-
8h30
Đề cử Ôtô của năm thu hút hơn 40.000 người dự đoán
Diễn ra từ đầu tháng 11, giải thưởng Car Awards đã thu hút hơn 40.000 lượt dự đoán. Những mẫu xe lọt vào đề cử Ôtô của năm đã được công bố, với ba mẫu xe có điểm số cao nhất ở mỗi phân khúc và có tất cả 15 phân khúc. Giải thưởng chung cuộc Ôtô của năm 2021 sẽ được lựa chọn từ 15 cái tên thắng giải ở từng phân khúc.
Giải thưởng ở từng phân khúc do Ban giám khảo lựa chọn với cấu trúc: 60% số điểm đến từ Hội đồng chuyên môn và 40% số điểm đến từ độc giả nhiều kinh nghiệm. Hội đồng chuyên môn do Ban tổ chức lựa chọn, là các nhà báo chuyên ngành, các chuyên gia đánh giá xe, chuyên gia kỹ thuật, mua bán, sản phẩm. Trong khi đó, độc giả nhiều kinh nghiệm là những người sử dụng xe nhiều năm và hoàn thành bảng câu hỏi chuyên môn do Ban tổ chức đưa ra.
Ngoài hệ thống giải thưởng chính, Car Awards 2021 còn các giải phụ như xe có khả năng vận hành ấn tượng nhất, xe có thiết kế ấn tượng nhất, hãng có hệ thống dịch vụ tốt nhất... do Ban tổ chức, Hội đồng chuyên môn và độc giả bình chọn.
Mẫu xe được chọn phải đảm bảo các tiêu chí đáp ứng nhu cầu hiện tại của khách hàng Việt Nam, đồng thời cập nhật xu hướng của ngành ôtô thế giới, có khả năng dự báo và gợi mở nhu cầu cho người tiêu dùng trong tương lai gần.
-
8h45
Lãnh đạo ôtô Việt Nam đến Lễ trao giải Ôtô của Năm
Những người đến tham dự tại Lễ trao giải Ôtô của Năm 2021 đều được kiểm tra y tế, xét nghiệm âm tính Covid-19 trước khi vào sự kiện.
Lễ trao giải Ôtô của Năm 2021 có sự tham gia của nhiều lãnh đạo trong ngành công nghiệp ôtô Việt Nam: ông Nguyễn Anh Tú - Tổng giám đốc Hyundai Thành Công, ông Nguyễn Minh Sơn - Tổng giám đốc công ty sản xuất Hyundai Thành Công, ông Hoàng Chí Trung - Tổng giám đốc VinFast Trading Việt Nam, bà Đỗ Thu Hoàng - Phó Tổng giám đốc thứ nhất Honda Việt Nam, ông Ruchk Shah - Phó Tổng giám đốc Ford Việt Nam, bà Lưu Bảo Hương - Tổng giám đốc điều hành Volvo Car Việt Nam, và nhiều đại diện cấp cao của các hãng đang hoạt động tại Việt Nam.
-
9h15
Khai mạc Car Awards 2021
Mở đầu cho Car Awards 2021, bà Bùi Thanh Vân - Thư ký tòa soạn Báo điện tử VnExpress, Trưởng Ban tổ chức lễ trao giải cho biết, trong năm qua, VnExpress đã tổ chức một loạt các sự kiện bên lề như tọa đàm, bình chọn, các bài viết cung cấp thông tin về thị trường ôtô.
Lễ trao giải Car Awards 2021 ngày hôm nay là sự kiện tổng kết cho chuỗi các hoạt động này.
"Chúng tôi định hướng đây là một sự kiện bình chọn ôtô chuyên nghiệp. Những chiếc xe được đánh giá bởi chuyên gia uy tín và người dùng lâu năm. Qua đó, chúng tôi muốn mang đến những định hướng về xe cho độc giả VnExpress và thị trường nói chung. Bên cạnh đó là sự vinh danh cho các hãng xe có đóng góp lớn tại Việt Nam", bà Bùi Thanh Vân nhấn mạnh.
