Lãnh đạo cơ quan hoạch định chính sách đối ngoại thuộc Bộ Ngoại giao Nga Aleksey Drobinin trong bài viết hôm 3/8 tuyên bố Nga sẽ không quay lại với nỗ lực hợp tác cùng Mỹ và các đồng minh, do phương Tây đang tìm cách "bảo vệ quyền lực của mình trước một thế giới đa cực đang nổi lên".
Ông Drobinin, người đứng đầu cơ quan chuyên tiến hành các nghiên cứu học thuật và hoạch định chiến lược cho Bộ Ngoại giao Nga, cho rằng các thỏa thuận sau này giữa Moskva với phương Tây chỉ có thể diễn ra trên cơ sở "giao dịch".
Quan chức ngoại giao Nga cho hay chiến dịch quân sự của nước này tại Ukraine là một "bước ngoặt" trên con đường hướng tới trật tự thế giới mới.
"Bất kể thời gian và kết quả của chiến dịch quân sự đặc biệt ra sao, chúng ta giờ đây có thể nói rằng ba thập kỷ hợp tác mang tính xây dựng với phương Tây đã kết thúc", ông Drobinin nhấn mạnh.
Quan chức ngoại giao Nga thêm nước này sẽ theo đuổi các mối quan hệ chặt chẽ hơn với những bên không phải phương Tây, thúc đẩy hội nhập khu vực, giúp tạo ra các cơ chế quản lý và tài chính quốc tế mới không bị phương Tây kiểm soát.
Bài viết 3.500 từ của ông Drobinin dường như hé lộ nội dung khái niệm chính sách đối ngoại sửa đổi sắp được Nga công bố, nhằm định hướng hoạt động của Bộ Ngoại giao cùng các cơ quan khác trong chính phủ.
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov hồi tháng 5 nói rằng các nước phương Tây mắc "chứng sợ Nga" từ khi Moskva phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine. Ông Lavrov nói thêm Nga cũng không chắc nối lại quan hệ với phương Tây.
Phương Tây đã áp loạt lệnh trừng phạt chưa từng có nhằm vào nền kinh tế Nga, trong khi NATO cùng Liên minh châu Âu (EU) chuẩn bị các biện pháp hạn chế Nga trên hầu hết lĩnh vực nhằm cô lập nước này.
Dù Tổng thống Vladimir Putin cho rằng các biện pháp cấm vận của phương Tây không hiệu quả, nghiên cứu về nền kinh tế Nga được các chuyên gia kinh tế và kinh doanh tại Đại học Yale, một trong những đại học lâu đời nhất ở Mỹ, công bố cuối tháng 7, cho thấy nền kinh tế Nga đang bị ảnh hưởng nặng bởi lệnh trừng phạt phương Tây và các doanh nghiệp quốc tế rút khỏi thị trường.
Ngọc Ánh (Theo RT)