"Với việc tạo ra những liên minh như AUKUS và phát triển cơ sở hạ tầng quân sự của NATO ở châu Á, các nước phương Tây đang đặt cược vào nhiều năm đối đầu trong khu vực", Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói trên truyền hình hôm nay.
Điện Kremlin nói thỏa thuận AUKUS giữa Australia, Anh và Mỹ nhằm cung cấp tàu ngầm hạt nhân cho Canberra sẽ cần được cộng đồng quốc tế giám sát chặt chẽ.
"Có rất nhiều câu hỏi liên quan tới vấn đề không phổ biến vũ khí hạt nhân", người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói, thêm rằng "cần có sự minh bạch".
Bình luận của Nga được đưa ra sau khi Thủ tướng Australia Anthony Albanese hôm 13/3 thông báo đạt thỏa thuận với Mỹ, Anh để mua tối đa 5 tàu ngầm chạy bằng lò phản ứng hạt nhân lớp Virginia, mỗi chiếc giá hơn 3 tỷ USD, trong thương vụ quốc phòng lớn nhất lịch sử nước này.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân hôm nay cũng đưa ra quan điểm tương tự, cho rằng Mỹ, Anh và Australia kích động chạy đua vũ trang và thỏa thuận AUKUS là "ví dụ điển hình của tâm lý Chiến tranh Lạnh". Theo ông, việc bán tàu ngầm "gây nguy cơ phổ biến vũ khí hạt nhân nghiêm trọng và vi phạm các mục đích, mục tiêu của Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân".
Australia dự kiến chi khoảng 245 tỷ USD để mua và duy trì hoạt động của đội tàu ngầm hạt nhân đến năm 2055. Thủ tướng Albanese nói rằng AUKUS sẽ mang lại khoản đầu tư 4 tỷ USD cho năng lực công nghiệp của Australia trong giai đoạn 2023-2027, đồng thời tạo ra khoảng 20.000 việc làm trong 30 năm tới.
Thương vụ tàu ngầm trị giá hàng chục tỷ USD đánh dấu lần đầu Mỹ xuất khẩu công nghệ tàu ngầm hạt nhân từ những năm 1960, sau khi giúp Anh thiết kế hạm đội của nước này. Washington, Canberra và London đã dành 18 tháng thảo luận về khả năng Australia sở hữu công nghệ động cơ chạy bằng năng lượng hạt nhân tối mật của Mỹ.
Thanh Tâm (Theo AFP, Reuters)