-
9h20
Cần nhiều cơ chế đặc thù để phát triển ngành công nghiệp ôtô
Trong khuôn khổ chương trình, Ông Nguyễn Minh Sơn - Tổng Giám đốc Công ty sản xuất Ôtô Hyundai Thành Công tham gia phần thảo luận với phần phát biểu về chủ đề "Ngành công nghiệp ôtô Việt Nam - Nhiều tiềm năng, lắm thách thức".
Ông Sơn cho biết Thành Công khởi đầu năm 1999, đến 2007 đã xây dựng được nhà máy lắp ráp ôtô tại Ninh Bình. Trải qua quá trình đám phàn, năm 2009 đơn vị chính thức bắt tay với Huyndai Hàn Quốc sản xuất các mẫu xe.
"Ban đầu chúng tôi chỉ được cho phép sản xuất một mẫu xe. Nhưng đến 2014, Huyndai đã đồng ý chuyển giao sản xuất nhiều dòng xe mới hơn", ông Sơn nói. Hiện nay, Thành Công đang có kế hoạch xây dựng nhà máy thứ hai, công suất đến 100.000 chiếc mỗi năm.
Vị đại diện của Tập đoàn Thành Công nhấn mạnh, các chính sách của Chính phủ đóng góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy sản xuất và phát triển của ngành. "Bản thân các đơn vị đã chủ động để đào tạo đội ngũ, chất lượng cao để làm chủ công nghệ và liên kết với trường đại học để có định hướng đào tạo rõ ràng, ông Sơn nói.
Tuy nhiên, các đơn vị trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ vẫn đang gặp nhiều vướng mắc và nhiều bài toán kinh tế cần giải quyết, cần có hỗ trợ từ Chính phủ. "Chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ vừa qua đã tạo sức bật cho thị trường, duy trì đà tăng trưởng sản xuất. Doanh nghiệp nội địa hoá cũng cần các chính sách để thức đẩy đầu tư vào sản xuất để không những cung cấp trong nước mà còn tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu", ông Sơn cho biết.
-
9h25
Đóng góp của ngành công nghiệp hỗ trợ ôtô còn yếu
Chia sẻ về câu chuyện "Thực trạng ngành công nghiệp hỗ trợ ôtô Việt Nam", Tiến sĩ Trương Thị Chí Bình - Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam tập trung vào các con số để thấy được tầm vóc ngành công nghiệp hỗ trợ ôtô tại Việt Nam.
Theo bà Bình, so với các nước trong khu vực như Thái Lan hay Indonesia, thị trường xe hơi của Việt Nam vẫn còn khá khiêm tốn. Tuy vậy trong dịch bệnh, Việt Nam vẫn có nhiều điểm nhấn trong sản xuất xe hơi. Các chính sách từ cơ quan chứng năng như giảm phí trước bạ là một nỗ lực không hề nhỏ nhằm thúc đẩy thị trường.
Ngoài ra, trong lĩnh vực sản xuất ôtô, có một chứng chỉ rất quan trọng là IATF 16949 - tiêu chuẩn quốc tế cho Hệ thống quản lý chất lượng ôtô. Trong khi các nước khác có đến hàng trăm, hàng nghìn công ty sở hữu IATF thì đến tận hôm nay, Việt Nam mới có 21 công ty sở hữu chứng chỉ IATF. Đó là một hạn chế và bà Chí Bình rất hy vọng trong thời gian tới, sẽ có thêm những đóng góp từ ngành công nghiệp hỗ trợ.
-
9h29
Chỉ khoảng 21 công ty Việt có thể cung cấp linh kiện lắp được vào ôtô
Để bàn thảo sâu hơn về ngành công nghiệp ôtô tại Việt Nam, sự kiện bước vào phiên thảo luận với phần trao đổi giữa các diễn giả đến từ cơ quan Chính phủ chuyên trách, cũng như các công ty sản xuất ôtô tại Việt Việt Nam.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của ngành công nghiệp ôtô với sự phát triển của đất nước, ông Phạm Tuấn Anh Phó Cục trưởng, Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương cho biết, công nghệ ôtô phát triển sẽ kéo theo thu hút đầu tư, nguồn lao động chất lượng cao. Tại Nhật Bản, ngành công nghiệp ôtô đang đóng góp 20% tổng giá trị xuất khẩu. Tại Indonesia, công nghiệp ôtô cũng đang đóng góp 10% cho tổng GDP.
