Bộ Ngoại giao Nga ngày 11/1 chỉ trích chính phủ Mỹ vì áp đặt biện pháp cấm vận nhằm vào hàng trăm cá nhân và thực thể của nước này chỉ vài ngày trước khi Tổng thống Joe Biden kết thúc nhiệm kỳ, cho rằng đó là "nỗ lực nhằm gây ra thiệt hại cho nền kinh tế Nga, ngay cả khi phải trả giá bằng mất ổn định thị trường toàn cầu".
"Tất nhiên, những hành động thù địch từ Washington sẽ không bị bỏ qua và sẽ có phản ứng đáp trả. Nga sẽ tiếp tục thực hiện các dự án lớn về khai thác dầu khí, cũng như cung cấp những dịch vụ liên quan đến dầu mỏ và xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở các nước thứ ba", cơ quan này cho hay.
Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh nước này vẫn là đối tác chủ chốt và đáng tin cậy trên thị trường nhiên liệu toàn cầu, đồng thời chỉ trích phương Tây đang "tìm cách kéo ngành năng lượng toàn cầu vào cuộc chiến hỗn hợp mà Mỹ phát động chống lại Nga".
Bộ Tài chính Mỹ hôm 10/1 thông báo áp lệnh trừng phạt với gần 400 cá nhân và thực thể Nga, trong đó có 183 tàu chở dầu, các nhà giao dịch dầu mỏ và cung cấp mỏ dầu, cùng hai tập đoàn năng lượng lớn Nga là Gazprom Neft và Surgutneftegas, bên cạnh hàng chục chi nhánh của hai tập đoàn này.
Phó cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ về kinh tế quốc tế Daleep Singh mô tả đây là lệnh trừng phạt lớn nhất từ trước đến nay đối với ngành năng lượng Nga, lĩnh vực tạo ra "nguồn thu chính mà Điện Kremlin sử dụng để phục vụ cho chiến dịch tại Ukraine".
Động thái trừng phạt được công bố chỉ 10 ngày trước khi Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump nhậm chức, có thể gây khó khăn cho nỗ lực chấm dứt xung đột tại Ukraine. Ông Trump từng tuyên bố sẽ dàn xếp để kết thúc chiến sự ở Ukraine ngay sau khi đắc cử, dù gần đây thừa nhận mục tiêu này có thể mất nhiều thời gian hơn.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trong khi đó ca ngợi lệnh trừng phạt, đánh giá chúng sẽ "giáng đòn mạnh" vào nền tảng tài chính phục vụ cho chiến dịch của Nga, gây gián đoạn toàn bộ chuỗi cung ứng.
Vũ Hoàng (Theo TASS, Fox News)