Phát biểu tại phiên họp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ở New York ngày 11/3, Vasily Nebenzya, đại sứ Nga tại LHQ, cho hay Moskva có bằng chứng cho thấy ít nhất 30 phòng thí nghiệm ở Ukraine đang tiến hành nghiên cứu về vũ khí sinh học. Theo Nebenzya, chương trình này nhằm phát tán các mầm bệnh qua biên giới bằng các loài chim di cư, dơi và cả côn trùng.
"Chúng tôi kêu gọi các bạn cân nhắc về mối đe dọa đe dọa sinh học có thực với người dân châu Âu, hậu quả từ việc phổ biến các tác nhân sinh học không thể kiểm soát từ Ukraine. Nếu kịch bản này xảy ra, toàn bộ châu Âu sẽ bị ảnh hưởng", ông nói.
Nebenzya cho rằng rủi ro này "là có thật khi" các nhóm dân tộc chủ nghĩa cực đoan ở Ukraine đang quan tâm đến những nghiên cứu về mầm bệnh nguy hiểm "mà Ukraine đang hợp tác với Bộ Quốc phòng Mỹ".
Sau bài phát biểu của Nebenzya, đại diện các nước Albania, Mỹ và Pháp lên tiếng phản bác, cho rằng tuyên bố của Nga không có thực và Moskva có thể lợi dụng cáo buộc này để sử dụng vũ khí sinh học ở Ukraine.
"Chúng tôi cho rằng Nga có thể đã sử dụng các tác nhân sinh học hoặc hóa học để tiến hành các vụ ám sát nhằm tạo cớ hoặc hỗ trợ các hoạt động tác chiến quân sự", đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Linda Thomas-Greenfield nói.
Đại sứ Ukraine tại Liên Hợp Quốc Sergiy Kyslytsya thì cho rằng Nga "tự bắn vào chân" khi triệu tập cuộc họp này, khẳng định Ukraine duy trì hệ thống y tế "tuân thủ hoàn toàn với các nghĩa vụ quốc tế và hợp tác đầy đủ với các tổ chức quốc tế có liên quan".
Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc hôm 11/3 tổ chức phiên họp theo yêu cầu của Nga về cáo buộc Mỹ hỗ trợ Ukraine nghiên cứu vũ khí sinh học. Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov hôm 9/3 cho biết quân đội nước này đã thu được những tài liệu cho thấy chi tiết về hoạt động quân sự - sinh học tại Ukraine, bao gồm cả vận chuyển vật liệu sinh học từ Ukraine ra nước ngoài.
Bộ Quốc phòng Mỹ, Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao Mỹ đều bác bỏ cáo buộc, cho rằng Nga kiếm cớ để sử dụng vũ khí sinh học tại Ukraine. Phát ngôn viên Văn phòng Tổng thống Ukraine phủ nhận cáo buộc của Nga. Ngoại trưởng Anh Liz Truss cũng bày tỏ lo ngại khả năng Moskva triển khai vũ khí hóa học tại Ukraine, cảnh báo Điện Kremlin sẽ mắc sai lầm lớn nếu thực hiện điều này.
Trung Quốc bày tỏ quan ngại trước thông tin mà Nga đưa ra, kêu gọi Mỹ chấp nhận "điều tra đa phương" đối với phòng thí nghiệm vũ khí sinh học do Mỹ kiểm soát ở Ukraine.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 10/3 xác nhận đã hợp tác cùng nhiều phòng thí nghiệm công tại Ukraine trong vài năm qua nhằm nâng cao mức an ninh sinh học, ngăn các sự cố "phát tán mầm bệnh do vô tình hoặc cố ý", nhưng không công bố chi tiết các mầm bệnh hoặc yếu tố độc hại được những phòng thí nghiệm nước này nghiên cứu.
WHO cũng đã khuyến nghị Bộ Y tế Ukraine tiêu hủy các mầm bệnh nguy cơ cao nhằm ngăn rủi ro phát tán, nhưng không xác nhận liệu phía Ukraine đã thực hiện đúng theo khuyến nghị hay chưa.
Tuy nhiên, WHO cho hay họ không nhận thấy hoạt động nào của Ukraine vi phạm các hiệp ước quốc tế, trong đó có lệnh cấm vũ khí sinh học. Cao ủy Liên Hợp Quốc về giải trừ vũ khí Izumi Nakamitsu cũng xác nhận Liên Hợp Quốc không phát hiện bất kỳ chương trình vũ khí sinh học nào ở Ukraine.
Sau hơn 15 ngày mở chiến dịch quân sự ở Ukraine, Nga đã kiểm soát thành phố Kherson ở miền nam, bao vây Mariupol ở đông nam, Kharkov ở đông bắc Ukraine và áp sát thủ đô Kiev.
Quân đội Ukraine cho rằng đà tiến công của lực lượng Nga đang "chậm lại đáng kể", song giới chuyên gia quân sự cảnh báo quân đội Nga có thể đã khắc phục được các điểm yếu về hậu cần để chuẩn bị cho đợt tấn công lớn vào Kiev. Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 6/3 cho biết chiến dịch quân sự ở Ukraine vẫn diễn ra đúng kế hoạch.
Hồng Hạnh (Theo Guardian, RT)