"Chúng tôi cho rằng công khai các điều khoản của dự thảo thỏa thuận hòa bình vào thời điểm này chỉ cản trở quá trình đàm phán vốn đang diễn ra chậm hơn và ít thực chất hơn so với chúng tôi mong muốn", phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov nói trong cuộc họp báo hôm 22/3.
Peskov nói rằng Ukraine là một quốc gia có chủ quyền và có thể tiến hành các quy trình nội bộ của mình, nhưng cũng phải xem xét các điều khoản vốn đang ở giai đoạn đàm phán và chưa đi đến thống nhất giữa hai bên.
Ông cho hay Tổng thống Vladimir Putin đang làm việc tại Điện Kremlin, thường xuyên tổ chức các cuộc họp và nhận thông tin "từ cả phái đoàn đàm phán lẫn chiến dịch quân sự trên thực địa".
Tuyên bố được Peskov đưa ra sau khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đề xuất đưa các điều khoản dự thảo thỏa thuận hòa bình có tầm quan trọng "lịch sử" ra trưng cầu dân ý. "Người dân sẽ phải có tiếng nói với một số thỏa hiệp nhất định", ông nói hôm 21/3, cho hay chi tiết của thỏa thuận vẫn phụ thuộc vào đàm phán với Moskva.
Phái đoàn Nga và Ukraine đã tổ chức nhiều vòng đàm phán trực tiếp tại Belarus để tìm giải pháp cho cuộc xung đột, trước khi chuyển sang đàm phán trực tuyến nhằm đẩy nhanh tiến trình. Hai bên mới thống nhất được về vấn đề lập hành lang sơ tán dân thường, chưa đạt được đột phá về lệnh ngừng bắn.
Tổng thống Zelensky nhắc lại lập trường Kiev muốn được Nga và phương Tây đảm bảo an ninh trong bất cứ thỏa thuận hòa bình nào. Trong khi đó, Moskva muốn Ukraine trở thành quốc gia trung lập và từ bỏ nỗ lực gia nhập NATO.
Moskva cũng muốn "phi quân sự hóa" và "phi phát xít hóa" Ukraine, cũng như muốn Kiev công nhận Crimea là một phần của Nga, công nhận độc lập hai vùng ly khai Donetsk và Lugansk.
Xung đột tại Ukraine dường như chưa có dấu hiệu hạ nhiệt sau gần một tháng Nga mở chiến dịch quân sự. Nga đã kiểm soát thành phố Kherson ở miền nam, trong khi tiếp tục đẩy mạnh chiến dịch bao vây nhiều thành phố lớn khác, trong đó có thủ đô Kiev. Các vùng ven thủ đô Ukraine đang chứng kiến giao tranh quyết liệt.
Cao ủy Liên Hợp Quốc về Người tị nạn (UNHCR) cho biết gần 3,6 triệu người Ukraine đã sơ tán sang các nước láng giềng từ khi chiến sự bùng phát, nhấn mạnh quy mô khủng hoảng hiện nay "vượt xa mọi kịch bản tồi tệ nhất từng được xem xét". Tổng cộng hơn 10 triệu người đã phải rời bỏ nhà cửa.
Hồng Hạnh (Theo RT)