Những năm gần đây tại Việt Nam, ngành này mới phát triển tương đối mạnh mẽ, đóng góp tích cực cho đất nước với hàng tỷ USD doanh thu, tạo việc làm cho người lao động và phát triển nhân công có trình độ, từ đó tạo điều kiện cho sự phát triển của ngành công nghiệp Việt Nam trong tương lai.
Bà Trương Thị Chí Bình, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký HH Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam cho biết, đóng góp của doanh nghiệp phụ trợ cho ngành ôtô rất ít, đặc biệt là các doanh nghiệp nội địa tại Việt Nam. Hiện chỉ có khoảng 20 đến 30 công ty có thể cung cấp linh kiện để lắp được vào xe ôtô.
"Cũng phải nói rằng nguyên nhân là do sản lượng của thị trường ôtô chưa hấp dẫn, hiện nay các công ty này mới chỉ tập trung đầu tư cung cấp các kinh kiện cho xe máy", bà Bình nói.
-
9h36
'Linh kiện trong nước được ưu tiên'
Được người điều phối đặt câu hỏi "Mạng lưới cung ứng ở các công ty mẹ có ảnh hưởng đến việc sử dụng linh kiện từ các công ty Việt Nam hay không?", ông Nguyễn Trung Hiếu - Ban hoạch định chiến lược công ty Toyota Việt Nam cho biết đây là vấn đề mà Toyota cũng đang nỗ lực cải thiện. "Chúng tôi đang hợp tác với 46 nhà cung ứng, trong đó có 6 cái tên là thuần Việt. Chúng tôi sắp tới sẽ hỗ trợ thêm 2 nhà cung ứng khác trong vài năm tới để tăng thị phần của các công ty Việt Nam", ông Trung Hiếu nói.
Ông cũng nhấn mạnh rằng mặc dù có sự hỗ trợ lớn từ công ty mẹ, nhưng Toyota luôn tìm cách để nâng tiêu chuẩn của nhà cung ứng thuần Việt chạm đến tiêu chuẩn thế giới.
Cũng về câu hỏi này, ông Nguyễn Minh Sơn - Tổng Giám đốc Công ty sản xuất Ôtô Hyundai Thành Công cho biết Huyndai sẵn sàng chia sẻ và hợp tác với các công ty cung ứng đáp ứng yêu cầu chung của công ty mẹ. Đây là vấn đề nội tại của doanh nghiệp phụ trợ trong nước, cần nỗ lực bắt kịp với tiêu chuẩn của hãng. "Chúng ta có thể bằng nhiều cách như hợp tác, mua công nghệ để trở thành đối tác của các hãng", ông Minh Sơn nói.
"Để chủ động nguồn cung linh kiện trong tương lai, bản chất là phải tăng cường số lượng nhà cung ứng, năng lực nghiên cứu, quản trị, môi trường... Nhưng không nên đợi doanh nghiệp trong nước tự cố gắng mà cần sự chung tay của các cơ quan ban ngành, hãng xe. Như Toyota đã thành lập một ban chuyên môn để hỗ trợ nhà cung ứng", ông Trung Hiếu dẫn ví dụ.
-
9h43
Tăng sản lượng để tạo điều kiện cho ngành công nghệ phụ trợ ôtô
Về vấn đề chủ động nguồn linh kiện, ông Hoàng Chí Trung - Tổng Giám đốc Vinfast Trading Việt Nam cho biết, Vinfast đã có nhiều giải pháp như: Trực tiếp ký hợp đồng với các nhà cung cấp linh kiện hàng đầu trên thế giới; Tiếp tục tìm các đối tác mới để đa dạng nguồn cung; Đối với các đối tác quan trọng cung cấp linh kiện hiếm, đơn vị có sự chăm sóc đặc biệt, thông báo trước nhu cầu để đối tác có thể chủ động kế hoạch sản xuất.
