"Chúng tôi sẵn sàng hợp tác với đối tác Mỹ, không chỉ là cơ quan chính phủ mà còn là các công ty, nếu họ muốn tham gia", Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết ngày 24/2 tại một phiên họp về đất hiếm. "Chúng tôi chắc chắn có nhiều hơn đáng kể, tôi xin nhấn mạnh, nhiều hơn đáng kể tài nguyên này so với Ukraine. Nga là một trong những nước dẫn đầu về trữ lượng kim loại đất hiếm".
Ông chủ Điện Kremlin nhắc đến trữ lượng nhôm của Nga, gợi ý Moskva có thể cung ứng cho Washington và hợp tác với doanh nghiệp Mỹ để phát triển nguồn cung hơn nữa. Tổng thống Putin để ngỏ khả năng cho phép Mỹ tiếp cận các mỏ khoáng sản ở những vùng Nga tuyên bố sáp nhập tại miền đông Ukraine.
"Chúng tôi sẵn sàng thu hút đối tác nước ngoài đến những vùng lãnh thổ lịch sử đã trở về với Nga", ông Putin bổ sung. "Có trữ lượng khoáng sản nhất định tại đó. Chúng tôi sẵn sàng làm việc với các đối tác, bao gồm cả Mỹ".
Tổng thống Putin xác nhận các công ty Nga và Mỹ "đang liên lạc" và thảo luận về các dự án kinh tế chung liên quan giải quyết xung đột Ukraine.

Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Điện Kremlin, Moskva ngày 24/2. Ảnh: AFP
Nga cuối tháng 9/2022 tuyên bố sáp nhập 4 tỉnh Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporizhzhia sau các cuộc trưng cầu dân ý, dù chưa kiểm soát hoàn toàn khu vực nào trong số này. Moskva sau đó đặt 4 tỉnh vào "ô hạt nhân", thuật ngữ chỉ việc một quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân cam kết bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ hoặc đồng minh bằng vũ khí hủy diệt hàng loạt. Ukraine cùng nhiều nước phương Tây chỉ trích và không công nhận động thái của Nga, nói rằng cuộc trưng cầu dân ý là bất hợp pháp và mang tính ép buộc.
Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump gần đây liên tục thúc giục Ukraine ký một thỏa thuận đất hiếm tiềm năng, trong đó Kiev cung cấp lượng đất hiếm tương đương 500 tỷ USD để hoàn trả những gì đã nhận từ Washington từ khi nổ ra xung đột với Nga tháng 2/2022.
Ukraine từ chối, nói số tiền Mỹ viện trợ không đến 500 tỷ USD và muốn Washington có đảm bảo an ninh cho Kiev.
Giới chuyên gia phương Tây trước đó hoài nghi về khả năng khai thác khoáng sản tại Ukraine trong tương lai gần, bởi hầu hết trữ lượng của Ukraine nằm ở khu vực Nga kiểm soát hoặc rất gần chiến tuyến.

Vị trí khu vực có tài nguyên khoáng sản ở Ukraine. Vùng màu đỏ là nơi Nga đang kiểm soát. Đồ họa: United Media 24
Phó thủ tướng Ukraine Olga Stefanishyna ngày 24/2 cho biết nước này đang trong giai đoạn đàm phán cuối về thỏa thuận khoáng sản. Bà hy vọng ông Trump và ông Zelensky có thể ký thỏa thuận này tại Washington "để thể hiện cam kết của chúng tôi trong nhiều thập kỷ tới".
Tổng thống Trump cùng ngày nói Mỹ "rất gần" một thỏa thuận khoáng sản với Ukraine, thêm rằng ông Zelensky có thể đến Washington "tuần này hoặc tuần sau để ký thỏa thuận".
Cao ủy Liên minh châu Âu (EU) về chiến lược công nghiệp Stephane Sejourne nói ông cũng đã đề xuất một thỏa thuận khoáng sản với giới chức Ukraine khi tháp tùng Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen thăm Kiev. Ông Sejourne mô tả đây sẽ là thỏa thuận "đôi bên có lợi".
Giới chức Ukraine chưa bình luận về thông tin.
Như Tâm (Theo AFP, Reuters)