"Khi thời hạn thanh toán đến gần, nếu một số bên vẫn từ chối thanh toán theo hệ thống mới, sắc lệnh của Tổng thống tất nhiên sẽ được áp dụng", Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov hôm nay cho biết trong cuộc họp báo.
Ông Peskov nói thêm việc từ chối thanh toán khí đốt Nga bằng đồng ruble phản ánh mong muốn của phương Tây là "trừng phạt Nga bằng mọi giá, ngay cả khi gây thiệt hại cho chính người tiêu dùng, người đóng thuế và các nhà sản xuất của họ".
Người phát ngôn Điện Kremlin khẳng định Nga yêu cầu thanh toán khí đốt bằng đồng ruble là do phương Tây đóng băng tài sản của Nga. Ông Peskov cáo buộc phương Tây đã "đánh cắp" các khối tài sản này bằng hành động "thiếu thân thiện chưa từng thấy".
Ông Peskov cũng bác cáo buộc của Liên minh châu Âu (EU) rằng Nga "tống tiền" khi ngừng cung cấp khí đốt cho Ba Lan và Bulgaria từ ngày 27/4.
"Nga đã và vẫn là nhà cung cấp đáng tin cậy về các nguồn năng lượng cho người tiêu dùng và vẫn cam kết thực hiện các nghĩa vụ của mình theo hợp đồng", phát ngôn viên Điện Kremlin nói, thêm rằng nhu cầu thanh toán bằng đồng ruble chỉ là mặt kỹ thuật, không thay đổi giá cả hay các điều kiện trong hợp đồng.
Khi được hỏi liệu Nga có sẵn sàng đối mặt những tổn thất ngân sách có thể phải gánh chịu nếu các nước châu Âu từ chối thanh toán khí đốt bằng ruble hay không, ông Peskov cho biết: "Mọi thứ đã được tính toán, mọi rủi ro đã được dự liệu và biện pháp cần thiết đã được thực hiện".
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết Ba Lan và Bulgaria đang nhận khí đốt từ các nước láng giềng EU sau động thái từ Nga. Bà von der Leyen khẳng định sẽ khiến hành động ngừng cung cấp khí đốt của Nga tác động ít nhất có thể đến người tiêu dùng châu Âu.
Sau khi Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine hôm 24/2, Mỹ đã dẫn dắt đồng minh châu Âu thực hiện các biện pháp tẩy chay năng lượng Nga, dù nhiều chuyên gia cảnh báo điều này sẽ gây thiệt hại không nhỏ. EU là thị trường lớn của khí đốt Nga, khi nhận khoảng 40% nguồn cung từ Moskva vào năm 2021.
Ủy ban châu Âu cuối tháng trước xác nhận EU đặt mục tiêu hoàn toàn không phụ thuộc vào nguồn năng lượng nhập khẩu từ Nga vào năm 2027. EU và Mỹ trước đó cũng ký thỏa thuận cung cấp thêm khí đốt của Washington cho châu Âu.
Mỹ cho biết sẽ làm việc với các đối tác quốc tế, cố gắng đảm bảo ít nhất 15 tỷ mét khối khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) cho thị trường EU vào năm sau và tiếp tục tăng trong tương lai.
Ngọc Ánh (Theo Reuters/AFP)