Duma Quốc gia (Hạ viện Nga) hôm nay thông qua dự luật loại bỏ quyền tài phán của Tòa án Nhân quyền châu Âu (ECHR) đối với Nga. Dự luật thứ hai được cơ quan này thông qua quy định 15/3 là ngày Nga đoạn tuyệt với ECHR và mọi phán quyết chống lại Nga sau thời điểm này sẽ không được thực thi.
Vào ngày 15/3, Ủy ban Bộ trưởng của Hội đồng châu Âu tuyên bố trục xuất Nga khỏi cơ quan này như động thái đáp trả lại chiến dịch quân sự mà Nga ở Ukraine từ hôm 24/2. ECHR là một bộ phận của Hội đồng châu Âu.
Đáp lại, Nga ngày 16/3 tuyên bố tự rời khỏi Hội đồng châu Âu, với lý do các nước phương Tây đã phá hoại cơ quan giám sát nhân quyền châu Âu. Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev cho hay việc Moskva rời tổ chức này mang tới cơ hội khôi phục án tử hình, điều bị cấm theo quy định của Hội đồng châu Âu.
Với động thái rút khỏi ECHR, Nga sẽ không còn bị điều chỉnh bởi Công ước châu Âu về nhân quyền, còn người Nga cũng không thể khiếu nại lên Tòa án Nhân quyền châu Âu.
Hội đồng châu Âu thành lập năm 1949. Nga gia nhập năm 1996 và là quốc gia thứ hai rời khỏi cơ quan này. Hy Lạp từng làm điều tương tự năm 1969 để tránh bị trục xuất sau khi một nhóm sĩ quan quân đội tiến hành đảo chính. Hy Lạp gia nhập lại Hội đồng châu Âu sau khi khôi phục nền dân chủ sau 5 năm.
Kể từ khi phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, Nga đã hứng chịu loạt biện pháp trừng phạt chưa từng thấy từ phương Tây cũng như sức ép cô lập ngày càng lớn. Moskva hồi tháng 5 tuyên bố rút khỏi Hội đồng các quốc gia Biển Baltic, cáo buộc tổ chức này đang trở thành "công cụ của chính sách chống Nga".
Phó chủ tịch Duma Quốc gia Nga Pyotr Tolstoy hôm 17/5 cho hay nước này cũng đang xem xét khả năng rời khỏi Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Thanh Tâm (Theo Reuters)