Về tăng tỷ lệ nội địa hoá, đại diện Vinfast cho biết: "Hiện nay, đối với xe điện, mức độ nội địa hoá là 60% và sẽ nâng lên trong thời gian tới. Chúng tôi đã mở nhà máy pin tại Hà Tĩnh để tăng tỷ lệ nội địa hoá".
Lý giải cho vấn đề tại sao ngành công nghiệp phụ trợ ôtô của Việt Nam chưa phát triển mạnh, bà Trương Chí Bình nhận định, làm công nghiệp chế tạo rất khó. Tất cả các ngành đã đạt tiêu chuẩn có thể bán cho các công ty sản xuất ôtô tại Việt Nam rất ít, chỉ 300 đến 400 công ty. Ngoài ra, ngành này cũng không hấp dẫn, lãi không bằng các ngành khác.
Bà nhấn mạnh: "Công nghiệp ôtô vốn đã rất khó, vì vào được chuỗi ôtô khó hơn rất nhiều so với vào được chuỗi xe máy. Ngoài ra, sản lượng không nhiều, động lực ít, một line sản xuất chỉ cần 2.000 linh kiện một năm, điều này chưa thể tạo sự thu hút với các công ty nội địa. Còn về xuất khẩu, theo tôi phải làm nội địa trước thì mới xuất khẩu được. Công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam là yếu, nhưng nếu sản lượng tăng, nhu cầu tăng thì câu chuyện sẽ khác".
-
9h45
Dưới góc độ doanh nghiệp, đại diện của VinFast Trading, Toyota hay Hyundai Thành Công đều đánh giá cao sự đồng hành và những chính sách kịp thời của cơ quan ban ngành.
Ông Phạm Tuấn Anh - Phó Cục trưởng, Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương cũng đồng ý rằng trong bối cảnh khó khăn chung về hạ tầng cũng như những quy định, Việt Nam vẫn nỗ lực thúc đẩy sự phát triển của ngành sản xuất ôtô.
Theo ông Việt Nam gặp nhiều rào cản nên không thể áp dụng các chính sách phát triển xe hơi như Thái Lan hay Indonesia. Nhưng ở một góc độ khác, các công ty đang có những con đường mới để đưa các sản phẩm nội địa ra nước ngoài.
-
9h58
Lời giải cho vấn đề "con gà, quả trứng"
Đi tìm câu trả lời cho vấn đề, nên tăng sản lượng trước để tạo động lực cho công nghiệp phụ trợ, hay phát triển công nghệ để đáp ứng nhu cầu, ông Nguyễn Minh Sơn - Tổng Giám đốc Công ty sản xuất Ôtô Hyundai Thành Công cho biết, công ty này kỳ vọng các nhà cung ứng phải đạt được các yếu tố về an toàn và môi trường, thoả mãn các tiêu chuẩn tiêu biểu, sau đó mới đến các câu chuyện về giá trình và tiến độ giao hàng.
"Nếu gặp được nhà cung ứng phù hợp, đáp ứng được các yêu cầu trên, chúng tôi sẵn sàng giải đáp thắc mắc và nỗ lực để có thể bắt tay hợp tác", ông Sơn nhấn mạnh.
Từ góc độ nhà hoạch định chiến lược, bà Chí Bình cho biết, Việt Nam đã 5 năm nay theo đuổi câu chuyện này, gần đây tình hình có nhiều thay đổi vì chính phủ hỗ trợ nhiều hơn, doanh nghiệp đã tạo điều kiện tiếp cận với nguồn vốn vay.
"Tuy nhiên, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ vẫn còn rất bé, hy vọng Việt Nam sẽ có vài công ty cung cấp linh kiện lớn mang tầm vóc tương tự Denso nhưng có "quốc tịch" Việt Nam, để có thể cùng ngồi với các ông lớn. Nếu có một đơn vị như vậy, các bên có thể đồng lòng để hiểu nhu cầu, đáp ứng được sự kỳ vọng của thị trường, cùng Vinfast, Huyndai vươn ra thế giới", bà Bình nói tại toạ đàm Car Awards 2021.