"Phần về Nga trong sáng kiến, vốn đề cập trong bản ghi nhớ đặc biệt giữa Liên Hợp Quốc (LHQ) và đất nước chúng tôi, hoàn toàn không được thực hiện", Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov nói trong cuộc họp báo ngày 7/4 sau hội đàm với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu.
Ông Lavrov cho biết LHQ và Thổ Nhĩ Kỳ kêu gọi phương Tây giải quyết đề xuất liên quan đến Nga trong Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen, song "mọi thứ đều vô ích". Các trở ngại về tài chính, thông quan, bảo hiểm xuất khẩu nhiều sản phẩm của Nga vẫn còn và thậm chí trở nên khó khăn hơn.
"Chúng tôi đã quyết định chỉ gia hạn thỏa thuận này thêm 60 ngày. Nếu không có thêm tiến triển nào trong dỡ bỏ các rào cản đối với xuất khẩu phân bón và ngũ cốc của Nga, chúng tôi sẽ xem xét liệu thỏa thuận này có cần thiết hay không", Ngoại trưởng Lavrov tuyên bố.
Thổ Nhĩ Kỳ cùng LHQ làm trung gian cho thỏa thuận ký với Nga và Ukraine hồi tháng 7/2022, tạo điều kiện xuất khẩu hơn 25 triệu tấn ngũ cốc. Thỏa thuận được đưa ra nhằm góp phần ngăn chặn cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu do xung đột Nga - Ukraine.
Theo thỏa thuận, Trung tâm Điều phối chung (JCC) được thành lập tại Istanbul, bao gồm các đại diện cấp cao từ Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Ukraine và LHQ. JCC sẽ kiểm tra các tàu tới Ukraine tới bốc hàng để đảm bảo chúng không chở theo vũ khí. Các tàu này sau đó di chuyển trên tuyến đường biển chỉ định để tới và rời Ukraine.
Thỏa thuận ban đầu có thời hạn 120 ngày, sau đó được gia hạn thêm 120 ngày vào tháng 11/2022. Trong cuộc hội đàm do LHQ và Thổ Nhĩ Kỳ tổ chức ngày 18/3, Nga và Ukraine đồng ý gia hạn thỏa thuận thêm 60 ngày.
LHQ cho biết hơn 24,1 triệu tấn lương thực và nông sản được xuất khẩu theo thỏa thuận, trong đó ngô chiếm 1/2 và lúa mì chiếm 1/4 tổng lượng hàng. Tổng thư ký LHQ António Guterres khẳng định cơ quan này sẽ làm mọi điều để "bảo vệ tính toàn vẹn của Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen và tính liên tục của thỏa thuận".
Nguyễn Tiến (Theo RIA Novosti, TASS)