn công nhà máy Azot và "đánh trúng một tòa nhà hành chính cùng một kho chứa metanol", song không rõ lượng metanol còn lại ở đó là bao nhiêu.
Oleksii Hromov, Cục phó Cục Tác chiến Bộ Tổng tham mưu, cho biết lực lượng đang bảo vệ Severodonetsk sẽ không rút lui, dù thừa nhận khả năng thành phố rơi vào tay lực lượng Nga.
"Trong trường hợp mất Severodonetsk, chúng tôi sẽ buộc phải phòng thủ dọc theo bờ sông và cũng sẽ chiến đấu từ các khu vực đô thị", Hromov nói, đề cập sông Donets chia cách Severodonetsk và thành phố Lysychansk.
Quân đội Ukraine đã tiến hành nhiều cuộc phản công ở Severodonetsk, nhưng lực lượng Nga vẫn kiểm soát 80% khu vực đô thị này.
Pavlo Kyrylenko, thống đốc tỉnh Donetsk, cho biết một số khu vực ở tỉnh này liên tục bị tấn công rocket, bao gồm thành phố Bakhmut và Slovyansk.
Quân đội Nga cũng đang "di chuyển dọc theo hướng Lyman-Izyum để giành quyền kiểm soát Sloviansk và Kramatorsk", trong khi đường cao tốc từ Bakhmut đến Lysychansk vẫn nằm trong tầm bắn của phía Nga.
Theo quan chức này, ít nhất 7 người đã thiệt mạng và 10 người khác bị thương trong 24 giờ qua ở Donetsk. Trước chiến sự, dân số của tỉnh là 1,6 triệu nhưng hiện chỉ còn 340.000.
Nhà Trắng hôm nay thông báo áp vòng trừng phạt mới nhất đối với Nga vì chiến dịch quân sự ở Ukraine, nhắm vào các quan chức chính phủ và giới tinh hoa Nga bằng loạt các biện pháp trừng phạt tài chính và ngoại giao.
Một trong những doanh nhân bị đưa vào danh sách trừng phạt mới nhất là God Nisanov, người mà Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken mô tả là "một trong những người giàu nhất châu Âu và là cộng sự thân cận của một số quan chức Nga", trong đó có người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova.
Nhà Trắng khẳng định động thái mới nhất nhằm siết chặt các biện pháp trừng phạt để "tăng cường thực thi và gia tăng áp lực đối với Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng như những người hỗ trợ ông".
Văn phòng Kiểm soát Tài sản Nước ngoài của Bộ Tài chính Mỹ xác định hai du thuyền "Graceful gắn cờ Nga và Olympia gắn cờ Quần đảo Cayman" là "tài sản bị phong tỏa mà Tổng thống Putin quan tâm". Theo Bộ Tài chính Mỹ, ông Putin từng nhiều lần sử dụng các du thuyền này, gần nhất là vào năm ngoái.
Lệnh trừng phạt còn nhắm vào hai du thuyền khác là Shellest và Nega, đều thuộc sở hữu của các công ty Nga.
Các biện pháp trừng phạt cũng nhằm vào "bạn thân" của ông Putin, Sergei Pavlovich Roldugin và vợ của ông này là Elena Yuryevna Mirtova. Bộ Tài chính Mỹ khẳng định Roldugin là "cha đỡ đầu của một trong hai con gái của ông Putin". Roldugin là giám đốc nghệ thuật của Nhà hát âm nhạc St.Petersburg và Mirtova là ca sĩ opera.
5 quan chức chính phủ Nga bị đưa vào danh sách trừng phạt mới của Mỹ bao gồm Yury Slyusar, chủ tịch một công ty máy bay quốc doanh, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Vitaly Savelyev, Bộ trưởng Phát triển kinh tế Maxim Reshentnikov, Bộ trưởng Xây dựng Irek Envarovich Faizullin và Phó thủ tướng Dmitriy Yuryevich Grigorenko.
Các cá nhân và tổ chức nằm trong danh sách bị đóng băng tài sản tại Mỹ. Lệnh trừng phạt cũng cấm mọi hoạt động hợp tác, giao dịch và đầu tư từ Mỹ với cá nhân hay tổ chức trong danh sách đen, trừ trường hợp được Văn phòng Kiểm soát Tài sản Nước ngoài (OFAC) cấp phép đặc biệt.
Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn (UNHCR) tới nay đã ghi nhận hơn 6,8 triệu người Ukraine rời đất nước sau ngày 24/2, thời điểm Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc (OHCR) ước tính giao tranh ở Ukraine đã khiến ít nhất 4.169 dân thường thiệt mạng và 4.982 người bị thương, nhưng cảnh báo con số thực tế có thể cao hơn.
Sau cuộc hội đàm với Tổng thống Biden, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói rằng phương Tây phải chuẩn bị cho một "cuộc chiến tiêu hao kéo dài" ở Ukraine. "Người Ukraine đang phải trả một cái giá đắt để bảo vệ đất nước, nhưng chúng tôi cũng thấy rằng Nga đang phải gánh chịu nhiều thương vong", ông nói.
Trong khi nhắc lại rằng NATO không muốn đối đầu trực tiếp với Nga, ông Stoltenberg nhấn mạnh liên minh có "trách nhiệm" hỗ trợ Ukraine vì "vị thế trên bàn đàm phán liên quan trực tiếp đến tình hình thực địa".
Huyền Lê (Theo AFP, CNN, Sputnik)