"Chúng tôi hoàn toàn có quyền đưa ra biện pháp tương xứng và cắt nguồn khí đốt qua hệ thống đường ống Nord Stream 1", Phó thủ tướng Nga Alexander Novak hôm 7/3 tuyên bố, đề cập đến dự án Nord Stream 2 dẫn khí đốt từ Nga tới Đức đã bị giới chức Berlin đình chỉ phê duyệt hồi tháng trước.
Sau khi dự án Nord Stream 2 bị Đức đóng băng, Nord Stream 1 trở thành một trong những nguồn cung cấp khí đốt chủ yếu của Nga tới châu Âu.
"Chúng tôi tới nay chưa đưa ra quyết định đó", ông Novak nói thêm. "Nhưng các chính trị gia châu Âu bằng những tuyên bố và cáo buộc chống lại Nga đang đẩy chúng tôi tới tình thế như vậy".
Tuyên bố được Phó thủ tướng Nga đưa ra trong bối cảnh các lãnh đạo châu Âu sẽ họp tại Versailles, Pháp vào ngày 10/3 để thảo luận về các biện pháp giảm phụ thuộc vào nguồn cung dầu mỏ và khí đốt Nga.
Ông Novak cảnh báo rằng việc châu Âu ngừng nhập khẩu dầu mỏ Nga sẽ dẫn đến hậu quả thảm khốc đối với thị trường toàn cầu. "Không thể đoán được giá dầu sẽ tăng đến đâu, sẽ là 300 USD/thùng, thậm chí hơn", ông nói, thêm rằng châu Âu sẽ mất hơn một năm để thay thế nguồn dầu nhập từ Nga với mức giá cao hơn đáng kể.
"Các chính trị gia châu Âu cần phải trung thực cảnh báo công dân và người tiêu dùng của họ những gì sẽ xảy ra. Nếu các ngài muốn từ chối nguồn cung cấp năng lượng từ Nga, cứ tiếp tục làm thế đi. Chúng tôi đã sẵn sàng cho việc đó, chúng tôi biết nơi có thể chuyển hướng xuất khẩu", Phó thủ tướng Nga nói.
Nord Stream 2 là đường ống dài 1.230 km dẫn khí đốt từ Nga đến Đức qua biển Baltic mà không qua ngả Ukraine hay Ba Lan, bắt đầu được xây dựng từ năm 2018 và hoàn thành năm ngoái nhưng chưa đi vào hoạt động. Đức đình chỉ phê duyệt sau khi Nga công nhận độc lập đối với khu vực ly khai ở miền đông Ukraine.
Giá dầu hôm 7/3 tăng vọt lên 139 USD/thùng, mức cao nhất kể từ năm 2008, sau khi Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết Washington và các đồng minh châu Âu đang xem xét cấm nhập khẩu dầu của Nga. Tuần trước, dầu thô thế giới ghi nhận tuần tăng mạnh nhất 2 năm do chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine làm dấy lên nỗi lo thiếu nguồn cung toàn cầu.
40% lượng khí đốt của EU đến từ Nga và tỷ lệ này dần tăng lên những năm gần đây. Khi phương Tây tìm cách gây khó khăn cho Nga bằng các biện pháp trừng phạt, EU tuần trước phải trả khoảng 722 triệu USD tiền khí đốt mỗi ngày cho Moskva, theo viện nghiên cứu Bruegel, cao gấp ba lần trước khi Nga mở chiến dịch quân sự.
Tuy nhiên, thay thế nguồn cung khí đốt Nga là điều không dễ dàng. Nhiều kho lưu trữ khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) mà châu Âu mua từ Mỹ và Qatar đã hết sức chứa. Hai kho lưu trữ mới được chính phủ Đức phê duyệt trong tuần này sẽ được xây dựng sớm nhất trong ba năm tới.
Năng lượng tái tạo sẽ cần thêm nhiều thời gian hơn để tạo ra sự khác biệt, theo các nhà phân tích. Các nhà cung cấp khí đốt gần hơn như Na Uy, Algeria và Azerbaijan không thể mở rộng đáng kể quy mô sản xuất. Những mạng lưới đường ống dẫn khí đốt ở châu Âu khá chắp vá, thiếu liên kết, gây khó khăn cho phân phối các nguồn khí đốt bổ sung.
Bất kỳ lô hàng LNG vận chuyển bằng đường biển nào đều có giá cao hơn nhiều so với khí đốt qua đường ống Nga, đe dọa nền kinh tế châu Âu vốn đang vật lộn với tình trạng lạm phát. Làm đầy kho dự trữ khí đốt của châu Âu trước mùa đông tới sẽ tiêu tốn ít nhất gần 76,5 tỷ USD theo thời giá hiện tại, trong khi những năm trước, con số này chỉ hơn 13 tỷ USD.
Huyền Lê (Theo Reuters, Guardian)