"Thỏa thuận an ninh Mỹ - Ukraine chủ yếu để cho những công dân còn ở Ukraine thấy rằng cộng đồng thế giới dường như vẫn ở bên họ", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nói trong cuộc họp báo tại Moskva ngày 14/6.
Phát biểu được bà Zakharova đưa ra sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden và người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky ký thỏa thuận an ninh song phương 10 năm bên lề hội nghị thượng đỉnh G7 ở Italy hôm 13/6.
Theo thỏa thuận, trong trường hợp Ukraine bị tấn công hoặc đe dọa tấn công, giới chức hàng đầu Washington và Kiev sẽ họp trong vòng 24 giờ để bàn cách ứng phó, xác định Ukraine cần thêm biện pháp phòng thủ nào. Mỹ cũng tái khẳng định cam kết hỗ trợ Ukraine trong cuộc xung đột với Nga.
Tuy nhiên, đây là thỏa thuận hành pháp giữa hai chính quyền đương nhiệm, không được quốc hội phê chuẩn nên không có giá trị như hiệp ước. Bất kỳ tổng thống mới nào của Mỹ cũng có thể hủy bỏ thỏa thuận này.
"Đó cũng chỉ là mảnh giấy, chẳng mang lại điều gì và không có giá trị pháp lý", bà Zakharova nói. "Trên thực tế, thỏa thuận đó né tránh những trách nhiệm pháp lý về tương lai của Ukraine".
Thỏa thuận an ninh giữa Mỹ và Ukraine cũng quy định hai bên công nhận Kiev cần có quân đội lớn mạnh và đầu tư bền vững vào công nghiệp quốc phòng, phù hợp với tiêu chuẩn NATO. Mỹ dự định hỗ trợ dài hạn về thiết bị, huấn luyện và cố vấn, tình báo, an ninh, công nghiệp quốc phòng, thể chế và các vấn đề khác để giúp phát triển lực lượng Ukraine đủ khả năng bảo vệ đất nước, răn đe các đợt gây hấn trong tương lai.
Tổng thống Zelensky cho rằng thỏa thuận này là "cầu nối" để Ukraine trở thành thành viên NATO.
Trước Mỹ, Ukraine đã ký thỏa thuận an ninh song phương với 15 quốc gia, trong đó có Nhật Bản, Latvia, Phần Lan, Canada, Italy, Anh, Đức, Pháp và Đan Mạch. Các thỏa thuận được cho là sẽ giúp Ukraine đảm bảo an ninh và ngăn chặn hành động "gây hấn mới" của Nga, đồng thời mở đường cho Kiev có thể gia nhập Liên minh châu Âu và NATO trong tương lai.
Huyền Lê (Theo AFP, Reuters)