"Thông tin mà chúng tôi có và đã nhiều lần công bố cho thấy quân đội Ukraine thực sự đã triển khai lực lượng đáng kể dọc biên giới Belarus - Ukraine. Họ muốn thăm dò khả năng phòng thủ của Nhà nước Liên minh", quan chức Bộ Ngoại giao Nga Alexey Polishchuk trả lời phỏng vấn ngày 19/6.
Nhà nước Liên minh được Nga và Belarus thiết lập năm 1999 với kế hoạch thành lập nội các, quốc hội và tòa án chung, cũng như các thể chế khác. Dù chưa kế hoạch nào trong số này được hiện thực hóa, Nga và Belarus có quan hệ đối tác kinh tế và chính trị chặt chẽ.
Belarus tuyên bố không tham chiến ở Ukraine, nhưng Nga và Belarus thành lập lực lượng quân sự hiệp đồng tháng 10 năm ngoái để đối phó "gia tăng căng thẳng ở biên giới phía tây". 70.000 quân nhân Belarus và 15.000 binh sĩ Nga tham gia lực lượng hiệp đồng đã tiến hành nhiều cuộc tập trận chung gần biên giới với Ukraine.
Polishchuk nói rằng lực lượng hiệp đồng đóng vai trò răn đe, ngăn chặn xâm phạm lãnh thổ Nhà nước Liên minh, đề phòng các nhóm phá hoại, trinh sát. Các phương tiện của Nga và Belarus hiện có trong khu vực đủ để đẩy lùi cuộc tấn công từ lãnh thổ Ukraine hoặc các nước láng giềng NATO", Polischuk nhấn mạnh.
"Chúng tôi hy vọng Kiev và những người bảo trợ phương Tây của họ ý thức được rằng không nên thực hiện các cuộc phiêu lưu quân sự có thể gây ra hậu quả rất nghiêm trọng đối với chính họ", nhà ngoại giao Nga nói thêm.
Nga đưa ra thông tin sau khi Tổng thống Vladimir Putin ngày 16/6 thông báo những đầu đạn hạt nhân đầu tiên đã được chuyển vào lãnh thổ Belarus. Theo ông, vũ khí hạt nhân chiến thuật được bố trí ở Belarus có vai trò răn đe những thế lực toan tính đẩy Nga vào tình cảnh "thất bại chiến lược".
Kế hoạch triển khai vũ khí hạt nhân đến Belarus đã được Tổng thống Putin thông báo từ tháng 3. Lãnh đạo Nga khi đó lập luận rằng thỏa thuận giữa hai nước là động thái hợp lý, vì Mỹ đã bố trí vũ khí hạt nhân ở một số quốc gia châu Âu suốt nhiều thập kỷ.
"Thỏa thuận không đặt ra bất kỳ hạn chế nào về thời gian vũ khí hạt nhân chiến thuật Nga hiện diện trên lãnh thổ Belarus", Polishchuk nói, thêm rằng vũ khí có thể được rút khỏi Belarus nếu Mỹ và NATO "ngừng phá hoại an ninh, chủ quyền" của Moskva và Minsk.
Bộ Quốc phòng Nga đã công bố những khí tài mang vũ khí hạt nhân chiến thuật, gồm tổ hợp tên lửa đạn đạo chiến thuật Iskander-M và cường kích Su-25. Hôm 14/6, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko nói rằng nước này đã nhận tên lửa và "bom mạnh gấp ba lần bom nguyên tử thả xuống Hiroshima và Nagasaki". Ông đề cập việc ngày 6 và 9/8/1945, Mỹ thả hai quả bom có sức công phá 13 kiloton và 21 kiloton xuống Hiroshima và Nagasaki, phá hủy khu vực trên diện rộng và khiến khoảng 200.000 người thiệt mạng.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hôm 16/6 chỉ trích Tổng thống Lukashenko vì đã tiếp nhận vũ khí hạt nhân từ Nga. Ông cũng cho rằng "thật mỉa mai" khi Nga triển khai vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ quốc gia láng giềng vốn từ bỏ loại vũ khí này sau khi Liên Xô tan rã.
Huyền Lê (Theo TASS, AFP)