Kể từ khi Moskva phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine, phụ nữ Nga ngày càng khó thực hiện các ca phẫu thuật bơm ngực, do thiếu nguồn cung túi độn ngực nội địa. Tất cả các loại túi độn ngực ở Nga đều là hàng nhập khẩu, với 60% nhập từ Mỹ và 13% từ Đức.
Các lệnh trừng phạt của phương Tây không nhằm vào nguồn cung sản phẩm cấy ghép, nhưng gián đoạn hậu cần, cấm vận tài chính và nhiều yếu tố khác liên quan đến lệnh trừng phạt đã ảnh hưởng nặng nề tới hoạt động bơm ngực và phẫu thuật thẩm mỹ của phụ nữ Nga.
Hồi tháng 3, giá túi độn ngực ở Nga đã tăng gấp 3 lần, sau đó giảm xuống và giữ ổn định ở mức cao hơn 20% so với trước thời điểm Nga bắt đầu chiến dịch quân sự, theo bác sĩ thẩm mỹ Evgeny Dobreikin.
Nga xếp thứ 9 toàn cầu về số ca phẫu thuật thẩm mỹ hàng năm, với 621.600 ca năm 2020, theo Hiệp hội Phẫu thuật Tạo hình Thẩm mỹ Quốc tế. Công ty tư vấn Amiko của Nga cho hay lĩnh vực dược phẩm mỹ phẩm của Nga trị giá 969 triệu USD năm 2021, tăng 2% so với năm trước.
Với nhu cầu cao như vậy trong khi nguồn cung các sản phẩm phục vụ phẫu thuật thẩm mỹ nhập từ nước ngoài giảm, Alexander Saversky, chủ tịch Liên đoàn Vì quyền lợi Bệnh nhân Nga, e ngại các sản phẩm giá rẻ chất lượng thấp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ, sẽ sớm được đưa vào bệnh viện.
Ông nhắc lại bê bối về túi độn ngực kém chất lượng của hãng PIP do Pháp sản xuất và dự đoán nhiều vấn đề nữa sẽ sớm xuất hiện trong những lĩnh vực khác của ngành y tế.
"Trong vài tháng tới, tình trạng thiếu thiết bị y tế ở Nga, vốn phải nhập 80% từ nước ngoài, sẽ rất nghiêm trọng", Saversky nói.
Đây cũng là lý do khiến Anastasia Yermakova, 37 tuổi, lo lắng, vì lần gần nhất cô tiêm botox giảm nếp nhăn là cuối tháng 2. Cô sợ rằng loại botox mình hay sử dụng có thể hết hàng mà không nhập lại được vì lệnh trừng phạt phương Tây.
"Chuyên gia thẩm mỹ đảm bảo với tôi cô ấy vẫn dự trữ botox", Yermakova nói. "Nhưng tôi rất lo vì sản phẩm nội địa chất lượng có thể không bằng".
Sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin phát động chiến dịch quân sự vào Ukraine hôm 24/2, nhà sản xuất thuốc AbbVie của Mỹ, công ty nổi tiếng với sản phẩm trị nếp nhăn Botox, đã rút khỏi thị trường Nga.
Kết quả là kho hàng của Botox tại Nga sụt thê thảm, theo Yuliya Frangulova, đồng sáng lập Hiệp hội Phòng khám Y khoa Thẩm mỹ Quốc gia. Frangulova cho hay việc AbbVie rút khỏi thị trường đang "gây quan ngại cho các bệnh viện đã quen sử dụng sản phẩm này".
"Hồi tháng 3, chúng tôi chứng kiến tình trạng hoảng loạn ở bệnh nhân, bác sĩ và nhà cung cấp", Oksana Vlasova, giám đốc phát triển bệnh viện thẩm mỹ Grandmed ở thành phố Saint Petersburg, cho hay. "Nhu cầu bùng nổ, kho dự trữ cạn hàng".
Nikolay Bespalov, chuyên gia của RNC Pharma, công ty chuyên phân tích thị trường dược phẩm Nga, cho hay trong tháng 4 và 5, không có lô hàng botox nào được nhập vào Nga. Ông hy vọng nguồn cung có thể đỡ căng thẳng hơn vào "cuối mùa hè".
Nga cũng đang cạn kiệt một số chất làm đầy do phương Tây sản xuất, đặc biệt là axit hyaluronic để bơm môi căng mọng, một thủ thuật phổ biến ở Nga.
"Chúng tôi buộc phải chia tay với chất làm đầy do AbbVie cung cấp", Vlasova nói và bày tỏ hy vọng các nhà sản xuất châu Âu có thể lấp đầy khoảng trống.
Lạm phát tăng vọt và tương lai bất ổn cũng khiến các chuyên gia làm đẹp đau đầu vì người dân bắt đầu thắt lưng buộc bụng. Khách hàng tới bệnh viện thẩm mỹ của Vlasova bắt đầu sụt giảm.
"Thu nhập của người dân đã giảm. Mọi người đang cắt giảm chi tiêu", bà nói.
Nhưng giữa thời kỳ khó khăn, bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ Dobreikin lại nhìn thấy cơ hội. Anh muốn thu hút khách hàng mới bằng tinh thần yêu nước.
Hồi cuối tháng 5, Dobreikin đưa ra ý tưởng cấy ghép túi ngực "RosGrud" (túi ngực kiểu Nga), loại trong suốt và in hình quốc kỳ Nga. Anh đang tìm nhà cung cấp ở nước ngoài sẵn sàng sản xuất túi ngực cấy ghép theo ý tưởng này.
Nastella Sokolova, 28 tuổi, làm nghề thiết kế và là khách hàng của anh, ủng hộ ý tưởng. "Đây là cách tôi bảo vệ tổ quốc", cô nói.
Hồng Hạnh (Theo AFP)