"Hiện chúng tôi thực hiện theo lập trường của Tổng thống Vladimir Putin rằng sẽ không cung cấp dầu và khí đốt cho những quốc gia sẽ áp đặt mức giá trần", phát ngôn viên Điện Kremlin nói trong cuộc họp báo tại Moskva hôm nay.
"Người châu Âu vẫn có những cuộc thảo luận rất khó hiểu về mức giá trần này. Có cảm giác như họ chỉ đang cố đưa ra quyết định, không phải để có hiệu lực, mà chỉ để thể hiện rằng giới hạn đã được đưa ra", ông Peskov nói thêm. "Tuy nhiên, chúng tôi cần phân tích các số liệu được thảo luận ở châu Âu trước khi xác định rõ quan điểm của mình".
Bình luận của ông Peskov được đưa ra trong bối cảnh G7 đang xem xét mức trần đối với dầu được vận chuyển bằng đường biển của Nga ở mức 65-70 USD/thùng, dù các chính phủ Liên minh châu Âu (EU) vẫn chưa thống nhất về mức giá và các cuộc đàm phán sẽ tiếp tục.
Một quan chức cấp cao Bộ Tài chính Mỹ ngày 22/11 nói rằng EU đang tham khảo ý kiến các thành viên về mức giá và phương Tây sẽ thực hiện các bước áp giá trần ngay sau khi quy trình của EU hoàn tất. Giá trần sẽ là cơ sở cho lệnh cấm có hiệu lực từ ngày 5/12, cấm các công ty vận chuyển hoặc cung cấp bảo hiểm cho các lô hàng dầu Nga được bán trên mức giá cố định.
Đây là lần đầu tiên Mỹ và các đồng minh phương Tây vạch lộ trình cụ thể cho biện pháp áp trần giá dầu Nga, sau nhiều tháng thảo luận.
Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto hôm nay cho biết nước này được miễn khỏi đề xuất áp giá trần dầu Nga, đồng nghĩa Hungary không chịu ảnh hưởng nếu mức trần đề xuất được thông qua.
Thủ tướng Hungary Viktor Orban cuối tháng 9 nói rằng các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga của EU nên được gỡ bỏ, do chúng làm tăng giá khí đốt và lạm phát. Ông Orban được coi là lãnh đạo ủng hộ Nga nhất trong 27 nước thành viên EU khi nhiều lần nói liên minh tự hủy hoại chính mình vì áp các lệnh trừng phạt với Moskva, hay cảnh báo các biện pháp này có nguy cơ phá hủy kinh tế châu Âu.
Cuộc xung đột Ukraine, bùng phát ngày 24/2, đã khiến giá năng lượng tăng vọt, mang lại nguồn lợi nhuận khổng lồ cho Nga và giúp nước này giảm thiểu các tác động của biện pháp trừng phạt mà phương Tây áp đặt. Mỹ và đồng minh cho biết áp trần giá dầu không chỉ nhằm tước nguồn thu của Nga, mà còn giúp hạ nhiệt giá năng lượng toàn cầu.
Nga nhiều lần cảnh báo nước này có thể cắt giảm sản lượng dầu để đối phó với tác động tiêu cực nếu phương Tây áp giá trần. Điện Kremlin cũng tuyên bố sẽ ngừng bán dầu cho các nước áp giá trần.
Trước khi Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine hồi tháng 2, châu Âu là điểm đến của gần một nửa lượng dầu xuất khẩu Nga. Năm 2021, khối này nhập từ Nga khoảng 2,2 triệu thùng dầu thô, 1,2 triệu thùng sản phẩm tinh chế và 0,5 triệu thùng dầu diesel mỗi ngày, trong đó Đức, Ba Lan và Hà Lan là những khách hàng lớn nhất.
Huyền Lê (Theo TASS, Reuters)