"Đây là đợt mưa lũ hiếm gặp ở miền Bắc", ông Mai Văn Khiêm - Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn (KTTV) Quốc gia, nói.
Sau bão Yagi, lượng mưa lớn đẩy mực nước nhiều sông ở Bắc Bộ như sông Hồng, Thái Bình, sông Thao, sông Lô... vượt báo động 3 (BĐ3) - mức lũ nguy hiểm nhất - từ 3 đến 4 m. Đặc biệt, mực nước sông Thao tại Lào Cai và Yên Bái đã vượt giá trị lịch sử từng được ghi nhận.
Đến nay, 20/25 tỉnh, thành phía Bắc ghi nhận tình trạng ngập lụt quy mô lớn, với nhiều giá trị vượt ngưỡng.
Dữ liệu trên các trạm quan trắc cho thấy, mực nước sông lên rất nhanh và liên tục tăng cấp báo động từ ngày 7/9, khi bão Yagi đổ bộ. Trạm Lào
Cai ở thượng nguồn sông Thao ghi nhận mức tăng cao nhất. Đây cũng là tỉnh thiệt hại nặng nề nhất sau bão với 82 người chết
và 95 người mất tích tính đến nay.
Chỉ hai ngày sau bão, lũ sông Thao vượt đỉnh lịch sử tồn tại 53 năm, sông Cầu vượt kỷ lục 65 năm. Tại Hà Nội, mực nước sông cũng ghi nhận mực
nước cao nhất 20 năm.
Lũ lụt lịch sử lần này chủ yếu do đợt mưa lớn nhất Bắc Bộ hơn 30 năm, cả về lưu lượng lẫn diện tích.
Yagi được xem là cơn bão dị thường, tạo ra lượng nước khổng lồ trút xuống vùng núi phía Bắc. Theo ông Khiêm, đợt mưa năm nay phổ biến 150-300 mm, vượt qua giai đoạn mưa lớn nhất từng ghi nhận sau bão Hagupit năm 2008.
Tại 83/84 trạm đo, lượng mưa cao hơn 4-6 lần so với trung bình nhiều năm trong 10 ngày đầu tháng 9. Ví dụ, trạm Sa Pa (Lào Cai) ghi nhận 517 mm, cao hơn 440%; Lục Yên (Yên Bái) 503 mm, cao hơn 461%; Định Hóa (Thái Nguyên) 545 mm, cao hơn 677%; Sơn Động (Bắc Giang) 386 mm, cao hơn 488% so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.
"Điều này cho thấy mức độ bất thường và nghiêm trọng của đợt mưa lũ này. Đây là dấu hiệu cảnh báo biến đổi khí hậu và yêu cầu biện pháp ứng phó khẩn cấp để đảm bảo an toàn cho người dân, giảm thiểu thiệt hại", ông Khiêm nói.
Để ngăn lũ, hai giải pháp cơ bản là: điều tiết nước trên hồ chứa thuỷ điện dọc thượng du nhằm cắt lũ, và hệ thống đê điều nhằm ngăn lũ trên sông.
Vùng núi Bắc Bộ có 4 hồ chứa lớn với tổng dung tích phòng lũ 8,5 tỷ m3, gồm hồ Sơn La (sông Đà - 4 tỷ m3); Hoà Bình (sông Đà - 3 tỷ m3); Thác Bà (sông Chảy - 0,45 tỷ m3) và Tuyên Quang (sông Gâm - 1 tỷ m3).
Theo ông Khiêm, đến nay, các hồ chứa như Tuyên Quang, Thác Bà cơ bản đã đầy. Riêng hồ Thác Bà, ngày 10/9, lượng nước về hồ vượt xa lượng xả. Hôm sau, lưu lượng giảm, về gần tương đương mức xả, tuy nhiên, áp lực tại hồ vẫn ở mức nguy hiểm.
Ông Vũ Đức Long, Vụ trưởng Quản lý Dự báo KTTV (Tổng cục KTTV), cho biết tin tích cực là lượng nước từ thượng nguồn về hạ lưu giảm từ ngày 11/9. Một số sông như thượng nguồn sông Hồng tại Lào Cai, Yên Bái đều đã đạt đỉnh và đang hạ xuống. Hồ Hòa Bình cũng đã đóng cửa xả cuối cùng, hồ Tuyên Quang đóng thêm một cửa xả.
Tuy nhiên, bất lợi là mực nước sông Thao vẫn ở mức cao, rút rất chậm. Đặc biệt vùng hạ lưu, hầu hết trạm trên sông đều đã xuất hiện BĐ3 trở lên.
