Tổng thống Pháp Emmanuel Macron gặp người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 8/2 giữa lúc châu Âu tăng tốc ngoại giao để hạ nhiệt căng thẳng ở biên giới Nga - Ukraine.
"Có những tín hiệu tích cực cho thấy một giải pháp cho Ukraine chỉ có thể dựa trên việc thực hiện thỏa thuận Minsk", người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói hôm nay. Thỏa thuận hòa bình Minsk được Bộ tứ Normandy gồm Nga, Ukraine, Pháp và Đức ký năm 2014 và 2015 nhằm chấm dứt xung đột ở miền đông Ukraine.
Tuy nhiên, Peskov thêm rằng không có dấu hiệu nào cho thấy chính quyền Ukraine đã sẵn sàng "thực hiện nhanh chóng những gì Kiev lẽ ra phải làm từ lâu". "Do đó, có cả những tín hiệu tích cực và ít tích cực", ông nói.
Phát biểu tại cuộc họp báo chung với Zelensky ở Kiev, Tổng thống Macron nói ông đã nhìn thấy con đường giảm căng thẳng. Cả Tổng thống Zelensky và Vladimir Putin, người mà ông Macron gặp ngày 7/2, đều nói họ vẫn cam kết thực hiện thỏa thuận Minsk, theo lãnh đạo Pháp.
Miền đông Ukraine chìm trong giao tranh từ năm 2014, khi lực lượng ly khai nổi dậy ở Donbass, gồm Donetsk và Lugansk, chiến đấu chống lại quân đội chính phủ suốt 8 năm qua. Giao tranh lên đến đỉnh điểm trong giai đoạn 2014-2015, trước khi lắng dịu, nhưng đã khiến hơn 13.000 người ở cả hai bên thiệt mạng.
Macron là lãnh đạo phương Tây đầu tiên gặp Tổng thống Nga kể từ khi cuộc khủng hoảng biên giới leo thang căng thẳng từ tháng 12 năm ngoái. Sau cuộc hội đàm, giới chức Pháp nói rằng Nga đã cam kết sẽ không để quân đội đồn trú lâu dài ở Belarus sau khi hoàn thành tập trận trong tháng này, đồng thời không có động thái điều động quân đội gần Ukraine trong tương lai gần.
Tuy nhiên, Điện Kremlin sau đó bác bỏ tuyên bố của Pháp, khẳng định Moskva và Paris không thể đạt được thỏa thuận giảm căng thẳng trong tình hình hiện nay. Nga cho rằng chỉ có Mỹ, nước dẫn dắt NATO, mới có thể đàm phán một thỏa thuận như vậy.
Moskva được cho là điều động hơn 100.000 quân cùng nhiều khí tài quân sự tới khu vực biên giới với Ukraine. Động thái khiến Mỹ và nhiều nước lo ngại Nga có thể tấn công Ukraine.
Moskva nhiều lần bác bỏ và khẳng định mọi động thái đều nhằm mục đích tự vệ, đồng thời yêu cầu phương Tây đáp ứng một loạt yêu cầu an ninh, trong đó có đề nghị NATO không mở rộng về phía đông. Nga cũng cáo buộc phương Tây tăng sức ép chính trị với họ bằng động thái cung cấp vũ khí, đạn dược cho Ukraine.
Xem thêm:
-Thế trận của Nga quanh Ukraine
-Ba tháng khủng hoảng Nga - Ukraine tăng nhiệt
Thanh Tâm (Theo AFP)