"Tôi nghĩ đó là cách tiếp cận thực tế", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết hôm 14/2, khi bình luận về phát biểu trước đó hai ngày của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth.
Người đứng đầu Lầu Năm Góc khi đó nói Ukraine khó có khả năng gia nhập NATO và mục tiêu của Kiev về việc khôi phục đường biên giới trước năm 2014, thời điểm Nga sáp nhập bán đảo Crimea, là "thiếu thực tế". Ông Hegseth sau đó một ngày tỏ ra thận trọng hơn, khi nói "mọi thứ vẫn đang được xem xét" trong các cuộc đàm phán.
"Chúng tôi đã nói từ đầu rằng việc Ukraine gia nhập NATO là không thể chấp nhận với Nga. Điều đó tạo ra mối đe dọa nghiêm trọng cho an ninh của Nga và sẽ dẫn đến hậu quả thảm khốc với châu Âu", bà Zakharova nhấn mạnh.
![Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova tại Moskva hôm 14/1. Ảnh: AFP](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2025/02/14/Zakharova-1739546621-8263-1739546946.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=cSudFq-HHV3j5Pz4KW-1PQ)
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova tại Moskva hôm 14/1. Ảnh: AFP
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga còn nhắc đến bình luận trước đó của Tổng thống Mỹ Donald Trump, người cho rằng chính phủ tiền nhiệm của ông Joe Biden phải chịu trách nhiệm vì để xảy ra xung đột tại Ukraine và vì đã gợi ý Kiev có thể gia nhập NATO trong tương lai.
"Tổng thống Trump hôm qua nói rằng ông ấy nghĩ mọi thứ bắt đầu sau khi đội ngũ của ông Biden đưa ra các bình luận liên quan đến NATO, trong đó có khả năng cho Ukraine gia nhập và những thứ khác", bà Zakharova nói. "Tôi nghĩ điều này cho thấy sự thực tế".
Tại buổi họp báo ở Nhà Trắng hôm 12/2, Tổng thống Trump cũng bác bỏ viễn cảnh Ukraine gia nhập NATO và ủng hộ tuyên bố của Bộ trưởng Hegseth rằng Ukraine khó khôi phục được đường biên giới trước năm 2014.
Nga phát động chiến dịch tại Ukraine vào cuối tháng 2/2022, một phần do lo ngại trước đà mở rộng của NATO về phía đông, theo Tổng thống Nga Vladimir Putin.
NATO duy trì chính sách "mở cửa", tức là bất kỳ quốc gia nào đáp ứng các tiêu chí cần thiết đều có thể nộp đơn xin gia nhập liên minh nếu muốn. NATO đã đón hai thành viên mới là Thụy Điển và Phần Lan kể từ khi xung đột tại Ukraine bùng phát.
Ukraine đưa mục tiêu gia nhập NATO vào hiến pháp năm 2019, bất chấp những cảnh báo của Nga rằng khả năng liên minh này triển khai lực lượng và vũ khí ở biên giới sẽ tạo thành mối đe dọa an ninh không thể chấp nhận được.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hôm 14/2 khẳng định sẵn sàng đối thoại về mọi khía cạnh liên quan tới hòa bình với Mỹ, trong đó có vấn đề Kiev gia nhập NATO. Dù vậy, ông thừa nhận Mỹ hiện không muốn thảo luận về vấn đề này, thêm rằng Washington không tin Kiev "có thể trở thành một phần của liên minh".
Lãnh đạo Ukraine cũng bỏ ngỏ khả năng thay đổi cách tiếp cận về việc gia nhập NATO nếu nhận được bảo đảm an ninh.
Phạm Giang (Theo CNN, TASS, Ukrainska Pravda)