"Lượng nước ở trên dồn xuống dưới, lực nước đang cao nên khả năng tiêu thoát chậm. Thời gian ngập lụt còn kéo dài, ít nhất 2-3 ngày tới", ông nói.
Về hệ thống đê điều, Chi cục Quản lý đê điều và Phòng chống lụt bão các địa phương cho biết, đến nay đã phát sinh 25 sự cố tại 9 tỉnh, thành. Ngoài 10 m đê tả sông Lô bị vỡ, các tuyến đê cấp 4-5 ở TP Thái Nguyên, Hạ Hòa (Phú Thọ), Hữu Bùi (Chương Mỹ, Hà Nội) và đê sông Tích (Quốc Oai, Hà Nội) gặp sự cố tràn...
Theo báo cáo Quy hoạch Phòng, chống thiên tai vào thuỷ lợi thời kỳ 2021-2030 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn năm 2023, hệ thống đê tại đồng bằng Bắc Bộ hiện chưa đạt yêu cầu về mức độ chống lũ.
Theo thiết kế, các tuyến đê thuộc hệ thống sông Hồng lẽ ra phải chống được mực nước lũ 13,1 m tại Hà Nội; riêng đoạn đê đặc biệt qua thành phố là 13,4 m. Nhưng hiện còn khoảng 80 km đê thấp hơn 0,4-0,7m, vùng cửa sông có đoạn thấp đến 1 m. Đê thuộc hệ thống sông Thái Bình phải đảm bảo mực nước thiết kế tại Phả Lại là 7,2 m, nhưng còn thấp hơn 0,3-0,8 m.
Dự báo, mưa lớn ở các tỉnh miền Bắc có xu hướng giảm dần từ 12/9. Tuy nhiên, vẫn có một số điểm mưa to. Mực nước tại hầu hết trạm đo trên sông dự kiến sẽ giảm, trừ trạm Bến Đế (sông Hoàng Long, Ninh Bình) tăng nhẹ.
Mưa giảm, nhưng lũ trên các sông sẽ xuống chậm do lượng nước tích tụ lớn từ đợt mưa trước, dẫn đến nguy cơ ngập lụt kéo dài ở vùng hạ lưu, đặc biệt khu vực trũng thấp và đô thị.
Ông Võ Văn Hoà, Giám đốc Đài KTTV khu vực Đồng bằng và Trung du Bắc Bộ, Tổng cục KTTV, cho biết hiện hạ du đồng bằng Bắc Bộ, một số tỉnh có nguy cơ lũ kéo dài 1, 2 ngày tới như Thái Nguyên.
Ở Bắc Giang, hầu hết xã dọc sông Thương, sông Cầu vẫn ngập kéo dài. Hiện, mức nước hai sông này có xu hướng tăng, nguy hiểm trong 1-2 ngày tới. Đặc điểm lũ năm nay ở Bắc Giang giống các năm 2008, 1986, gây ra đợt ngập úng dài và nhiều thiệt hại.
Tại Hà Nội, mực nước các sông chính phụ thuộc vào diễn biến mưa và xả của hồ thủy điện ở phía trên trong thời gian tới. Hầu hết các quận như Tây Hồ, Hoàn Kiếm, Long Biên, Ba Đình, bị ngập úng ở ven đê. Các huyện ngoại thành tiếp tục chịu ảnh hưởng do nước sông tăng, gây ngập úng cục bộ kéo dài, đặc biệt là Chương Mỹ.
Theo ông Vũ Đức Long, nguy cơ lớn nhất hiện nay ở các tỉnh phía Bắc là sạt lở. Lượng mưa trên vùng núi hiện giảm rất nhiều so với trước, nhưng những ngày qua, khắp miền núi, đặc biệt là Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Cao Bằng, Thái Nguyên mưa rất lớn và kéo dài. Đất gần như đã bão hoà với nước, nguy cơ xảy ra sạt lở rất cao, kể cả không mưa. Trong khi, lũ quét và sạt lở đất là diện thiên tai cực kỳ khó dự báo, việc cảnh báo chỉ trước 3-6 tiếng.
"Đây là mối nguy hiểm lớn với các khu vực có địa hình dốc và thảm thực vật yếu như vùng núi phía Bắc. Dự báo mưa sẽ mở rộng xuống Thanh Hóa, Nghệ An nên nguy cơ lũ quét, sạt lở cũng sẽ xảy ra ở khu vực này những ngày tới", ông cảnh báo.
Nội dung: Gia Chính - Lê Trinh
Đồ hoạ: Khánh Hoàng - Quang Tuệ